(ĐSPL) - Thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ được Bộ Tài chính giữ ổn định cho đến hết 31/12/2015 (tức giữ nguyên thuế với xăng là 20\%; dầu diesel, dầu mazut, nhiên liệu bay là 10\%; dầu hỏa 13\%).
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị về lộ trình điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu, theo lộ trình hội nhập ASEAN. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có văn bản từ chối.
Cụ thể, theo công văn của Bộ Tài chính, bộ này không điều chỉnh mà sẽ giữ ổn định thuế nhập khẩu xăng dầu cho đến hết 31/12/2015 (tức giữ nguyên thuế với xăng là 20\%; dầu diesel, dầu mazut, nhiên liệu bay là 10\%; dầu hỏa 13\%).
Bộ Tài chính công bố, từ ngày 1/1/2016, thuế các loại dầu (gồm diesel, dầu hỏa, mazut, nhiên liệu bay) nhập khẩu từ ASEAN vào VN sẽ về 0\%. Bộ này khẳng định, tới thời điểm đó sẽ nghiên cứu để điều chỉnh thuế nhập khẩu phù hợp với nguyên tắc đúng quy định các văn bản pháp luật hiện hành, phù hợp diễn biến giá xăng dầu thế giới, đúng nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Theo công văn của Bộ Tài chính, bộ này không điều chỉnh mà sẽ giữ ổn định thuế nhập khẩu xăng dầu cho đến hết 31/12/2015. |
Trước đó, theo tin tức trên thời báo Kinh tế Sài Gòn, hồi giữa tháng 8, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa), đơn vị này vừa có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng này nhập khẩu từ các thị trường khác ngoài ASEAN xuống còn một mức chung là 5\%, ngoại trừ với dầu mazut là 0\%. Và thời điểm thực hiện là từ 1-10 tới. Hiện mức thuế đối với dầu diesel là 10\%, với dầu hỏa là 13\%, nhiên liệu bay là 10\% và dầu mazut là 10\%.
Theo Vinpa, làm như vậy để thuế nhập khẩu các mặt hàng trên thống nhất giữa các thị trường, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong đàm phán ký kết các hợp đồng thương mại có lợi nhất từ các nguồn cung trên thế giới.
Bởi lẽ, từ 1/1/2015, thuế nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á của mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa, nhiên liệu bay là 5\% và dầu madut là 0\%, thực hiện theo cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại tự do với ASEAN. Trong khi đó, thuế nhập khẩu các mặt hàng này ở các thị trường khác ngoài ASEAN hiện nay lại cao hơn nhiều như đã đề cập ở trên.
Tình trạng chênh lệch mức thuế suất như vậy trước đây cũng diễn ra ở mặt hàng xăng nhưng từ 14/4, Bộ Tài chính đã thống nhất mức 20\%.
Theo Vinpa, việc giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng trên là bước chuẩn bị để thuế nhập khẩu các mặt hàng trên về 0\% từ 1/1/2016 theo các cam kết đã ký.
Cũng theo Vinpa, việc thống nhất thuế giữa các thị trường còn giúp Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cạnh tranh, vận hành ổn định hơn nhờ bán được hàng.
Trong một diễn biến khác, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng qua, cả nước nhập khẩu 5,93 triệu tấn xăng dầu các loại với trị giá 3,42 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,4\% về lượng và giảm 34\% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 2,64 triệu tấn xuất xứ từ Singapore (tăng 37,2\% so với cùng kỳ); 978.000 tấn từ Thái Lan (tăng mạnh 276\% so với cùng kỳ)…. Trong khi đó, hàng nhập khẩu từ các thị trường khác như Trung Quốc, Đài Loan tiếp tục giảm.
Theo đại diện của một doanh nghiệp đầu mối, việc nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN tăng mạnh có lý do là nhằm hưởng chênh lệch thuế suất của các mặt hàng như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, việc chênh lệch thuế này chỉ các doanh nghiệp hưởng, người tiêu dùng không được lợi vì thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở áp giá bán lẻ vẫn là thuế nhập khẩu từ các thị trường ngoài ASEAN.
Ngọc Anh (Tổng hợp)