Năm nay, người lao động quan tâm đến thưởng Tết nhiều hơn, một phần vì đây là năm khó khăn do đại dịch, phần vì Bộ luật Lao động 2019 mới được áp dụng quy định có thể thưởng Tết hoặc không, thưởng bằng hiện vật thay vì bằng tiền...
Thưởng Tết Tân Sửu: Cao nhất hơn 1 tỷ đồng, thấp nhất 100 nghìn đồng
Tại TP. Hồ Chí Minh, chiều 30/12, sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB, XH) TP.HCM có báo cáo sơ kết về mức lương bình quân và thưởng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, qua khảo sát 1.035 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP sử dụng 140.000 lao động, kết quả cho thấy mức lương thưởng Tết Dương lịch và Tết Tân Sửu có giảm so với năm ngoái.
Cụ thể, mức lương bình quân cho người lao động năm 2020 là 10 triệu đồng/người, giảm 8,6% so với năm 2019. Tiền thưởng Tết Dương lịch bình quân là 3,4 triệu đồng/người, bằng năm 2019. Tiền thưởng Tết Tân Sửu bình quân 8,8 triệu đồng/người, giảm 12% so với năm 2019.
Trong đó, tiền thưởng Tết Tân Sửu cao nhất là hơn 1 tỷ đồng, thuộc về DN FDI (DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – PV), ngành cơ điện lạnh. Tiền thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 990 triệu/người, cũng thuộc về doanh nghiệp FDI, ngành tài chính ngân hàng.
Tại Hà Nội, báo cáo nhanh về tình hình lương, thưởng tết của 6.325 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, do sở LĐ-TB, XH Hà Nội mới công bố cũng cho hay, mức tiền thưởng Tết 2021 của người lao động giảm nhẹ so với năm trước; riêng mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất trong khối DN dân doanh lại có phần tăng hơn.
Theo thống kế, đối với công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng Tết Dương lịch 2021 bình quân là 1 triệu đồng/người. DN có mức thưởng cao nhất là 5 triệu đồng/người và DN có mức thưởng thấp nhất là 500 nghìn đồng/người. Mức thưởng Tết Nguyên đán 2021 bình quân là 3,5 triệu đồng/người. DN có mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng/người và DN có mức thưởng thấp nhất là 550 nghìn đồng/người.
Đối với khối DN dân doanh, mức thưởng Tết Dương lịch 2021 bình quân 780 nghìn đồng/người, mức thưởng cao nhất là 65 triệu đồng/người và mức thưởng thấp nhất là 400 nghìn đồng/người. Mức thưởng Tết Nguyên đán 2021 bình quân là 4,2 triệu đồng/người, mức thưởng cao nhất là 400 triệu đồng/người và mức thưởng thấp nhất là 700.000 đồng/người.
Khối DN có vốn FDI có mức thưởng Tết Dương lịch 2021 bình quân 750 nghìn đồng/người, trong đó, DN có mức thưởng cao nhất là 68 triệu đồng/người và DN có mức thưởng thấp nhất là 320 nghìn đồng/người. Mức thưởng Tết Nguyên đán 2021 bình quân 4,45 triệu đồng/người, mức thưởng cao nhất là 280 triệu đồng/người và mức thưởng thấp nhất là 750 nghìn đồng/người.
Ở Đà Nẵng, địa phương chịu hậu quả nặng nề vì Covid-19 năm 2020, thưởng Tết cũng giảm mạnh so với năm ngoái, mức cao nhất là 127 triệu đồng (đối với Tết Nguyên đán) và 83 triệu đồng (đối với Tết Dương lịch). Kết quả công bố chiều 27/12 của sở LĐTBXH TP Đà Nẵng cho biết, mức thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cao nhất đều rơi vào nhóm DN FDI.
Cụ thể, qua khảo sát, tiền thưởng Tết Dương lịch năm 2021 mức cao nhất là 83,4 triệu đồng, thuộc về nhóm DN FDI. Trong khi đó, mức thưởng thấp nhất là 100 nghìn đồng, thuộc nhóm DN dân doanh (khối tư nhân, cổ phần, hợp tác xã...).
Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 127 triệu đồng cũng thuộc nhóm các DN FDI. Nhóm này có mức thưởng thấp nhất là 358 nghìn đồng. Trong khi đó, mức thưởng thấp nhất là 100 nghìn đồng thuộc nhóm DN dân doanh. Nhóm này thưởng cao nhất là 75 triệu đồng.
Được biết, năm ngoái, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất thuộc khối DN FDI với 209 triệu đồng, thưởng Tết Nguyên đán là gần 1 tỷ đồng thuộc khối doanh nghiệp dân doanh.
Nhiều người lao động phải nhận thưởng tết bằng hiện vật. Ảnh minh họa |
Bộ luật Lao động 2019: DN có thể thưởng Tết bằng hiện vật
Năm 2021 là thời điểm áp dụng Bộ luật Lao động 2019 với một số quy định mới về thưởng Tết. Dư luận quan tâm các vấn đề: DN có bắt buộc phải thưởng Tết không? Năm 2021 có thể thưởng Tết bằng hiện vật thay vì bằng tiền, điều này có đúng không? Tiền thưởng Tết có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?...
Trao đổi với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật, luật sư Phạm Quang Xá (Giám đốc công ty Luật XTVN, đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau: Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Như vậy, DN được quyết định thưởng hoặc không thưởng Tết cho người lao động. Năm 2020 vừa qua, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều DN rơi vào tình trạng thua lỗ, do đó, nhiều khả năng Tết Tân Sửu 2021 này, nhiều người lao động sẽ không được thưởng Tết.
Đáng lưu ý, quy định về tiền thưởng tại Điều 103 của Bộ luật Lao động năm 2012 đã bị thay thế bằng Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, từ năm 2021, người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng tài sản hoặc các hình thức khác ngoài tiền.
Do vậy, trong hoàn cảnh khó khăn này, việc người lao động được thưởng Tết bằng hiện vật hoặc các hình thức khác thay vì bằng tiền sẽ trở nên phổ biến hơn các năm trước. Thực tế các năm trước, một số DN thưởng Tết cho người lao động bằng đồ gia dụng, lương thực thực phẩm – là sản phẩm của chính DN, hoặc bằng hình thức khác như chuyến du lịch, vé tàu xe để về quê...
Tuy nhiên, theo luật sư Phạm Quang Xá, không hẳn là chủ sử dụng lao động có thể tuỳ tiện quyết định đối với thưởng Tết, bởi vẫn phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như Công đoàn,... DN cũng phải công khai quy chế thưởng tại nơi làm việc, nếu không công khai sẽ bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019.
Minh Minh
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (I)