Nép mình dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ, những nóc bản xa xôi huyện Nam Trà My (Quảng Nam) quanh năm sương mù giăng phủ. Nơi thâm sơn cùng cốc này còn chứa đựng bao điều bí mật của đồng bào Xê Đăng. Trong số đó, ngậm “thuốc dấu” là tập tục đầy bí ẩn.
Độc đáo cách ngậm thuốc
Từ thủ phủ Quảng Nam, ngược núi ngược rừng hàng trăm ki lô mét, chúng tôi có mặt dưới chân núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My). Mờ sáng, người địa phương đã í ới gọi nhau lên núi làm rẫy, làm nương. Những rẫy sắn, nương khoai nằm cheo leo giữa núi rừng bạt ngàn phải mất hàng giờ liền băng rừng mới tới nơi.
Theo chân họ, chúng tôi lội bộ lên nóc Tắk Nầm (thôn 3, xã Trà Don). Trời đổ nắng như muốn thiêu trụi đoàn người lầm lũi. Dọc đường đi, đôi ba nhóm người chụm thành nhóm lại dưới tán cây lớn tránh nóng. Thi thoảng, chúng tôi gặp một đoàn người khác đi ngang qua, họ lấy từ trong người một túi vải có chứa loại bột màu xanh sẫm. Thay phiên nhau, họ mời đoàn vừa gặp rồi cho vào miệng ngậm.
Loại “thuốc dấu” đặc biệt được giã nát thành bột, có màu xanh sẫm. |
Loại bột kỳ lạ ấy khiến chúng tôi chú ý. Như hiểu được ý khách lạ, già làng Hồ Văn Ri (68 tuổi, trú nóc Tắk Nầm) cười nói, loại bột ấy bà con dùng để ngậm. Và cũng không rõ từ bao giờ cách sinh hoạt này trở thành quen thuộc như một tập tục, thói quen. “Thuốc bột có vị đắng. Khi ăn vào có cảm giác say say. Người mới ngậm thuốc có thể say nhiều. Với chúng tôi, mỗi ngày ngậm thuốc vài ba lần. Nó đã trở thành thói quen”, già Ri cho biết.
Theo tìm hiểu, có thể hình dung đơn giản tục này giống cách ăn trầu ở một số nơi. Đồng bào Xê Đăng ngậm thuốc rồi nhả phần bã. Thuốc bột khi ngậm được cho vào lòng bàn tay, người dùng để sát cằm rồi đưa thuốc vào giữa môi dưới và hàm răng dưới. Họ ngậm 5-10 phút thì thuốc nhạt vị rồi nhả ra.
Tuy nhiên, khác với nhiều thói quen như ăn trầu, hút thuốc..., tục ngậm thuốc của đồng bào này rất đặc biệt. Theo già Ri nó đã trở thành một nét văn hóa, ăn sâu vào tiềm thức và được người dân sống ở đỉnh Ngọc Linh xem như một tập tục. Ở bất kỳ nơi đâu, từ tiệc cưới đến ma chay, đám giỗ hay hội họp làng bản, điều bắt buộc phải có chính là bày biện trên bàn bột thuốc như một món ăn “khai vị”.
“Ngậm thuốc là để thể hiện sự thân tình, đoàn kết giữa các nóc bản với nhau. Người Xê Đăng, Ca Dong gặp nhau, quý nhau sẽ mời nhau ngậm thuốc. Sẽ không ai từ chối khi được mời”, già làng Ri nói thêm.
Một số người dân cười nói rằng, có một câu chuyện hài hước mà dân bản vẫn truyền tai nhau về tục ngậm thuốc. Nhiều năm về trước, có một đoàn cán bộ huyện Nam Trà My lẫn các già làng uy tín được cử đi công tác dưới xuôi. Khi vào phòng họp, các già làng mới đưa thuốc ra mời thì bị “trách” cấm hút thuốc. Khi tìm hiểu ra thì ai cũng được một trận cười.
Chuyện là, một số người được mời ngậm thuốc nhầm tưởng dùng loại bột này quấn vào giấy để hút nên nhắc nhở. Khi hiểu ra đây là loại bột bí mật dùng để ngậm và chỉ khi quý mến, thể hiện tình cảm, bà con mới mời nhau. Thế là mọi người bật cười, ôm lấy nhau, xem đây như một kỷ niệm đặc biệt.
Hé lộ bài “thuốc dấu”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tục tập này được người dân bản địa gọi là “Cá C’râu”. Dù ngậm thuốc vào miệng nhưng hiện chưa có một nghiên cứu cụ thể, rõ ràng nào về tác dụng, tác hại của “Cá C’râu” đối với sức khỏe. Điều bà con vùng cao rõ nhất chính là việc ngậm thuốc lại giúp răng, miệng trở nên chắc khỏe. Cũng vì ngậm thuốc mà răng và môi người ngậm bị nhuộm màu đen, nâu. Về mặt hình thức trông rất xấu.
Đồng bào miền núi Nam Trà My xem việc ngậm thuốc là một thói quen bấy lâu nay. |
Theo các già làng xã Trà Linh, bà con nơi đây vẫn hay sử dụng loại thuốc này. Tại nóc Mông Bríu, thôn 4, xã Trà Linh có đến 90% người trưởng thành ngậm thuốc. Già làng Trần Xuân Đoản (trú nóc Mông Bríu, thôn 4) chia sẻ, đặc thù của việc sinh sống ở dãy Ngọc Linh là mùa đông kéo dài và rất lạnh. Những đợt lạnh như cắt da, cắt thịt. Và rồi, chính “Cá C’râu” lại giúp đồng bào vượt qua cơn lạnh.
“Người dân chống chọi với giá rét bằng cách... ngậm thuốc. 90% bà con trong xã này có thói quen này. Trong số đó phụ nữ chiếm tỉ lệ nhiều hơn cả nam giới. Nhờ nó mà người dân chống chọi giá rét vào mùa mưa. Ngậm thuốc giờ đây đã trở thành nét văn hóa phổ biến, một tập tục đi vào truyền thống của tộc người Ca Dong, Xê Đăng”, già Đoản nhấn mạnh.
Có điều kỳ lạ là khi được hỏi về “Cá C’râu”, rất nhiều người bản địa tươi cười chia sẻ, trả lời. Tuy nhiên, chỉ cần chúng tôi đề cập hay hỏi cụ thể chi tiết hơn loại thuốc đó, người dân lẫn các già làng đều nhất mực từ chối. Họ chỉ nôm na cho biết rằng, đây là bài “thuốc dấu” đặc biệt của người dân nơi này.
Chắp ghép nhiều thông tin ít ỏi, chúng tôi hình dung bài “thuốc dấu - Cá C’râu” được chiết xuất từ lá của một loại cây “bí mật” sống chủ yếu trên đỉnh Ngọc Linh. Loại cây này mọc tự nhiên, cũng có khi được người dân vun trồng. Nếu được gieo trồng thì khoảng tháng Ba âm lịch hạt mầm sẽ được ươm ở khắp bờ bụi ven rẫy rắn, rẫy khoai. Đến tháng Chín âm lịch, cây lớn cho nhiều thân, lá. Người dân hái lá, bẻ cành cây mang về phơi khô, hoặc gác trên bếp. Sau đó, họ dùng cối giã nát thành bột. Có người ướp tẩm vào vôi (loại vôi ăn trầu – PV).
Theo lời người dân, việc ướp tẩm, kết hợp này giúp lưu trữ, bảo quản “thuốc dấu” tốt hơn. “Ở nhiều nóc bản khác, hoặc ở một số nơi tôi được biết là người đồng bào hút thuốc lá, uống rượu gây nguy hiểm, say sưa rồi bỏ bê công việc. Nhưng “Cá C’râu” thì khác, chúng tôi xem “Cá C’râu” như một tập quán, tập tục ăn sâu vào đời sống sinh hoạt. Chúng tôi sử dụng, hay có thể xem “Cá C’râu” như một dược liệu quý bởi nó rất hữu hiệu giúp người ngậm trở nên hăng say trong công việc”, già Đoản nói.
Anh Trần Vũ Linh (35 tuổi, trú thôn 4, xã Trà Linh) đến xã Trà Linh sinh sống gần 10 năm nay. Theo lời anh Linh, trước đây, anh hay rượu chè, thuốc lá. Từ khi hòa nhập vào đời sống của người dân Xê Đăng nơi đây, anh bắt đầu sử dụng “Cá C’râu”. Lâu dần cũng trở thành thói quen. Cũng từ đó, anh bỏ hết rượu chè, hút thuốc lá. ““Cá C’râu” không gây nghiện như mấy loại chất kích thích kia. Nó được người bản địa sử dụng hợp lý, rất độc đáo”, anh Linh nhận xét.
Quý nhau mời sử dụng “Cá C’râu” Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, “Cá C'râu” đã trở thành tục lệ, thói quen của người dân vùng núi huyện Nam Trà My, Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam). Bà con gặp nhau thì mời ngậm thuốc thể hiện sự yêu mến, quý trọng nhau. Vị cán bộ cũng thừa nhận hiện chưa nắm được việc ngậm “Cá C’râu” có tác hại cho sức khỏe hay không.
Nhâm Thân