"Gốc cây thần kỳ" có tên Việt Nam là Sấu Tía hay còn gọi là Sấu Đỏ, là loại cây lấy gỗ, ăn được quả, hoa, lá nhưng không phải cây làm thuốc.
Ngày 8/10, Trung tâm nghiên cứu chế biến lâm sản giấy và bột giấy thuộc trường Đại học Nông lâm TP.HCM đã có văn bản gửi Phòng y tế huyện Tân Hưng (Long An) thông báo kết quả kiểm tra phân tích mẫu gỗ gốc cây được thêu dệt là “gốc cây thần kỳ” đặt tại nhà vợ chồng bà Nguyễn Thị Kim Hồng - Nguyễn Văn Nguyên ở ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng.
Theo kết quả kiểm tra, mẫu gỗ gốc cây này có tên Việt Nam là Sấu Tía hay còn gọi là Sấu Đỏ, tên khoa học là Sandoricum indicum. Đây là gỗ thuộc họ thực vật Xoan (Meliaceae), nhóm gỗ Sáu ( VI/VIII). Theo tài liệu “tên cây rừng Việt Nam”, đây là loại cây lấy gỗ, ăn được quả, hoa, lá nhưng không phải cây làm thuốc.
Mấy tháng nay, mỗi ngày có hàng trăm người từ Đồng Tháp, An Giang, TP.HCM và nhiều tỉnh thành đổ xô về nhà bà Hồng để “mua thuốc” vì nhà bà này có “gốc cây trị bá bệnh”. Gốc cây này bán kính khoảng 3 mét, đã mục ruỗng, được ông Nguyên đào ngoài ruộng đem về nhà. Chỉ trong mấy tháng gia đình này đã chẻ vụn hàng trăm kg gỗ rồi bỏ vào chai ngâm với rượu để “chữa bệnh” cho nhiều người.
Để vãn hồi trật tự, huyện Tân Hưng phải thành lập đoàn liên ngành gồm y tế, kiểm lâm, công an xuống kiểm tra và xác định đó là gỗ tạp, lập biên bản và yêu cầu gia đình bà Kim Hồng không được bán thuốc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn kéo tới “mua rượu” rồi trộn gỗ mục vào rượu để uống, tự nguyện bồi dưỡng cho chủ nhà từ 5.000 đồng – 50.000 đồng một xị rượu gỗ mục.
Để dập tắt tin đồn, Phòng y tế huyện Tân Hưng đã tiến hành lấy mẫu gỗ gốc cây đi giám định, có kết quả như trên.
Người dân xếp hàng mua “thuốc gỗ mục”. |
Cận cảnh gốc cây nhóm VI. |
Căn nhà của bà Hồng, nơi cất gốc cây được đồn thổi là trị bá bệnh. |
Một người dân ở thành phố Tân An (Long An) khoe chai rượu được bạn mua tặng. |