Đạp xe cường độ cao gây hại cho sinh lý nam
Đạp xe với cường độ cao trong thời gian dài, đặc biệt là xe có yên nhỏ có thể gây hại đến vùng kín do tì đè vào tầng sinh môn. Sự chèn ép này sẽ gây tổn thương dây thần kinh thẹn – nơi cung cấp thần kinh cho toàn bộ hệ thống cơ quan sinh dục của nam và nữ giới. Bạn có nguy cơ bị chấn thương hoặc tê bì do đạp xe lâu hoặc liên tục trong thời gian dài.
Bệnh không ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng nhưng có thể cản trở đời sống sinh hoạt vợ chồng, gây chán nản và tự ti. Nếu kéo dài, nam giới có nguy cơ liệt dương, vô sinh, hiếm muộn.
Một nghiên cứu trên tạp chí European Urology năm 2005, cho biết đạp xe có thể dẫn đến một số chấn thương đối với hệ thống niệu sinh dục. Trong đó, tê cơ quan sinh dục là phổ biến nhất, chiếm khoảng 50-91% người đi xe đạp, 13-24% người bị rối loạn cương dương. Nhiều trường hợp bị tiểu máu, xoắn thừng tinh, viêm tuyến tiền liệt...
Với nữ giới, vùng xương chậu cũng sẽ chịu tác động rất nhiều khi đạp xe, làm giảm nhạy cảm ở bộ phận sinh dục của phụ nữ. Trường hợp nặng có thể dẫn đến giảm cảm giác ham muốn.
Tuy nhiên, những tác hại của việc đạp xe như trên chỉ gặp khi đạp xe quá nhiều hoặc đạp xe không đúng cách. Với trường hợp đạp xe khoa học, điều độ, chọn loại xe phù hợp vẫn mang lại những giá trị nhất định với sức khỏe.
Những người mắc bệnh lý về tim mạch, cơ xương khớp nặng, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa xương nặng không nên xe đạp quá nhiều.
Không ngồi trên xe quá lâu, chọn loại yên xe có thiết kế yên ngồi mềm, bằng phẳng đủ diện tích tiếp xúc với vùng chậu, hông.
Nên chọn kiểu dáng, kích thước xe phù hợp với cơ thể, tránh để tình trạng xe quá cao hoặc quá thấp khiến bộ phận sinh dục bị cọ xát, tì ép nhiều.
Nam giới cần lưu ý gì khi đạp xe
Vậy phải làm sao để vừa đi xe đạp vừa tốt cho sức khỏe vừa không ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của nam giới. Cần lưu ý một số điều như sau:
- Khi đạp xe nam giới cần chọn trang phục thể thao phù hợp, chọn đồ thoáng mát, co giãn và không mặc đồ bó sát. Khi mặc đồ bó chặt vào cơ thể sẽ làm tăng nhiệt độ, gây bí, nóng cho tầng sinh môn từ đó gây ra thiếu máu tại chỗ.
- Thời gian tập luyện phù hợp: nam giới không nên đạp xe quá lâu và nên tập vừa sức. Sau khi đạp xe không cảm thấy mệt thì đó là cường độ tập luyện hợp lý. Nếu trong khi tập thấy đau tức, khó chịu, tê bì vùng tầng sinh môn thì nên dừng lại.
- Chọn phương tiện xe đạp chuẩn, không chọn những loại xe đạp thông thường để luyện tập thể thao vì sẽ gây sai tư thế khi tập. Hơn nữa phần yên xe đạp thông thường không phải thích hợp cho việc đạp xe đường dài cũng sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của nam giới. Nên chọn loại yên xe bằng phẳng có đủ diện tích tiếp xúc với phần xương chậu, hông. Bên cạnh đó cần lựa chọn kiểu dáng xe phù hợp với cơ thể, không quá cao cũng không quá thấp, tránh bộ phận sinh dục bị cọ sát, tì ép nhiều.
Khi tập luyện thể thao nói chung và đạp xe nói riêng với cường độ an toàn, thích hợp sẽ không gây ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng cũng như sinh lý của nam giới.