+Aa-
    Zalo

    Thuận vợ, thuận chồng miệt mài phục chế văn tự cổ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau hàng chục năm tìm tòi, nghiên cứu phục chế, tu bổ sách, văn bản Hán Nôm cổ, chàng trai Bùi Tiến Phúc cùng với vợ đã trở thành “bác sĩ sách”.

    Sau hàng chục năm tìm tòi, nghiên cứu phục chế, tu bổ sách, văn bản Hán Nôm cổ, chàng trai Bùi Tiến Phúc cùng với vợ đã trở thành “bác sĩ sách” cho nét chữ của người xưa.

    Bén duyên với ngành Hán Nôm

    Chàng trai sinh năm 1988 tại Bình Thuận đã từng được thầy giáo dạy Ngữ văn định hướng cho con đường tương lai để đăng ký theo học bộ môn Hán Nôm tại khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM). Càng học, càng đi sâu vào chuyên ngành của mình, Bùi Tiến Phúc không khỏi xót xa khi chứng kiến thời gian đã và đang hủy hoại những di sản Hán Nôm quý giá như sắc phong, gia phả... ở các thư viện, đình, chùa, nơi anh có cơ hội tiếp xúc trong các đợt đi thực tập, thực tế và nghiên cứu khoa học.

    Vì thế, sau khi tốt nghiệp vào năm 2012, Tiến Phúc vẫn tiếp tục công việc sưu tầm tài liệu Hán Nôm cho thư viện Huệ Quang (TP.HCM). Năm 2014, anh nhận được học bổng ngành Bảo tồn di sản văn hóa tại đại học Phật Quang của Đài Loan (Trung Quốc). Phúc đã dành 2 năm tự tìm tòi và xin thực tập ở một “bệnh viện sách” tại Đài Loan, trước khi được gặp các chuyên gia trong lĩnh vực này ở một khóa học tu bổ mở rộng do nơi này tổ chức. Từ năm 2016 cho đến khi về Việt Nam vào tháng 12/2019, anh may mắn được học và thực hành những kiến thức khác nhau trong lĩnh vực tu bổ, phục chế hiện vật giấy ở rất nhiều người thầy.

    “Bác sĩ sách” Bùi Tiến Phúc muốn lưu giữ giá trị di sản Hán Nôm.

    Không chỉ trau dồi kiến thức, thời gian học tập tại Đài Loan còn giúp Tiến Phúc gặp được bạn đời của mình vào năm 2017 là Trần Bội Tuyền. Cô đã có nhiều năm học mỹ thuật tại Mỹ rồi say mê với chuyên ngành tu bổ, phục chế hiện vật giấy nên quyết định gắn bó cuộc đời với chàng trai Việt Nam.

    Tiến Phúc chia sẻ: “Để làm được công việc phục chế, hầu hết phải học trong thời gian dài là khoảng 6 - 7 năm, thậm chí 10 năm hoặc nhiều hơn nữa. Nhưng khi mình theo học, gia đình không ủng hộ. Lý do là vì học nghề lâu năm nhưng vẫn không làm ra tiền. Tiền làm ra lại đầu tư vào việc học. Nhiều lần, mình định bỏ nghề nhưng nhờ cơ duyên mà vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng”.

    Khi rời Đài Loan, hành trang anh chàng mang theo không chỉ là những kiến thức vô giá trong lĩnh vực tu bổ, phục chế hiện vật giấy mà còn rất nhiều tài liệu, dụng cụ liên quan mà anh biết, chắc chắn không thể tìm thấy tại Việt Nam.

    Tỉ mẩn “hồi sinh” từng nét chữ

    Trở về Việt Nam, đôi vợ chồng trẻ đã cùng nhau xây dựng Hán Nôm Đường là xưởng phục chế, tu bổ sách, văn bản Hán Nôm cổ. Tại đây, Bội Tuyền chăm chú với những tay sách của cuốn Truyện Kiều in trước năm 1975 đã được tháo rời. Cô miệt mài gỡ từng trang giấy, rồi cắt đoạn giấy màu trắng rất mỏng, mỏng đến mức khi cô quết nước hồ lên, tờ giấy trong suốt như tấm kính. Chiếc chổi quết hồ vẫn theo đôi bàn tay cô gái nhẹ nhàng lướt đi lướt lại trên tấm giấy bồi.

    Đến khi cảm nhận được sự trải đều của nước hồ trên khắp bề mặt giấy bồi, Bội Tuyền mới nhẹ nhàng đặt trang giấy đã rách, thủng rất nhiều ở giữa gáy lên phần giấy bồi. Cứ tỉ mẩn như vậy, cô biến từng trang giấy cũ, rách trở nên lành lặn, trước lúc cô xếp chúng sang bàn bên cạnh để cho khô.

    Diễn giải thêm, Tiến Phúc cho hay: “Trong tu bổ, phục chế hiện vật giấy thì tranh vẫn là khó nhất. Công việc đầu tiên và cũng là khó khăn nhất là tháo gỡ tranh ra khỏi các kết cấu cũ. Do bức tranh trải qua rất nhiều thăng trầm của thời gian cho nên việc tháo gỡ không hề dễ dàng, buộc mình phải cẩn thận từng chi tiết nhỏ vì chỉ sơ sảy một chút là bức tranh lại càng nát thêm. Công đoạn này phải ngồi hàng giờ trước bàn làm việc. Đó là chưa kể trước khi tu bổ hay phục chế, người thực hiện phải tìm hiểu chất liệu giấy, thuộc tính và các loại côn trùng gây hại cho giấy như: Bọ bạc, mọt thuốc lá, rệp, mọt sách... để sử dụng dung môi”.

    Sau khi gỡ tranh, công đoạn tiếp theo là làm sạch bức tranh tới mức tốt nhất có thể. Bằng những kiến thức đã được học hành bài bản và dày công tìm hiểu về hóa chất, Tiến Phúc biến bức tranh nhuốm màu thời gian sang một màu sáng hơn nhiều lần trước lúc bước sang công đoạn vá tranh. Với các loại hóa chất chỉ có thể mua được ở nước ngoài, anh nhuộm và vá tranh một cách tinh xảo tới mức bằng mắt thường rất khó nhận biết được bức tranh đã từng bị rách. Những chỗ màu bị tróc hay bị phai, Tiến Phúc khéo léo vẽ và tô màu lại khiến bức tranh trở về như nguyên gốc.

    Bên ngoài niềm say mê khi làm việc, cơm áo gạo tiền là thách thức lớn hơn những gì Tiến Phúc và Bội Tuyền dự tính. Nếu để làm giàu, họ có thể giảng dạy, dịch sách về kỹ thuật phục chế hiện vật giấy, tranh hay sách. Hay với vốn tiếng Anh và tiếng Trung, công việc phiên dịch cho các công ty sẽ đem lại thu nhập cao gấp nhiều lần.

    “Khi Hán Nôm Đường đi vào hoạt động ổn định, tôi hy vọng có thể chia sẻ vai trò của một nghệ nhân, một người thợ mà mình đang đảm nhận cho những học trò mới để dành thêm thời gian cho việc truyền đạt kiến thức về công tác tu bổ, phục chế. Bên cạnh đó là sưu tầm, dịch những tài liệu liên quan. Bởi trong khi chuyên ngành tu bổ, phục chế hiện vật giấy, tranh và sách rất phổ biến ở Nhật Bản, Trung Quốc hay Đài Loan thì tại Việt Nam, những tài liệu chuyên sâu như vậy gần như không có, khiến bất cứ ai muốn tìm hiểu đều gặp khó khăn”.

    BÙI TIẾN PHÚC

    Hà Nhân

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (8)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuan-vo-thuan-chong-miet-mai-phuc-che-van-tu-co-a357431.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan