Nhiều chị em cho rằng ăn bì lợn vừa đẹp da trẻ lâu (collagen tự nhiên), lại vừa tốt cho xương khớp nên chuyên mua về luộc ăn hàng ngày.
Bì lợn thuộc nhóm protein chứa nhiều thành phần cốt giao (gelatin và collagen) cũng rất bổ dưỡng. Chất cốt giao rất cần cho cấu tạo cơ thể - nó như chất xi măng để gắn kết các tế bào lại với nhau thành mô cơ thể vững chắc. Tất cả các mô, từ da, lông, tóc, thịt, xương và mô liên kết đều cần phải có chất cốt giao này để gắn kết lại và góp phần làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm (Đại Học Bách khoa Hà Nội) cho Báo Phụ nữ biết: “Về nguyên tắc, da động vật cũng là một loại protein, rất khó tiêu và không có lợi cho sức khỏe.”
Ở nước ngoài người ta không dùng da lợn làm thực phẩm trực tiếp mà chỉ sử dụng để làm thạch và chất phụ gia hoặc thuộc da trong công nghiệp. Nhưng ở Việt Nam, da lợn lại được dùng nhiều trong việc chế biến các món ăn như nem chạo, chả bì, bì bóng, pate...
Bì lợn chế biến thành bóng thả là món ăn được nhiều người ưa thích. |
Gần đây, nhiều người thích mua bì lợn về luộc ăn vì cho rằng protein có trong da động vật sẽ góp phần giúp làm đẹp da. Tuy nhiên, điều này là phi thực tế. Khi đi vào cơ thể lớp da này sẽ bị phân cắt thành các axit amin và tiếp tục được đưa vào tổng hợp tạo ra các chất khác. Vì vậy, chúng không thể bổ sung cho da hay giúp cải thiện nhan sắc.
Còn về việc ăn bì lợn có giúp chữa được đau nhức xương khớp không, đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng. Bản thân chuyên gia cũng chưa từng biết đến trường hợp nào ăn bì lợn có thể chữa được bệnh đau nhức xương khớp khi trái gió, trở trời.
Collagel có nhiều trong da động vật, về mặt hoá học thì có thể chiết xuất collagen từ các nguyên liệu này để đưa vào mỹ phẩm. Tuy nhiên, việc tái tạo collagel trong cơ thể quan trọng là ăn uống đủ dưỡng chất, việc đưa collagel từ ngoài vào cơ thể với mục đích thẩm mỹ không phải là giải pháp bền vững.
Dùng bì lợn để ăn hay đắp mặt đều không có lợi cho sức khỏe và làn da. |
Tốt hơn hết, để giữ da khỏe mạnh, chị em nên rửa mặt hằng ngày bằng sữa rửa mặt, mát xa nhẹ nhàng bằng nước sạch, tinh dầu thiên nhiên như chanh, mật ong, dưa chuột... Không nên tự ý chế biến bì lợn để làm mặt nạ nếu không muốn rước thêm bệnh cho mình.
Nhiều bà nội trợ thường bỏ bì và họ chỉ sử dụng để chế biến thành các món như: Món cơm tấm bì hoặc để nấu món thịt đông, nem bì… nhưng phải chọn bì đã sạch lông.
Cách tốt nhất để làm sạch lông lợn là luộc chín miếng bì rồi để nguội. Phần lông lợn còn sót lại sẽ lộ ra và ta có thể dùng nhíp nhổ sạch chúng.
Nhiều người kinh doanh đã sử dụng các hóa chất độc hại để tẩy trắng bì lợn làm món nem gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, chỉ ăn miếng bì đã sạch lông, không mua nem bì ở nơi không rõ nguồn gốc.
Dưới đây là những người thuộc nhóm không nên sử dụng bì lợn:
Người mắc bệnh tim mạch
Lớp mỡ gần da chứa rất nhiều cholesterol, nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ trở thành thủ phạm gây bệnh tim mạch, béo phì.
Vì thế, bệnh nhân, trẻ em và phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều bộ phận này.
Người có bệnh đường tiêu hóa
Theo tư vấn của bác sĩ Phạm Thìn đăng trên báo điện tử Sức khỏe & Đời sống, trước đây, những người làm nghề mổ lợn thường đun nước nóng để cạo sạch lông lợn. Trong khi hiện nay, các lò giết mổ lợn thường cạo sống. Hậu quả của việc này là phần chân của lông lợn vẫn còn ở lại bì, lông này rất cứng, khi ăn vào ruột sẽ cắm vào màng nhầy (nơi tiết ra men để tiêu hoá thức ăn) ở ruột non và dạ dày có thể gây tổn thương màng ruột, dạ dày.
Ngoài ra, nhiều người thường ăn da lợn dưới dạng tái, nộm dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm ký sinh trùng do ở da lợn có thể còn chứa mồ hôi, nước tiểu và bị giết mổ trước khi các chất này kịp thoát ra ngoài khiến da có thể chứa độc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Bì lợn không làm sạch lông sẽ gây hại cho sức khỏe. |
Tốt nhất, để làm đẹp hay chăm sóc sức khỏe theo những mẹo truyền miệng, bạn đều nên tham khảo ý kiến chuyên gia để có được những lời khuyên tốt nhất giúp cơ thể vừa khỏe vừa đẹp.
Minh Khôi(T/h)