(ĐSPL) - Ngôi nhà cổ nằm trên một quả đồi nhỏ ở làng Bằng Cục, Ngọc Châu, Tân Yên, Bắc Giang, xung quanh cây cối rậm rạp, lối vào sân cỏ mọc kín.
Chứng tích nhà cổ
Ở làng Bằng Cục, xã Ngọc Châu (Tân Yên, Bắc Giang) hiện nay vẫn còn một ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi. Đó là ngôi nhà của ông Giáp Kim Dích (72 tuổi) nằm chon von trên ngọn đồi đất cọc cằn đá sỏi, cây cối um tùm. Xung quanh những câu chuyện về thời gian, kiến trúc của ngôi nhà cổ là những lời đồn thổi về gian buồng "có ma".
Ngôi nhà cổ 300 năm bằng gỗ Lim của bà Thơm ở thôn Bằng Cục, xã Ngọc Thiện (Tân Yên, Bắc Giang). |
Ngồi dưới gian bếp chỉ vài mét vuông bằng tường đất, ông Dích rất bất ngờ khi thấy có người về tìm hiểu ngôi nhà tưởng như bỏ hoang của mình.
Hồi tưởng về quá khứ, ông Dích cho biết đây là ngôi nhà của các cụ để lại. Tính đến nay cũng khoảng 300 năm. Toàn bộ ngôi nhà đều chung một màu đen xám từ ngoài vào trong. Tường nhà được xây bằng gạch vồ thủ công và vữa xây là từ sợi dây tơ hồng trộn lẫn đất sét cùng với mật mía, tường xây rất dày để chống nóng.
Hiện nay, ngôi nhà còn rất vững chắc với những cột trụ gỗ lim đen sì. Nhà được xây dựng theo bình đồ kiến trúc hình chữ nhật lối “tiền kẻ, hậu bẩy” gồm ba gian nhà khách và hai gian buồng được bưng ván ghép rất đẹp. Hai đầu rồng trạm khắc hoa văn tinh xảo tượng trưng cho gia đình quyền quý ngày xưa.
Chum, vại, cối từ thời các cụ để lại vẫn còn sử dụng được. |
Khung nhà được làm bằng gỗ Lim màu đen dễ nhận thấy được kết cấu rất độc đáo. |
Đầu rồng trơn được nhiều người mê nhà cổ tới xem đánh giá lạ, độc. |
Bức thuận có hoa văn chữ triện rất lạ và đã chuyển màu. |
Bên trong 3 gian giữa, hai bức thuận đã ọp ẹp, bị mối mọt lỗ chỗ nhưng dấu phấn bảng bài học xóa mù chữ năm 1956 vẫn còn như in: “Bài học: Thứ hai, ngày 24 - 12 - 1956, nữ chiến sĩ giao thông, chị Điều bị bắt nhiều lần nhưng lần nào chị cũng dấu được tài liệu mặc dù bị đánh mấy lần chết đi sống lại nhưng mà chị vẫn cương quyết”.
Theo như ông Dích: “Ngày xưa những hôm trời mưa lớp học ngoài làng bị dột nên nhà ông trở thành lớp học và bức thuận này trở thành cái bảng là như vậy”.
Ở gian buồng, nơi chỉ còn những đồ vật ngổn ngang vẫn còn một cửa mạch nhỏ thấp sát mặt đất. Đó là cửa thoát thân, báo động cho nhà hàng xóm khi có giặc, cướp để cùng nhau vây bắt.
Ông Giáp Kim Dích (72 tuổi), chủ nhà cho biết sẽ mãi gìn giữ nhà cổ của ông cha để lại. |
Để rõ hơn về về sử ngôi nhà của dòng họ mình, ông Dích dẫn tôi gặp bà Thơm (90 tuôi), mẹ ông Dích và cụ chính là nhân chứng sống về ngôi nhà cổ duy nhất còn lại trên đất Bằng Cục.
Trong ngôi nhà hai gian dưới chân đồi, bà Thơm miệng bỏm bẻm nhai trầu nhớ lại: “Trước đây khi còn nhỏ đã nghe các cụ kể lại, ngôi nhà đó được mua lại từ một gia đình địa chủ giàu có tên là Lý Thư. Khung nhà được làm toàn bộ bằng gỗ lim nên có màu đen giống như than củi. Thời đó, mua được nhà 5 gian như vậy phải mất rất nhiều công sức và tiền của”.
Gian buồng "có ma"?
Bà Thơm suy tư một lát rồi nói: “Thời chiến tranh giặc đóng ở dưới núi Mỏ, huyện Việt Yên nên gia đình phải chạy loạn lên đây. Lúc bấy giờ, làng Bằng Cục có hai cái ao. Ao mán trên và ao mán dưới ngày xưa có nhiều quân lính chết ở đó. Giờ người ta thầu để làm ăn thì không thấy nữa, chứ ngày xưa nhiều hôm bong bóng nổi đầy mặt ao. Người ta kể đó là linh hồn của những tên giặc chết. Khi ấy, cũng có một tên giặc bị bắn chết ở trong cái buồng bên phải ngôi nhà cổ. Xác của nó bị đốt chảy ra mỡ đầy cả cái chum gạo”.
Gian buồng bị đồn thổi là "có ma" rất tối, thông với cửa mạch thoát hiểm từ lâu đã không ai dám ngủ ở đây. |
Sau này khi chồng mất, bà không ở ngôi nhà ấy nữa mà sang ở cùng người con út dưới chân đồi.
"Ngày tôi mới về làm dâu, không ai dám ngủ ở cái buồng đó. Có đêm hai vợ chồng phải ôm chăn chạy ra gian ngoài ngủ. Rồi đến vợ chồng thằng Dích (con trai lớn của bà Thơm – PV) vẫn thường nhìn thấy nhiều vệt sáng như dao găm”, bà Thơm kể.
“Đời các cụ, trong nhà còn có kiếm để trị "ma". Gà gáy, vì cụ bà không dám dậy nấu cơm nên cụ ông cứ phải cầm kiếm đứng cạnh”, bà Thơm kể thêm.
“Ở đây xưa rừng rậm, sau lưng đồi có một cái miếu và cũng chẳng mấy ai dám đến đó. Thỉnh thoảng ngày rằm, bà Thơm đến thắp nhang. Phía trước ngõ, có một cái giếng cổ đẹp xưa là giếng làng giờ đây người ta vẫn gìn giữ.
Ngồi kể chuyện về ngôi nhà, con dâu của bà Thơm là chị Nguyễn Thị Mai tỏ ra khá sợ hãi. Ngày trước, có hôm được nhờ trông nhà hộ, cô chỉ dám đứng ngoài sân cho gà ăn mà không dám bước vào căn buồng tối. Theo lời chị Mai: “Hai gian buồng lúc nào cũng tối đen như mực kể cả là ban ngày. Cả buồng chỉ có một khe cửa nhỏ nhìn ra ngoài, phải nhìn thật kỹ mới thấy đồ vật. Trong gian buồng giờ vẫn còn những cái quang treo dùng để treo mỡ”.
Ông Giáp Kim Dích, người duy nhất đang ở trong ngôi nhà kể rằng: “Chưa có người con gái nào dám ngủ ở gian buồng ấy, nhiều đợt gia đình tôi đón tiếp khách, cả những người bộ đội hay sinh viên lên làm tình nguyện, nhưng chỉ có đám con trai là ngủ được trong gian buồng”.
Bà Nguyễn Thị Thơm, mẹ ông Dích kể về lịch sử ngôi nhà đã qua rất nhiều đời. |
Về những vệt sáng mà nhiều người sợ hãi, ông Dích giải thích: “Có thể gian buồng quá ẩm thấp nên thi thể người lính bị bắn ở đó đã bốc khí phốt pho lên tạo thành các vệt sáng trong đêm. Tôi đã nhiều lần nhìn thấy các vệt sáng đó. Nó lóe lên trong giây lát rực rỡ giữa gian buồng nhưng nhanh chóng vụt tắt”.
Ông Trần Toàn Thắng, Phó chủ tịch xã Ngọc Châu (Tân Yên, Bắc Giang) cho biết: “Làng Bằng Cục có ba di tích lịch sử được xếp hạng gồm đình cổ, ngôi nhà cổ và giếng cổ. Về ngôi nhà cổ có rất lâu đời và đã có nhiều thế hệ ở đây. Nó có kiến trúc rất đẹp và lạ nhưng vì ngôi nhà cổ nằm một mình trên quả đồi rậm rạp nên dân làng mới đồn thổi nhiều câu chuyện "có ma" khiến ít người qua lại. Hiện tại, chỉ còn ông Giáp Kim Dích ở trong ngôi nhà đó”.