(ĐSPL) - Thời gian vừa qua, với sự bùng nổ của nhiều trung tâm thương mại, vui chơi giải trí phát triển trên khắp cả nước, những gian hàng thời trang cũng theo đó nở rộ. Không chỉ có các nhãn hiệu trong nước, hàng loạt thương hiệu quốc tế từ bình dân đến cao cấp cũng đã nhắm đến thị trường Việt Nam như một “tụ điểm” nóng. Liệu đây có phải là dấu hiệu cảnh báo những nhà thiết kế (NTK) Việt sẽ đối mặt với tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”?
Vì sao các "tín đồ" ưa chuộng thương hiệu ngoại?
Mới đây, hãng thời trang Zara nổi tiếng thế giới thông báo sẽ chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam trong vài tháng tới. Cùng thời điểm này, những tín đồ thời trang cũng đang truyền tai nhau thông tin đối thủ cạnh tranh “khét tiếng” của Zara là H&M cũng đang có mặt tại Việt Nam để chuẩn bị cho gian hàng chính thức đầu tiên.
Trước thông tin này, không ít tín đồ “ruột” của các thương hiệu thời trang quốc tế tỏ ra mừng rỡ, hoan hỉ bởi họ sẽ không phải mất công chờ đợi các đơn đặt hàng từ nước ngoài. Thực tế cho thấy, thời gian qua đã có nhiều sự kiện đặc biệt cho người tiêu dùng khi các hãng thời trang quốc tế nổi tiếng như Topshop, Warehouse, Mango... đã lựa chọn Việt Nam là “điểm đến” lý tưởng bởi nhu cầu làm đẹp “không biên giới” của người tiêu dùng trong nước.
Bất chấp việc mua bán các sản phẩm quốc tế này tại Việt Nam vừa tốn thời gian và chi phí hơn nhiều các sản phẩm nội địa, những sản phẩm “hot” của Zara hay H&M vẫn luôn “cháy” hàng tại nước ngoài nhờ sự săn lùng của các “con nghiện” thời trang khắp thế giới.
Điển hình, các cá nhân kinh doanh trong ngành dịch vụ mua bán, nhận đặt hàng xách tay từ nước ngoài cũng từ đó “nở rộ” với lượng hàng thời trang được đặt nhiều không kể xiết mỗi khi hãng thời trang ra bộ sưu tập mới.
Cô gái tên Q.A. (24 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) đang làm dịch vụ đặt quần áo, phụ kiện hàng hiệu qua mạng chia sẻ: “Nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng với các hãng thời trang quốc tế chưa có mặt tại Việt Nam rất lớn. Cá nhân tôi mỗi tháng phải sang nước ngoài ít nhất 3-4 lần mới đáp ứng đủ lượng đặt hàng cho khách. Thị trường cạnh tranh, người tiêu dùng không muốn chờ lâu nên đôi khi nếu không chịu khó đi “đánh” hàng thường xuyên là mất khách. Có những hot girl bán hàng trên mạng còn phải ở lại nước đó, chỉ được về nhà vài ngày mỗi tháng để lấy hàng liên tục”.
Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, với những hãng thời trang quốc tế thuộc phân khúc bình dân giá rẻ, mỗi khi ra bộ sưu tập mới, thị trường lại ồ ạt, xuất hiện những sản phẩm “ăn theo”. Các mặt hàng này tương tự mẫu hàng hiệu có sẵn từ mẫu mã, màu sắc với giá thấp hơn 2-3 lần. Tuy nhiên, những tín đồ thời trang “sành sỏi”, ưa chuộng hàng chính hãng hơn bởi điều này thể hiện sự tôn trọng thương hiệu cũng như khẳng định cá tính.
Thách thức thời trang Việt
Vấn đề đặt ra là liệu những hãng thời trang đình đám tầm quốc tế này về Việt Nam có khiến phân khúc hàng thiết kế đậm chất Việt bị cho “ra rìa”? PV đã có cuộc trò chuyện với một số chuyên gia trong giới thời trang và nghe họ nhận định.
NTK kiêm Stylist Hà Nhật Tiến (thí sinh từng tham gia chương trình Ngôi sao thiết kế Việt Nam) chia sẻ: “Với cá nhân tôi, thị trường thời trang và quần áo may mặc sẵn trong nước cơ bản đã có phân khúc, thị phần riêng. Đương nhiên, mỗi NTK cũng có đối tượng khách hàng riêng hướng tới cho mỗi thương hiệu của mình, nên nếu như Zara hoặc một vài thương hiệu bình dân dễ mặc khác có về Việt Nam thì sẽ chỉ làm phong phú thêm thị trường thời trang trong nước”.
NTK Hà Nhật Tiến và siêu mẫu Thanh Hằng. |
NTK Hà Nhật Tiến nhấn mạnh: “Việc các thương hiệu thời trang quốc tế về Việt Nam hoàn toàn không ảnh hưởng tới NTK Việt, họ không thể bị “thất sủng” bởi mỗi người đều có đối tượng khách hàng riêng, định hướng riêng. Thực tế Zara, H&M là những thương hiệu sản xuất hàng loạt, thông dụng và ai cũng có thể sở hữu. Nhưng với những người khắc khe trong gu thời trang, họ thường lựa chọn những thiết kế đặc biệt, chỉ riêng họ có”.
Trước tình hình trên, những NTK hay đi theo trào lưu, xu hướng của các thương hiệu quốc tế cần chú ý hơn bởi sức mua của các “tín đồ” sẽ đổ dồn về cửa hàng chính hãng của các thương hiệu này. Điều này cũng có nghĩa nếu NTK có chung định hướng, phong cách với các thương hiệu nổi tiếng thế giới sẽ phải chịu áp lực rất lớn khi các hãng này lan rộng trên thị trường nhiều nước. Mặt khác, những NTK Việt đi ngoài xu hướng chung của thế giới sẽ có thêm động lực để làm tốt công việc của mình hơn.
Chuyên gia trang điểm, stylist Nguyễn Nhật Bình cũng cho rằng: “Các sản phẩm của Zara, H&M với thu nhập ở nước ngoài thì có thể xem là phân khúc bình dân. Nhưng so với thu nhập của Việt Nam thì giá cả vẫn cao ngất ngưởng, bởi hàng hóa may mặc nước ngoài vào Việt Nam sẽ chịu thuế nhập khẩu cao. Nếu hàng Việt Nam để ý đến giá bán lẻ và phân định rõ ràng phân khúc khách hàng thì chưa chắc đã phải e dè, lo sợ trước sản phẩm thời trang quốc tế. Cái khó khăn của các NTK Việt Nam là mẫu mã chưa đa dạng và người tiêu dùng Việt vẫn còn “sính” ngoại nên cho dù giá cao so với thu nhập họ vẫn sẵn sàng mua”.
Việc các thương hiệu quốc tế “âm mưu” ồ ạt chiếm lĩnh thị trường Việt Nam thực sự là một lo ngại đối với ngành thời trang trong nước, bởi đây là thương hiệu phủ sóng toàn cầu, nhất là sắp tới Việt Nam gia nhập TPP, có nhiều hãng thời trang nổi tiếng tiếp tục đổ bộ, thách thức thời trang Việt.
Đại diện truyền thông của thương hiệu thời trang thiết kế công sở Elise, chị Lương Thị Việt Hà cho biết: “Các hãng thời trang Việt Nam vẫn có ưu thế hiểu thị trường của mình cùng với những định hướng riêng mà hiện giờ các thương hiệu quốc tế chưa đáp ứng được như về chất liệu, kích cỡ chuẩn cho người châu Á. Việt Nam lại có những thương hiệu lớn, tập trung phân khúc khách hàng riêng, nên nếu thay đổi phân khúc thị trường thì sẽ rất khó.
NTK Hà Nhật Tiến cũng quan niệm, mỗi người tiêu dùng sẽ quản lý túi tiền chi tiêu cho riêng mình và có gu ăn mặc chọn lựa khác nhau. Nhận định về tiềm năng của phân khúc thời trang thiết kế Càng tối giản, càng đơn giản về phom dáng, chú trọng chất liệu vải và đường may, cập nhật màu sắc và xu hướng, nhấn nhá một số chi tiết đắt giá cho mẫu thiết kế thì các NTK sẽ có nhiều khách hàng hơn. Mỗi NTK bán được nhiều sản phẩm cho nhiều đối tượng khách hàng sẽ thúc đẩy mặt bằng chung cho thời trang Việt đi lên”.
Cạnh tranh khốc liệt luôn là điều không thể tránh khỏi trong mọi lĩnh vực trên thị trường. Chúng ta cần nhìn nhận việc thương hiệu quốc tế “đổ bộ” vào Việt Nam là một tín hiệu vui cho người tiêu dùng Việt. Vì chỉ những sản phẩm thực sự tốt, chất lượng mới được người mua lựa chọn và tin dùng và bản thân các nhãn hàng may mặc Việt Nam cũng cần thay đổi mình để không bị “đánh bật” ra khỏi xu thế hội nhập.
HÀ ANH
Mời độc giả xem thêm video Giải trí:
[mecloud]EZl6b7FRcF[/mecloud]