+Aa-
    Zalo

    "Đại án" Vinalines: Chuyên án cuối cùng của tướng Phạm Quý Ngọ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Tên tuổi Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ gắn liền với các vụ việc lớn như vụ Thái Bình năm 1997, vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, và mới đây nhất là chuyên án Vinalines.

    (ĐSPL) –  Tên tuổi Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ gắn liền với các vụ việc lớn như vụ Thái Bình năm 1997, vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, và mới đây nhất là chuyên án Vinalines.

    Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ là Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Vinalines (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines. Đây cũng là chuyên án gây được sự quan tâm của đông đảo dư luận, khi chính bản thân Trưởng ban chuyên án điều tra Phạm Quý Ngọ lại bị “tố” là đã mật báo cho Dương Chí Dũng tiến hành cuộc “đào tẩu” vào chiều ngày 17/5/2012.

    Trong vụ “đại án” Vinalines, có tất cả 10 bị cáo bị đưa ra xét xử trước vành móng ngựa. Hai sếp lớn của Vinalines là Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines và Mai Văn Phúc - nguyên Tổng GĐ Vinalines đã phải nhận án tử về 2 tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng.

     Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ là Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Vinalines. 

    Cụ thể, về những sai phạm xảy ra ở Vinalines, các bị cáo này đã có dấu hiệu nâng giá vật tư, quyết toán khống trong việc sửa chữa ụ nổi để chiếm đoạt số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng đã phát hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm trong việc đầu tư dự án nói chung và mua sắm ụ nổi nói riêng. Theo điều tra của Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng, khi chưa được Thủ tướng phê duyệt thì ngày 27/6/2007, ông Dương Chí Dũng là Chủ tịch HĐQT Vinalines đã ký quyết định phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này sau đó đã bị đội lên thành 6.489 tỷ đồng.

    Tương tự, việc mua sắm ụ nổi cũng đã bị đội giá lên gấp đôi so với dự toán ban đầu. Vinalines đã tự ý quyết định đầu tư khi chưa được Bộ Giao thông Vận tải cập nhật dự án vào quy hoạch và dự án này cũng chưa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4805/VPCN-CN ngày 31/8/2006.

    Trong sự việc này, cơ quan cảnh sát điều tra xác định ông Trần Hữu Chiều, Phó tổng Giám đốc Vinalines là người đề nghị, ông Mai Xuân Phúc (Tổng Giám đốc thời điểm đó) trình, ông Dương Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT) ký phê duyệt. Các hành vi này được xác định là làm trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, luật đầu tư, luật đấu thầu.

    Theo nhận định của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, “đây là vụ án gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước, có tính chất phức tạp, gây nhức nhối trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ Việt Nam”.

     "Đại án" Vinalines đã tạm khép lại với 2 án tử dành cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.

    Một vụ án khác có liên quan, vào chiều ngày 17/5/2012, sau khi biết tin đã có lệnh bắt tạm giam để tiến hành điều tra về những sai phạm trong “đại án’ Vinalines, Dương Chí Dũng đã gọi cho em trai mình là Dương Tự Trọng, khi đó đang là Phó Giám đốc Công an Hải Phòng để “cầu cứu”. Ngay lập tức, một kế hoạch bỏ trốn được vạch ra, Dương Tự Trọng đã chỉ đạo cho các cấp dưới của mình tìm cách đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài

    Trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng vào ngày 7-8/1, Dương Chí Dũng xuất hiện tại Tòa với tư cách là người làm chứng. Tại phiên tòa này, Dương Chí Dũng đã khai ra danh tính “ông anh” đã báo tin cho mình, đó là Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, người trực tiếp chỉ đạo chuyên án điều tra những sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty hàng hải Việt Nam. Cùng với việc khai ra người mật báo, Dương Chí Dũng còn cho biết đã đưa “quà lót tay” cho “ông anh” này số tiền lên tới 500 nghìn USD.

    Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo Vnexpress ngay sau đó, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ khẳng định mình không liên quan gì đến cuộc đào tẩu của Dương Chí Dũng, “Dũng khai là chuyện của anh ta, trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải làm rõ việc này”.

    Trước những lời khai của bị cáo Dũng, trong phần tuyên án, chủ tọa Trương Việt Toàn đã công bố quyết định khởi tố vụ án Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước đồng thời căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX yêu cầu VKS điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ để chạy tội cho Dương Chí Dũng trong vụ án Vinalines…

    Liệu mọi thứ có tạm khép lại khi mà vào lúc 21h05 phút ngày 18/2, tại Bệnh viện Quân đội 108, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đã từ trần do căn bệnh ung thư gan?

    Thực hư câu chuyện “mật báo” và "nghi án" hối lộ ra sao vẫn còn là dấu hỏi lớn đối với dư luận. Tuy nhiên, với những gì đã làm trong suốt quá trình công tác của mình, hình ảnh Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ vẫn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng đội và nhiều người dân.

    M.H (tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-an-vinalines-chuyen-an-cuoi-cung-cua-tuong-pham-quy-ngo-a22273.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan