(ĐSPL) - Hỏi về làng hương Thủy Xuân thuộc phường Thủy Xuân, TP Huế (Thừa Thiên - Huế), không ai không biết. Dịp cuối năm, không khí nơi đây nhộn nhịp và rộn ràng hơn khi những người thợ đang ngày đêm hối hả sản xuất hương trầm phục vụ nhu cầu của người dân.
Lưu giữ nghề truyền thống
Nằm cách TP Huế khoảng 7km về hướng Tây Nam, dưới chân đồi Vọng Cảnh là làng hương Thủy Xuân nổi tiếng bậc nhất trong nghề làm hương trầm của xứ Huế.
Theo các cụ cao niên ở đây, nghề làm hương trầm ở phường Thủy Xuân đã có từ hàng trăm năm trước, không ai biết chắc chắn từ năm nào nhưng được lưu truyền và phát triển đến tận bây giờ. Với bí quyết riêng biệt tạo nên mùi hương đặc trưng, làng hương Thủy Xuân đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng hàng chục năm nay của người dân xứ Huế và trong lòng du khách thập phương.
Trao đổi với với PV, cụ Tô Thị Tuyết (70 tuổi), trú tại phường Thủy Xuân cho biết: “Hơn nửa đời người làm quen và gắn bó với nghề làm hương truyền thống Thủy Xuân, tôi nắm rõ cách thức tạo ra những nén hương thơm và đảm bảo chất lượng để cung ứng ra thị trường.
“Trước đây hương chỉ có 2 màu nâu và đỏ, nhưng giờ bây giờ để bắt mắt và thu hút khách du lịch, dân làng hương Thủy Xuân và một số hộ thuộc phường Thủy Biều, TP Huế cũng đã “bén duyên” với nghề hương trầm, rồi cần mẫn phối thành nhiều màu sắc để nhuộm chông. Cách nhuộm chông khá đơn giản, người thợ sẽ hòa một lượng bột màu thích hợp trong nước sôi nóng rồi nhúng chân hương qua một vài lần. Sau đó đem phơi khô rồi nhuộm lại một lần nữa, thì sẽ có những chân chông hương đầy đủ màu sắc rực rỡ”.
Những chông hương đầy màu sắc rực rỡ được người dân làng hương Thủy Xuân phơi nắng. |
Nghề làm hương đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn mới có thể tạo ra nhũng cây hương hoàn chỉnh. Đó là sự kết hợp của đôi bàn tay thành thạo và cái tâm của người thợ sẽ cho ra được những chân hương tốt, để khi đốt lên, hương cháy đều, không tàn nhanh, không gãy.
Với người Huế, khâu tuyển chọn nguyên liệu rất quan trọng, quyết định đến chất lượng của những thỏi hương và chủ yếu là các vị thuốc bắc như: Ngũ vị thuốc bắc, quế chi, cam thảo, tùng, trắc, đinh hương và hoa hồi. Ngoài ra, còn có cả vỏ bưởi, hoa bưởi, bột quế, bột trầm, bạch đàn... và hàng chục nguyên liệu khác nữa.
Một bạn trẻ thích thú khi thực hiện làm nén hương. |
Được biết, làng hương Thủy Xuân cung cấp chủ yếu ra thị trường các loại như: hương quế, hương trầm, hương dầu sả, hương thơm tẩy mùi, nhang vòng và nụ trầm… Theo thị trường giá hương hiện nay, hương thơm trầm có giá tiền 60.000 đồng/100 cây; hương quế 30.000 đồng/ 100 cây; hương thơm như hương hoa hồi, bột tùng… thì có giá 50.000 đồng/100 cây.
Làm hương kết hợp với phát triển du lịch
Chạy dọc theo con đường Lê Ngô Cát và Huyền Trân Công Chúa song song bên bờ sông Hương thơ mộng, nơi dẫn vào khu di tích lăng vua Tự Đức và đồi Vọng Cảnh thuộc hai phường Thủy Xuân và Thủy Biều, du khách sẽ không khỏi trầm trồ trước hình ảnh những bó chông hương đủ màu sắc rực rỡ được phơi dưới nắng và trưng bày đẹp mắt.
Cũng từ đó, người dân hai khu phố này đã kết hợp giữa làm hương truyền thống và bán các mặt hàng lưu niệm như: tranh sơn dầu, quạt, đồ thổ cẩm… để tăng thêm thu nhập và tạo được nét văn hóa mới, “níu chân” khách du lịch trong và ngoài nước.
Người làm hương bên các mặt hàng lưu niệm được trưng bày thu hút khách du lịch. |
Theo các chủ hàng kinh doanh hàng lưu niệm, mỗi ngày có khoảng 15 – 20 đoàn khách du lịch đến đây để tham quan, thường là khách trong và ngoài nước đi theo tour cố định. Họ rất thích thú khi tận mắt chứng kiến cách những người thợ tự tay làm ra những cây hương trầm.
Trước đây, người dân bán hương cho các đại lý xung quanh TP Huế và các vùng lân cận, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, đã có rất nhiều lái buôn đến tận nơi để đặt mua hương với số lượng lớn, nhất là trong dịp lễ Tết Nguyên đán sắp tới. Thậm chí làng hương Thủy Xuân còn xuất khẩu sản phẩm sang một số nước trên thế giới.
Qua nhiều năm hình thành và phát triển, hương trầm phường Thủy Xuân, TP Huế đã trở thành một nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất Cố đô, xuất phát từ nét văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt là coi trọng việc thờ cúng tổ tiên...
Phi Hoàng - Trần Hồng