Lợi ích sức khỏe khi ăn rau xanh
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec cho biết thành phần dinh dưỡng chứa trong rau mang lại nhiều lợi ích sức khoẻ, mặc dù mỗi loại rau sẽ có hàm lượng chất dinh dưỡng là khác nhau. Tuy nhiên, rau nói chung là một số loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, hàm lượng đường, natri và chất béo trong rau chiếm tỷ lệ khá thấp. Một số loại rau có thể có hàm lượng nước cao, dao động từ 84 đến 95%.
Rau cũng chứa nhiều hợpchất chống oxy hóavà các hợp chất khác có lợi khác giúp chống lại các gốc tự do gây hại cho tế bào. Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa thường có liên quan đến quá trình lão hóa chậm hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh.
Do đó, ăn rau nhiều mỗi ngày có thể cung cấp cho bạn nhiều loại chất dinh dưỡng giúp bạn chống lại tác nhân gây hại sức khỏe.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, rau xanh có thể ngăn ngừa cả những bệnh như bệnh tim và ung thư, vì chúng giàu ma giê, kali, canxi, sắt, axit folic và vitamin C. Ăn rau xanh thường xuyên cũng là cách lý tưởng để bổ sung vitamin và muối khoáng.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), rau xanh là phần không thể thiếu trong thực đơn ăn uống hàng ngày, bởi chúng chứa rất nhiều hàm lượng chất xơ, khoáng chất, vitamin tốt cho sức khỏe. Việc bổ sung thêm những khoáng chất này rất cần thiết cho sự phát triển cho cơ thể, thông tin từ VTC News.
Rau xanh hâm lại có tôt không?
Khi vào bếp, nhiều bà nội trợ có xu hướng làm nhiều rau hơn bình thường vì sợ cả nhà ăn thiếu. Kết quả là khi kết thúc bữa cơm, những món rau xào, canh rau hay rau luộc bị thừa. Nhiều người đem bảo quản tủ lạnh để ăn vào bữa khác như nhiều loại thức ăn thừa khác.
Tuy nhiên, các loại rau đã nấu chín không nên đem cất trong tủ lạnh để đun lại. Thứ nhất, rau đem đun lại sẽ rất nồng, ngoài mất chất dinh dưỡng, hương vị cũng kém phần ngon như khi mới nấu.
“Đây là thói quen này không có lợi cho sức khỏe. Các món ăn khi đun nấu lại sẽ mất chất dinh dưỡng, nhiều thực phẩm còn dễ gây ngộ độc do nhiễm khuẩn”, ông Thịnh nói.
Hiện không có bằng chứng khoa học nào về việc ăn rau xanh hâm lại gây ung thư. Nitrit (hợp chất của Nito được hình thành trong quá trình phân hủy hợp chất hữu cơ) vào dạ dày có thể phản ứng (dưới tác dụng của axit dạ dày) để tạo thành chất nitrosamine gây ung thư.
Tuy nhiên, phản ứng này cần phải có điều kiện mới xảy ra, bởi không phải thực phẩm nào cũng chứa nitrit. Hơn thế, ung thư do rất nhiều yếu tố tác động, không phải tiêu thụ đồ thừa để qua đêm là mắc bệnh.
Thức ăn thừa nói chung, rau xanh nói riêng nếu bảo quản không tốt, khi để qua đêm sẽ bị ôi thiu, ăn vào dễ ngộ độc. Dấu hiệu của bệnh là đau bụng, nôn, đi ngoài, khó tiêu.
Các loại rau đã chế biến chỉ có thể an toàn trong vòng 3 tiếng, tốt nhất nên ăn rau xanh tối đa trong vòng 2-3 giờ sau khi nấu. Khi thừa rau tốt nhất bạn nên bỏ đi, không để qua đêm hoặc hâm nóng lại. Lúc chế biến cũng chỉ nên cho vừa đủ, tránh mua nhiều vì dễ dư thừa.
Nguyễn Linh (T/h)