+Aa-
    Zalo

    Ai là “cha đẻ” của bức “quái thú” ngô nghê trước lăng Ngô Quyền?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) lại nóng lên vì những bất đồng liên quan đến việc trùng tu, tôn tạo lăng Ngô Quyền, trong đó có việc xây bức bình phong mới chắn ngay lối vào.

    (ĐSPL) - Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) lại nóng lên vì những bất đồng liên quan đến việc trùng tu, tôn tạo lăng Ngô Quyền, trong đó có việc xây bức bình phong mới chắn ngay lối vào.

    Hầu hết những người được hỏi đều cho rằng, bức bình phong có thể gây ảnh hưởng không tốt đến tâm linh bởi vị trí dựng không thích hợp, lại tạo hình một con thú dữ tợn, thiếu thẩm mỹ.

    Thế nhưng, một điều vô cùng bất ngờ là chính PGS. TS Trần Lâm Biền - một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian hàng đầu Việt Nam đã tư vấn đặt tấm bình phong tại đây. Thế nhưng, chuyên gia này khẳng định: "Rất nhiều trường hợp chúng tôi tư vấn một đằng thì thi công làm theo một nẻo...".

    Ai là “cha đẻ” của bức “quái thú” ngô nghê trước lăng Ngô Quyền
    Bức bình phong "quái thú" đặt chắn lăng Ngô Quyền.

    Hổ không ra hổ, rồng chẳng giống rồng

    Đó là nhận định của một người dân Đường Lâm khi nói về họa tiết trên bức bình phong nói trên. Theo lời người này, việc tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền đã được tiến hành từ cách đây nhiều tháng. Thế nhưng, trong quá trình thi công đã có những chi tiết bị sai so với thiết kế ban đầu và không phù hợp với văn hoá lịch sử. Ban đầu, bức bình phong đặt cách lăng khoảng 1,5m. Sau đó, có lẽ thấy không hợp lý, đơn vị thi công đã dịch chuyển ra xa hơn, cách lăng chừng 3m, nhưng vẫn chắn ngay trước mặt.

    Người dân nơi đây cũng cho rằng, việc xây bức bình phong trên là không cần thiết, bởi lẽ phía trước lăng Ngô Quyền đã có dãy bình phong tự nhiên chính là dãy đồi án ngữ trước lăng. "Trước mộ một vị vua đặc biệt của dân tộc mà đặt bức bình phong xây bằng xi măng với hình hổ không ra hổ, rồng chẳng giống rồng thì không chấp nhận được. Theo tôi, đã quyết làm thì nên làm sao cho đẹp, cho hợp lý chứ làm như vậy không ổn chút nào. Sai phải sửa để đời đời sau con cháu không chê cười mình", cụ từ làm nhiệm vụ trông coi đền thờ Ngô Quyền nói.

    Cũng theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, ngoài bức bình phong "quái thú" còn không ít điểm trong thiết kế khiến người dân nơi đây "chướng tai gai mắt". Việc xây rãnh thoát nước ngay sau lăng được cho là điều tối kỵ. Không những thế, một công trình được coi là nhà ở cho thủ từ (người trông coi lăng) lại cao hơn hậu cung. Liên tiếp những thiết kế được cho là tối kỵ nhưng chẳng hiểu vì sao các đơn vị liên quan vẫn "mắt nhắm mắt mở" cho thi công?

    Trước những "xâm phạm" đang làm xấu đi nét cổ kính, rêu phong của lăng Ngô Quyền, người dân Đường Lâm nói chung, đặc biệt là con cháu dòng họ Ngô đã kiên quyết đề nghị tạm dừng thi công, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lại cách thức tiến hành tu bổ, tôn tạo công trình của Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm. 

    Đến "tác giả" cũng phải "choáng"

    Một điều bất ngờ, theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, "cha đẻ" của ý tưởng dựng bình phong trước lăng Ngô Quyền chính là PGS. TS Trần Lâm Biền - một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đầy uy tín. Thế nhưng, đến ông cũng phải "choáng" khi xem những hình ảnh này. "Tôi rất buồn vì không được xem thiết kế trước", PGS. Biền nói.

    Theo lời chuyên gia này, ông không đồng ý với bức bình phong nói trên. Bởi lẽ những gì thể hiện trên đó rất xấu xí, tùy tiện và không theo tiêu chuẩn nào. PGS Biền kể: "Khi tôi biết có dự án tôn tạo lăng Ngô Quyền, trong một cuộc họp tôi đã nêu ý kiến nên xây dựng một bức bình phong. Thế nhưng, đó chỉ là tư vấn của tôi, còn việc những người có trách nhiệm nghe hay không là quyền của họ. Tôi cho rằng việc xây bình phong là cần thiết, để ngăn chặn khí độc và quỷ dữ, chứ không nên để lăng chơ vơ, trống trải".

    Tuy nhiên, sau đó thì việc xây ở đâu, xây như thế nào bản thân ông cũng không biết. "Chẳng ai hỏi gì tôi cũng như xin ý kiến các nhà chuyên môn. Từ khi góp ý kiến đến nay, tôi cũng chưa có dịp quay lại. Đến nay tôi mới biết họ đã xây bức bình phong", PGS. Biền nói. "Nếu như họ nghe theo ý kiến tôi và tôn trọng đức Ngô Quyền thì cần phải hỏi ý kiến chuyên gia. Những người có chuyên môn sẽ về tận nơi xem xét, tham khảo ý kiến nhân dân để đưa ra phương án. Đằng này, họ gọi một nhóm thợ đến rồi cứ làm bừa đi, khiến người dân bức xúc. Hơn nữa, bức bình phong thường đặt ngoài cửa, cũng cần phải chọn mẫu đẹp và phù hợp, chứ ai lại làm mẫu xấu quá như thế?", PGS. Trần Lâm Biền thắc mắc.

    Cũng theo phân tích của chuyên gia này, con hổ là thần linh cai quản mặt đất, có khả năng trừ tà sát quỷ nên hình tượng hổ ở mặt trước bức bình phong là cần thiết. "Thế nhưng, hình tượng và cách thể hiện ra sao cũng phải theo quy luật, tiêu chuẩn mới có giá trị chứ không phải cứ trang trí bừa thành ra một "quái thú" với dáng vẻ "báo lai chó sói" như vậy. Nếu là "báo lai chó sói" thì cũng là quỷ chứ không phải thần linh mà có thể đặt vào tấm bình phong ở lăng đức Ngô Quyền. Theo tôi, việc bổ sung thêm thắt các hạng mục là việc làm thường thấy ở đời sau đối với các di tích đời trước. Tuy nhiên, sẽ rất đáng tiếc và đáng trách nếu như sự việc được tiến hành một cách tùy tiện", ông Biền nhấn mạnh.                                  

    Mới được 1/6 chặng đường đã bị... phản ứng?!

    Công trình tu bổ đền thờ và lăng Ngô Quyền có tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng, trong đó vốn công đức từ dòng họ Ngô ở Việt Nam là 10 tỷ đồng, phần còn lại thuộc vốn ngân sách Nhà nước và vốn xã hội hóa. Dự án do Văn phòng tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng (ĐH Kiến trúc Hà Nội) lập báo cáo kỹ thuật và Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (bộ Xây dựng) thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công.

    Được biết, thiết kế quy hoạch lăng, bức bình phong đã được sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội, cục Di sản văn hoá thông qua. Thời gian tu bổ, tôn tạo kéo dài trong 3 năm, đến thời điểm hiện tại việc triển khai dự án đã bước sang tháng thứ 6 thì vấp phải sự "phản ứng" của người dân.

    Anh Văn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ai-la-cha-de-cua-buc-quai-thu-ngo-nghe-truoc-lang-ngo-quyen-a24800.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Làng cổ Đường Lâm: Cho xin một vé về... ngày xưa

    Làng cổ Đường Lâm: Cho xin một vé về... ngày xưa

    (ĐSPL) - Các hộ dân tại làng cổ Đường Lâm tiếp tục làm đơn xin trả lại danh hiệu làng cổ Đường Lâm. PV đã trực tiếp gặp những người dân ký tên trong lá đơn này để tìm hiểu rõ nguyện vọng của người dân.