Bác sĩ đã tiến hành thủ thuật rửa ruột và làm các xét nghiệm cần thiết để theo dõi hậu quả của việc uống nhầm thuốc diệt chuột cho cháu bé 2 tuổi.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM tiếp nhận một bé trai 2 tuổi nhà ở Tân Phú được người nhà đưa tới khoa vì phát hiện em đang ngồi chơi với nhiều viên bột màu hồng giống kẹo dùng để diệt chuột. Nghi ngờ em đã nuốt các viên thuốc trên, nên người nhà đưa em đến khám tại BV Nhi Đồng 1.
Qua hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, các bác sĩ đã tiến hành thủ thuật rửa ruột và làm các xét nghiệm cần thiết để theo dõi hậu quả của việc uống nhầm thuốc diệt chuột. Rất may mắn là tình trạng sức khỏe em ổn định và xuất viện.
Đây chỉ là 1 trong các trường hợp uống nhầm thuốc diệt chuột tới khoa Cấp cứu trong nhiều năm qua. Tuy nhiên có nhiều bé không may khi uống phải liều lượng lớn, dẫn tới rối loạn tình trạng đông máu nặng dẫn tới chảy máu các cơ quan (xuất huyết não, xuất huyết phổi, xuất huyết tiêu hóa…) khiến bé phải được điều trị dài ngày trong khoa Hồi sức tích cực hoặc thậm chí tử vong.
Những viên thuốc diệt chuột bắt mắt kia thoạt nhìn tưởng vô hại nhưng có thể dẫn đến những chuỗi ngày trong bệnh viện làm gián đoạn công việc của cha mẹ, người thân các em và để lại những hậu quả nặng nề. Điều này có thể tránh được nếu các bậc cha mẹ biết cách phòng tránh thích hợp: không để thuốc ở trong tầm với của các em, thuốc phải rải ở trong các hốc tối, vị trí mà các em không lấy được, sử dụng các biện pháp diệt chuột thay thế nếu được (keo dính, bẫy, máy đuổi chuột, chế phẩm sinh học…)
Hiện thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt chuột khác nhau, phổ biến nhất là các chế phẩm chứa các loại thuốc chống đông máu như: warfarin (Dethmor), Bromadiolone (Killrat), Flocumafen (Storm)… khi chuột ăn phải sẽ xuất huyết và chết. Ngoài ra còn các loại thuốc diệt chuột khác chứa phosphat kẽm gây ngộ độc thần kinh, Biorat chứa vi khuẩn diệt chuột… Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu ý đừng cho trẻ tiếp xúc.
BS Nguyễn Thị Thùy Linh – Khoa Cấp cứu