Người dân có cảm giác bị “khinh nhờn”, khi các tù nhân… đương chức nghiễm nhiên hưởng vị thế mà con em lương thiện của họ có khi ước mong cũng chẳng với tới.
I-Giữa những ngày tháng này, xã hội luôn có những điều khiến tâm trạng người dân buồn rầu, lo lắng, đến mức nhạc sĩ Tuấn Khanh vừa có bài viết trên trang mạng của mình- Người Việt cần có một Aziz Nesin (nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ- tác giả cuốn Những người thích đùa nổi tiếng).
Có ngay!
Không phải là một nhà văn, mà là một Bí thư Đảng ủy xã hẳn hoi. Ông này cũng không viết mà chỉ … truyền khẩu. “Tác phẩm” bằng xương bằng thịt của ông cũng có thể ngang ngửa với tác phẩm viết bằng giấy trắng mực đen của nhà văn thích đùa. Có điều, người dân xã Chàng Sơn (Thạch Thất- Hà Nội) nơi ông cùng sống, sinh hoạt hằng ngày đã không cười nổi, mà lại chỉ … bất bình.
Đó là chuyện ông Nguyễn Hoàng Hải, Bí thư Đảng ủy xã Chàng Sơn (Thạch Thất- Hà Nội), cách đây một tháng triệu tập họp Đảng ủy xã, thông báo, được sự đồng ý “bằng miệng” của Huyện ủy, UBND huyện Thạch Thất, nay Đảng ủy xã quyết định tuyển dụng Phí Đình Hưng, và Nguyễn Văn Thiết, là hai trong số 03 tù nhân đang thụ án tù treo theo bản án số 58/2013/HSST vào làm việc tại UBND xã Chàng Sơn với các vị trí: Phí Đình Hưng làm kế toán, Nguyễn Văn Thiết là tổ trưởng văn phòng (Đại lộ, ngày 17/9).
Một quyết định tuyển dụng mà không có văn bản, chỉ truyền khẩu, hệt kiểu chiềng làng, chiềng nước xa xưa. Thời người dân Việt còn mù chữ.
Thế cũng đủ khiến không chỉ làng Chàng Sơn, mà dư luận xã hội xôn xao như việc đình, việc làng.
Xôn xao là phải. Là bởi, hai vị tù nhân này nằm trong “nhóm lợi ích” của họ, bao gồm: Nguyễn Hoàng Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, Phí Đình Hưng (khi đó là Chủ tịch UBND xã); Chu Thế Huấn- Phó Chủ tịch UBND xã; Nguyễn Văn Thiết (khi đó là Đảng ủy viên, cán bộ địa chính). Vì mục đích tư lợi, từ năm 2004 đến 2012, suốt 08 năm trời, các vị đã ra nhiều nghị quyết trái pháp luật, tạo điều kiện cho các vi phạm pháp luật về đất đai, quản lý tài chính, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Cơ quan chức năng đã phải điều tra suốt mấy năm trời, xác định có dấu hiệu “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Và “nhóm lợi ích” cuối cùng bị truy tố, xét xử. Bản án cuối cùng cũng đã tuyên: Phí Đình Hưng 36 tháng tù, Nguyễn Văn Thiết 24 tháng tù, Chu Văn Quang 20 tháng tù, tất cả đều được hưởng án treo. Tuy nhiên thời gian thử thách rất khác nhau: Chu Văn Quang 40 tháng, Nguyễn Văn Thiết 48 tháng; riêng Phí Đình Hưng tới 05 năm.
Hai vị Nguyễn Hoàng Hải, Chu Thế Huấn, bị xử lý kỷ luật Đảng, với hình thức khiển trách. Đáng chú ý, lúc đó, “cặp bài trùng” Nguyễn Hoàng Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, và Phí Đình Hưng (khi đó là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã) cùng ra nghị quyết và thực hiện hành vi phạm tội để hưởng chung lợi ích, nhưng chỉ có Phí Đình Hưng chịu án tù.
Tù nhân Phí Đình Hưng (bên phải) làm việc với các trưởng thôn ngày 15/8/2014. |
Và nay, Phí Đình Hưng nghiễm nhiên trở lại với công đường, mà lại còn được, nói như người dân Chàng Sơn- nắm tay hòm chìa khóa.
Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn còn… xa hơn, trong cái thời buổi ra ngõ gặp “lợi ích nhóm” này. Vì sao?
Ở một làng quê, dẫu có văn minh hiện đại mấy, thì cái tâm lý tiểu nông sau lũy tre xanh một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp vẫn rất nặng. Nhưng nặng hơn là người dân có cảm giác bị “khinh nhờn”, khi các tù nhân… đương chức này nghiễm nhiên hưởng cái vị thế mà con em lương thiện của họ có khi ước mong cũng chẳng với tới.
Không phải vô lý khi ông Nguyễn Văn Thúc, Chủ tịch Hội Người cao tuổi nói rằng, xã có gần 10000 dân, những người có bằng ĐH, cao học rất nhiều, đâu có thiếu người làm việc, đến mức nhất nhất phải tuyển những cán bộ đang bị án tù, làm mất lòng tin của dân. Còn báo Đất Việt giật cái title hài hước to đùng: “Thuê tù nhân làm cán bộ, quyết không để lọt… người tài”.
Chữ tài hay chữ tai… cho dân?
Cũng chính vì thế, có dư luận cho rằng, rất có thể vì Phí Đình Hưng đã nhận hết tội về mình, nên ông Nguyễn Hoàng Hải mới thoát được tù tội. Và giờ đây, đến lượt ông này nhất nhất “trả nghĩa”, kiểu anh còn làm việc, chú yên tâm (?)
Mặc dù, về mặt pháp lý, ông Nguyễn Hoàng Hải, Bí thư Đảng ủy xã, tác giả của câu chuyện đùa không cười nổi, cãi rằng, việc này đươc thực hiện đúng theo Luật. Nhưng đúng ra sao?
Theo Luật sư Nguyễn Đông Khánh, Trưởng Văn phòng Luật sư Việt Quốc- Đoàn Luật sư TP Hà Nội, vị trí công việc trước đây của ông Phí Đình Hưng và ông Nguyễn Văn Thiết đều thuộc sự điều chỉnh của Luật cán bộ, công chức. Với những quy định của luật này, ông Nguyễn Văn Thiết là cán bộ địa chính xã bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, không thuộc trường hợp bị buộc phải thôi việc. Do đó, ông Nguyễn Văn Thiết vẫn có thể được làm việc nhưng phải chuyển sang công việc khác.
Trong khi đó, ông Phí Đình Hưng, đã không còn là cán bộ công chức, thì khi được nhận vào làm hợp đồng (thông qua ký hợp đồng), được coi là viên chức, nhưng theo Điểm b, khoản 2, Điều 22 Luật Viên chức, ông Phí Đình Hưng thuộc diện không được tuyển vào làm viên chức (Đại lộ, ngày 15/9).
Cho dù trong hai trường hợp, một đúng, một sai, nhưng cả hai việc đều gặp nhau ở chỗ làm… mất lòng tin của người dân. Một sự bất tín, vạn sự bất tin. Giờ đây, bất tin lại chồng lên bất tín.
Điều hệ lụy, thông qua cái việc làm như “đùa” với dân của mình, các quan chức xã Chàng Sơn còn tạo ra một tâm lý tệ hại. Đó là cái sự “nhờn phép nước”. Người ta có thể làm liều, làm ẩu, có thể giẫm đạp lên pháp luật, để rồi vẫn ngang nhiên ngồi ở chốn công đường, chả “sợ bố con thằng dân nào”!
Khinh nhờn dân và khinh nhờn phép nước. Chả lẽ đó chính là phẩm cách của các quan chức xã Chàng Sơn? Hay họ chỉ là những mảnh gương vỡ, xám xịt?
***************************
II- Vừa hay, chuyện 02 “tù nhân đương chức” nghiễm nhiêm làm việc ở công đường xã Chàng Sơn, hệt chuyện đùa còn chưa lắng xuống, có một chuyện vô tình cũng là chuyện đùa, và còn là “đùa dai” với người dân Việt, đang được các cơ quan truyền thông ồn ào phản biện. Vì chả ai cười nổi. Cho dù người Việt vốn thích tiếu lâm đến đâu.
Đó là con số mà đại diện Thanh tra Chính phủ nêu ra trong báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp sáng ngày 15/9 mới đây.
Xã hội thì choáng, còn những con số có lẽ … cúi gằm mặt vì xấu hổ quá.
Ảnh: Vietbao |
Theo đó, trong số gần 01 triệu trường hợp (chính xác là hơn 944. 425 người) đã kê khai tài sản thu nhập, chỉ có 05 người thuộc diện kê khai phải xác minh, và chỉ duy nhất… 01 người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực. Lạc quan chưa? Tính theo con số phần trăm, thì số không trung thực chỉ có 1/1000000. Một con số lý tưởng.
Có điều, ngay trong báo cáo của TTCP, đã thấy sự mâu thuẫn.
Đó là những con số thì có vẻ như rất lạc quan, còn nhận định về thực trạng tham nhũng, Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng có vẻ lại rất …bi quan khi cho rằng, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích (VnExpress, ngày 16/9). Biết tin vào đâu bây giờ?
Nhưng liệu xã hội có tin được những con số đang cúi gằm mặt kia không?
Nếu biết rằng, nước Việt đang mắc căn bệnh nan y khó chữa- bệnh thành tích. Nếu người ta nhớ tới những con số cũng còn chưa hết “đỏ mặt” trong các ngăn tủ hồ sơ của các ngành.
Hơn 99,02\% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2014. Hơn 80\% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công. Chỉ có hơn 1\% cán bộ không làm được việc, chỉ có 1,84\% người trong độ tuổi lao động Việt Nam thất nghiệp…Nếu vậy, thì con số chỉ có 1/1000000 người là không trung thực, xét cho cùng cũng là con số tương thích, phản chiếu điển hình căn bệnh trầm trọng của nước Việt, mà thôi.
Ngay chính các đại biểu dự phiên họp toàn thể cũng không tin vào tỷ lệ phần trăm kiểu “emđẹp dần lên trong báo cáo”. Bởi những ý kiến phản ánh của họ cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng đang lúng túng giữa mê hồn trận.
Không mê hồn trận sao được, khi Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, Thường trực UBTP Đỗ Văn Đương nêu hiện tượng, một số vụ án lớn ở các địa phương kéo dài chưa xử lý nổi bởi các vị tham nhũng bỗng lăn ra, mắc bệnh… tâm thần. Trong khi các giám định tư pháp lại ở dạng thiếu chuyên nghiệp, không thể kết luận nổi rõ ràng. Rút cục, các “bệnh nhân tâm thần” này được miễn trách nhiệm hình sự. Thế mới tài!
Chả lẽ bây giờ, có những bệnh nhân tâm thần trong hồ sơ cần được ghi rõ: Tiền sử- mắc bệnh tham nhũng?
Không mê hồn trận sao được, khi thực chất, chỉ có 10\% tài sản tham nhũng bị thu hồi. Còn 90\% đã… kịp chia tay hoàng hôn, tẩu tán, như lời một quan chức cơ quan chức năng cho biết.
Đặc biệt, bình luận về báo cáo của Thanh tra CP, Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Đình Quyền cho rằng, các vụ án bị phát hiện chủ yếu là cấp thôn, cấp xã, tham nhũng vặt.
Nói theo kiểu Trung Quốc, VN cũng mới chỉ “diệt ruồi”. Mặc dù, tham nhũng vẫn đang là quốc nạn. Mặc dù, chống tham nhũng là một trong những mục tiêu lớn của nước Việt, bởi nó gắn với sự tồn vong của chế độ.
Để bảo đảm cho việc chống tham nhũng có hiệu quả, nhiều năm nay, đã có rất nhiều văn bản xung quanh vấn đề này. Trong đó minh bạch tài sản được coi là một giải pháp lớn, quy định rõ các loại đối tượng phải kê khai minh bạch tài sản. Đây cũng là kinh nghiệm lớn của quốc tế về phòng chống tham nhũng, theo bà Evelyn Lam, Vụ trưởng Cơ quan cảnh sát Hồng Kông, tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa tham nhũng khu vực miền Trung và Tây Nguyên tổ chức trước đó, ngày 25/8.
Và giải pháp này cũng đã được triển khai thực hiện từ năm 2005.
Thế nhưng đến nay, gần 10 năm trôi qua, tham nhũng vẫn … rất tham. Nó ăn tạp đến mức thành “lỗi hệ thống”, như lời của một vị quan chức cao cấp sinh thời đã nói.
Hay bởi chống tham nhũng vẫn rất thiếu một cái gậy chống. Đó là gì?
Trong một bài viết về chủ đề này cách đây ít lâu, người viết bài cho rằng công cuộc chống tham nhũng, với giải pháp công khai minh bạch kiểu như hiện nay, sẽ rất khó có hiệu quả. Vì thực chất xã hội ta đang thiếu một nền tài chính minh bạch. Việc quản lý giao dịch, giao thương tài chính của mọi công dân hiện nay, ngoài việc trả lương bằng thẻ tín dụng, bằng tài khoản, còn lại chủ yếu vẫn là sử dụng tiền mặt.
Nhà nước không thể nắm được nguồn gốc các tài sản của cá nhân trong diện kê khai, từ đâu mà có, bất minh hay chính đáng? Một khi đã không nắm được cái gốc của tài sản, thì cái gọi là công khai minh bạch hiện nay, thực chất vẫn chỉ là nắm cái ngọn- sự kê khai. Công cuộc chống tham nhũng hiện nay, liệu có hiệu quả không, nếu chỉ dựa trên việc kê khai tài sản, dựa trên cái ngọn?
Xã hội phát triển theo xu hướng văn minh, thì việc kiểm soát tài sản công dân, ngăn ngừa tham nhũng, không thể dựa vào sự vận động tư tưởng, nâng cao nhận thức con người một cách duy ý chí. Tất yếu phải dựa vào thiết chế quản lý văn minh, khoa học và tiệm cận dân chủ, để kiểm soát.
Có thế, mới hạn chế được những chuyện tưởng như đùa mà có thật nói trên, khi một nửa sự thật đã không còn là sự thật.
Nhưng có vẻ như thiết chế đó là của quý và hiếm nên người Việt còn chưa… được biết?
Khiến người dân Việt, nước Việt chỉ muốn nửa cười, nửa khóc cho tương lai chính mình, mà thôi.