(ĐSPL) - Tết đến, nhiều ngành nghề xôn xao lương thưởng. Có nơi công bố thưởng từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Nghe tới chuyện này, nhiều người lao động chạnh lòng vì không bao giờ có thưởng, hoặc có cũng chỉ là tự thưởng bát phở....
Nhiều doanh nghiệp thưởng Tết "nhỏ giọt". (Ảnh minh họa) |
Báo chí đưa tin, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố kết quả thống kê từ 13.000 doanh nghiệp trên cả nước, tình hình thưởng Tết Ất Mùi của doanh nghiệp đạt mức trung bình 5 triệu đồng/người. Trong đó, mức thưởng thấp nhất là 30.000 đồng (bằng giá bát phở-PV), thuộc về một doanh nghiệp tư nhân.
Theo vị lãnh đạo này, hiện còn khoảng 20\% doanh nghiệp chưa báo cáo về thưởng Tết. Tuy nhiên, kỷ lục thưởng Tết cao nhất 583 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Có lẽ, chỉ cần một vài lần nhận thưởng Tết như vậy, nhân viên của doanh nghiệp này có thể sở hữu cả một căn hộ chung cư!
Với con số biết nói trên, nhiều người phải chạnh lòng, suy ngẫm. Có những lời tán thưởng, trầm trồ: "Ồ! Sao họ thưởng tết "khủng" đến thế? Có lẽ kết quả kinh doanh một năm chỉ phát chứ không hoà". Thế nhưng, cũng có những tiếng thở dài ngao ngán, thưởng Tết cũng chỉ bằng bát phở… bình dân!
Và, trong những người chạnh lòng đó, có người thầy, có công nhân lao động cực nhọc đêm ngày. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chân thành: "Thưởng Tết với ngành giáo dục là rất khó. Ngay cả ở Bộ cũng không có bất cứ nguồn nào, không có ngân sách nào cho thưởng Tết".
Trên thực tế, tùy theo địa phương, cơ sở đào tạo, có sức đến đâu thì thưởng cho giáo viên đến đó. Có một số trường ở thành phố lớn, có nhiều nguồn thu linh hoạt, tích lũy đến cuối năm dành thưởng cho giáo viên. Tuy không nhiều như doanh nghiệp, nhưng cũng xông xênh mua sắm. Còn đa số giáo viên, chỉ có vài trăm ngàn đồng làm quà. Cầm đồng tiền thưởng Tết mà rưng rưng nước mắt. Ở các tỉnh nghèo, vùng nông thôn, tiền thưởng của giáo viên còn thê thảm hơn. Có nhiều thầy cô giáo không biết đến chuyện thưởng Tết, hoặc có thì chỉ đủ để ăn một bát phở sau một năm nhọc nhằn sao khỏi tủi thân?
Với những chia sẻ của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nhiều người có thể cảm thông là ngay ở Bộ cũng không có bất cứ nguồn nào để thưởng Tết. Nhưng quý quan chức ở Bộ còn có nhiều thứ bù đắp, thậm chí quà cáp không thiếu. Còn giáo viên nghèo ở khắp đất nước này, chỉ duy nhất đồng lương èo uột, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
Ngẫm chuyện "bát phở cho người thầy", nhiều người chợt nhớ đến "sự kiện" cuối tuần qua, lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng nọ ở phía Nam tập kết ra Hà Nội họp triển khai kế hoạch năm mới. "108 tỉ thôi" là tin nhắn như thất vọng gửi từ cuộc họp, về một điểm được quan tâm nhất đối với cán bộ nhân viên. Vậy thì, Tết này, chuyện thưởng ở ngân hàng đó không có gì mới. Đã ba năm qua, quy mô vốn thì khá lớn, trên 5.000 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận vẫn chật vật quanh con số 100 tỉ đồng.
Có lãi còn hơn không. Ít ra cũng có nguồn để chi thưởng!
Tết năm nay, tại một số ngân hàng, không thưởng hoặc thưởng ít là hiện thực cũ. Điểm mới là kỳ vọng có… "xả lũ". Trên một số diễn đàn buôn chuyện của dân ngân hàng, kỳ vọng này đặt ra nửa đùa, nửa thật. Thế nhưng câu chuyện có vẻ hợp lý, khi có tính toán: Một loạt ngân hàng thương mại dự kiến sắp phải sáp nhập, thưởng Tết sắp tới như là "cơ hội cuối cùng" để đối nội, động viên và chia sẻ với cán bộ nhân viên trước khi sáp nhập vào ngân hàng khác. Dẫu sao, cán bộ nhân viên cũng không phải thấp thỏm lo thưởng Tết vẫn "bóc ngắn, cắn dài".
Nhắc đến chuyện thưởng Tết, nhiều người liên tưởng đến câu chuyện tham nhũng, lãng phí. Tiền tham nhũng lãng phí hàng chục ngàn tỉ đồng nghe quen cả tai, vậy mà bát phở cho giáo viên, cho công nhân ngày Tết lại không có… nguồn kinh phí. So sánh dù có khập khiễng, nhưng không thể không liên hệ đến sự thật đến hẹn lại lên này... Nhưng tự hỏi liệu thưởng Tết như thế với người nghèo thì hiện "khéo ăn có no, khéo co có ấm"? Thật khó trả lời.