+Aa-
    Zalo

    Thực mục, bóc mẽ mánh khóe của các "nài" thuốc lá lậu miền Tây

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cuối năm là thời điểm nóng của việc buôn lậu. Đối với dân buôn lậu thuốc lá ở các tỉnh miền Tây, để qua mặt cơ quan chức năng, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi.

    (ĐSPL) - Cuối năm là thời điểm nóng của việc buôn lậu. Đối với dân buôn lậu thuốc lá ở các tỉnh miền Tây, để qua mặt cơ quan chức năng, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi. PV báo Đời sống và Pháp luật đã có mặt ở một số điểm nóng để bóc gỡ những chiêu trò mới của dân buôn lậu thuốc lá dịp cuối năm.

    Những chiếc "xe mù" không biển số

    Theo lời hẹn của một người bạn, chúng tôi đi từ TP.HCM xuống thị xã Hồng Ngự, (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp). Qua tìm hiểu, tại Đồng Tháp, các ngành chức năng xem bốn xã gồm Thường Thới Hậu B, Thường Phước 1, Tân Hộ Cơ và Tân Hội là điểm nóng buôn lậu. Bốn xã này nằm dọc tuyến biên giới với Campuchia. Nhờ có "tay trong", sau bốn ngày giả bộ "ngây ngô", chúng tôi làm quen, lấy được lòng tin một số "nài" thuốc lá lậu. Đến sáng ngày thứ năm, chúng tôi được một "nài" cho đi theo.

    Các "nài" tiết lộ, một thứ không thể thiếu là chiếc “xe mù”. Chuộng nhất là Cub 78, tệ nhất là các loại xe của Trung Quốc. Tất cả xe của các "nài" nhìn khá ghê, không có biển số, biển kiểm soát, bửng, dè... Mặc dù vậy, chúng đều được đôn dên, xoáy nòng, có thể chạy với tốc độ hơn 100km/h. Điều "nài" kiêng kị nhất là xe chạy nhanh nóng và không bốc. Bởi, xe chạy nhanh nóng sẽ khiến tốc độ giảm. Và xe chạy không bốc, khi rơi vào những tình thế "nguy kịch" khó có thể chống đỡ nổi.

    Các "nài" chạy bạt mạng khi chở hàng.

    Một "nài" tên Thương cho biết, ở đây, các mặt hàng được buôn lậu gồm đường cát, tân dược, thuốc lá... Tuy nhiên, "nài" thích nhất là thuốc lá. Bởi, vận chuyển loại hàng này kiếm được nhiều tiền. Một cây thuốc khi được đưa về "tổng hành dinh", kiếm được từ 3.000 đến 6.000 đồng, tùy từng loại. Mỗi chuyến, "nài" thường chở hơn cả trăm cây thuốc. Nhẩm tính, mỗi chuyến, kiếm được vài trăm nghìn đồng.

    Không phải bất kể ai cũng có thể làm "nài". Nếu, một người dân muốn tham gia vào đường dây thì phải được một "nài" giới thiệu và qua sát hạch bằng cách thử quái xế. Nếu, đầu nậu nhận thấy "nài" mới xử lý tốc độ, xử lý tình huống không được tốt là bị loại bỏ ngay. "Nếu nhận người không làm được việc thì dễ bị bắt. Mà bị bắt tức là mất hàng và có nguy cơ cả đường dây bị phát hiện", Thương cho biết.

    Thương còn tiết lộ, trước đây, thuốc lá lậu thường được vận chuyển theo tỉnh lộ 841 từ cửa khẩu Thường Phước về thị xã Hồng Ngự. Tuy nhiên, từ cuối năm 2013 đến nay, cung đường huyết mạch của dân "nài" vận chuyển thuốc lá lậu được chuyển sang tuyến Thước Nước, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B và điểm tập kết vẫn là thị xã Hồng Ngự. "Đường mới gần hơn mà lại khó bị phát hiện và khó bị bắt hơn", "nài" này tiết lộ.

    Hơn 6h sáng, chúng tôi theo chân một "nài" đến quán cà phê ven đường xã Thường Thới Hậu B. Tại đây, một "nài" tên Hậu cho biết, ở đây, cách giữa hai nước là dòng sông Sở Thượng. Phía bên kia sông là tỉnh Prey Veng (Campuchia). ở đó, được xem là thiên đường thuốc lá. Thuốc lá được các con thuyền trọng tải từ 5 đến 15 tấn chở từ Hố Luông (Campuchia) về. Sau đó, hàng được chuyển xuống bờ sông của nước bạn, ở đó có những chiếc lãi (thuyền máy nhỏ) nằm chờ sẵn.

    Phía bờ Việt Nam, có các "chim lợn" theo dõi cơ quan chức năng. Khi nhận thấy tình hình yên ổn, "chim lợn" ra tín hiệu để "chiến binh nước" chuyển hàng từ bờ sông bên kia xuống lãi rồi nổ máy chạy sang bờ bên này. Sau đó, hàng sẽ được chất lên xe để chở về thị xã Hồng Ngự. Không ít lần, khi các "chiến binh nước" đang chuyển hàng thì bị cơ quan chức năng phát hiện. Họ liền bốc hàng trở lại lãi rồi nổ máy quay về bờ sông bên kia. "Khi xuống nước, công an, biên phòng không thể bắt được", một "nài" cho biết. Trước đây, các tay buôn lậu chủ yếu sử dụng lãi chèo bằng tay. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, họ chuyển sang lãi chạy bằng máy nên việc "thoát nạn" dễ dàng hơn.

    Liều mạng cướp hàng

    Khoảng 7h sáng, các "nài" nhận được tin nhắn của đầu nậu thông báo "trời quang mây tạnh" nên lên xe đến bên bờ sông, nơi đã hẹn từ trước. Chỉ trong tích tắc, các lãi ở bên kia sông liền chạy sang phía bên này sông. Một số người bốc vác nhanh chóng bốc hàng đưa lên xe. Trên mỗi xe đều là một thùng thuốc lá được bao bọc bằng một tấm vải bạt màu xanh, chằng dây rất chắc chắn. Ngay lập tức, các "nài" liền nổ máy, chạy với tốc độ kinh hoàng.

    Thỉnh thoảng, khi gặp ổ voi, ổ gà, các "nài" lách một cách điệu nghệ. Không chỉ thế, khi đi qua các khu đông dân cư, họ vẫn không giảm tốc độ. Bởi, người dân ở đây đã quá quen thuộc với tình trạng này. Muốn bảo toàn tính mạng cho mình, người dân đành phải đứng lại, nép vào lề đường khi nghe tiếng xe máy rít. Thậm chí, khi gặp người quá đông, "nài" đạp phanh nhưng không giảm ga. Do đó, khi người dân vừa tản đi, họ liền thả ga là chiếc xe lại giữ nguyên tốc độ ban đầu.

    Mặc dù chạy với tốc độ rất nhanh nhưng "nài" vẫn cầm điện thoại trên tay để nắm bắt tình hình từ các "chim lợn". Khi có biến, "chim lợn" sẽ nhắn tin đồng loạt cho các "nài" với nội dung "có sẻ" hay "có chim" (tức cơ quan chức năng). Ngay lập tức, các "nài" sẽ chạy vào các nhà dân ẩn náu. Những nhà dân này đều là người thân của các đầu nậu hay các "nài". Một "nài" cho hay, lúc chở hàng, nếu cơ quan chức năng phát hiện thì vẫn phải chạy tiếp. Nếu bị chặn ngay đầu xe họ sẵn sàng lao thẳng về phía trước, không cần biết có gây thương tích cho ai hay không. Các "nài" nại lý do: "Chỉ cần bị bắt thì sẽ mất hết hàng. Mà lúc đó không chỉ bị bắt mà còn phải đền lại số hàng đó nên phải liều mạng".

    Không chỉ thế, các "nài" cũng như đầu nậu sẵn sàng kích động người dân khi bị bắt để cướp hàng lại. "Nài" Thương tiết lộ, những người dân này là người thân của đường dây hoặc đã được các đầu nậu bỏ tiền thuê. Chỉ cần "có biến", họ sẵn sàng xông ra cự cãi với cơ quan chức năng, gây rối, sẵn sàng "cướp" lại hàng.

    Khi hỏi về đám "chim lợn", các "nài" cho hay, mấy năm trước, lực lượng này chỉ vài người. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, số lượng này rất nhiều. Có thể là học sinh, bà bán hàng, bác chạy xe ôm... Do đó, chỉ cần thấy cơ quan chức năng, họ liền thông báo ngay. Thậm chí, ban đêm, những người rà cá, soi ếch ở dưới ruộng ven đường cũng trở thành "chim lợn". Khi "có biến" họ sử dụng đèn pin là tín hiệu. Tín hiệu này cũng được thay đổi liên tục để không bị bại lộ. Đây cũng chính là lý do việc buôn lậu thuốc lá diễn ra, nhưng cơ quan chức năng rất khó phát hiện.

    Trong khi thâm nhập điểm nóng để tìm thông tin, chúng tôi khá bất ngờ khi các "nài" luôn dặn nhau chỉ được chở nhiều nhất 149 cây thuốc lá. Đây được xem là một quy tắc bất di bất dịch. Theo tiết lộ của một "nài" tên Hảo: "Mặc dù liều mạng nhưng nhiều khi chúng tôi cũng bị bắt giữ. Pháp luật quy định, nếu vận chuyển 150 cây thuốc thì sẽ bị xử lý hình sự. Do đó, chúng tôi chở 149 cây thuốc, nếu trường hợp xấu xảy ra thì chỉ bị xử phạt hành chính".

    Xử lý không thấm vào đâu so với thực tế

    Một vị đại diện Công an huyện Hồng Ngự cho biết, từ xã Thường Thới Hậu B, ghe thuyền chỉ cần qua nửa con sông Sở Thượng là đến địa bàn Campuchia. ở đất nước bạn có hàng chục kho chứa hàng ở dọc theo tuyến sông. Do đó, chỉ cần chút sơ hở của lực lượng chức năng là hàng lậu có thể tuồn qua biên giới. Ngoài ra, dòng sông này chỉ cách trung tâm thị xã Hồng Ngự khoảng 10km nên thuốc lá lậu dễ tuồn vào thị xã cũng như các vùng lân cận. Lực lượng công an thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan truy quét nhưng việc xử lý không thấm vào đâu so với thực tế. Vấn đề quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục người dân.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuc-muc-boc-me-manh-khoe-cua-cac-nai-thuoc-la-lau-mien-tay-a74665.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan