Nếu ai cho rằng nước khe, suối tại những vùng rừng núi cao chảy ra là an toàn trong lành thì đã nhầm to vì nhiều người đã suýt mất mạng do uống nó trực tiếp.
Vừa qua một cô bé 12 tuổi ở một huyện miền núi tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch: Sốt cao liên miên kèm theo ho dữ dội.
Các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Thành phố Tây An, Thiểm Tây, theo dõi phim X-quang thấy thùy dưới phổi trái có nhiều lỗ thủng và tình trạng tràn dịch màng phổi khá nghiêm trọng, giống như bệnh lao phổi.
Hình ảnh phim chụp cho thấy dấu hiệu tràn dịch màng phổi của bệnh nhi. Ảnh: TVBS |
Cho chụp cộng hưởng từ và xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện các lỗ thủng trên thùy phổi của bé gái do ký sinh trùng có tên “sán lá phổi” gây ra.
Bệnh nhi cho biết, vì nhà ở trên vùng núi nên em hay uống nước khe suối khi thấy khát.
Theo TS.BS Trần Văn Giang - Phụ trách Khoa Vi rút - Kí sinh trùng, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những người dân ở khu vực miền núi dễ nhiễm sán lá phổi.
"Đây được đánh giá là bệnh mãn tính, nếu để muộn, bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng ho ra máu, xuất huyết phổi, thậm chí tràn dịch, khí, máu màng phổi và thiệt mạng”, bác sĩ Giang cho biết thêm.
Điển hình là trường hợp anh L.H.T. (trú tại Tân Yên, Bắc Giang). Anh này bị đau tức ngực phải rồi lan sang giữa ngực. Được chẩn đoán là bị tràn dịch màng phổi, rất nguy kịch, anh T. đã được các bác sĩ ở bệnh viện tuyến tỉnh hút dịch phổi.
Thanh niên có lá phổi lúc nhúc sán đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BV Bệnh nhiệt đới TƯ |
Trong quá trình hút dịch, các bác sĩ thấy nhiều kí sinh ra cùng với dịch được hút ở phổi anh T. Lập tức, anh T. được chuyển lên bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp và tràn dịch màng phổi.
Tại bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, khi lấy dịch màng phổi làm xét nghiệm và soi vi sinh, các bác sĩ giật mình khi thấy có hình ảnh sán lá phổi bò “lúc nhúc” trong phổi bệnh nhân.
Sau khi điều trị bằng thuốc sán lá phổi đặc trưng, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt, không còn tình trạng tràn khí, tràn dịch, sốt, đau tức ngực.
Theo các bác sĩ, nước từ các khe suốt dù trong mát nhưng lại chứa rất nhiều ký sinh trùng và trứng giun sán nhỏ li ti mà mắt thường không thể thấy. Những trứng sán vào được cơ thể qua việc uống trực tiếp hoặc ăn thịt những loài thủy sinh sống trong nước như ếch, nhái, cua, ốc... chưa được nấu chín.
Ăn cua, ốc... chưa được nấu chín dễ nhiễm sán lá phổi. Ảnh minh họa |
Những trứng này sẽ bám vào thành ruột, theo các mạch máu nhỏ xâm nhập hệ tuần hoàn và di chuyển đến các cơ quan thích hợp. Sán lá phổi đặc biệt thích sống ở phổi và gây ra những triệu chứng tương tự như lao phổi bao gồm sốt cao, tức ngực, khó thở, tràn dịch màng phổi, ho ra máu...
Minh Khôi(T/h)