Trong bài phát biểu tại Prague (CH Czech) ngày 29/8 (giờ địa phương), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin dự kiến đầu tư vào hệ thống phòng không trong những năm tới và những quốc gia châu Âu láng giềng được hoan nghênh tham gia kế hoạch này cùng họ.
Cụ thể, ông Scholz chia sẻ: "Chúng ta có rất nhiều thứ phải làm ở châu Âu để bảo vệ tất cả chúng ta khỏi các mối đe doạ trên không và từ vũ trụ".
Ông cũng nhấn mạnh cam kết của Đức trong việc gửi vũ khí tối tấn đến hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay, bao gồm các hệ thống phòng không và radar cũng như các máy bay không người lái do thám. Ông nói thêm rằng Đức sẽ nhận "trách nhiệm đặc biệt" trong việc xây dựng và củng cố pháo binh Ukraine.
Đồng thời, thủ tướng Đức cam kết kế hoạch cho một lực lượng phản ứng nhanh của Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ sẵn sàng được triển khai vào năm 2025.
Phần lớn bài phát biểu ngày 29/8 của ông Scholz tập trung vào việc xây dựng và phát triển EU thành một khối "tối tân" hơn, có khả năng phòng thủ tốt hơn trước các mối đe doạ từ bên ngoài và có thể đương đầu với những quốc gia đối thủ khác.
Theo thủ tướng Đức, mỗi quốc gia thành viên EU cần phải phát khiển "lời hứa về hoà bình" của toàn khối, bằng cách đảm bảo họ có khả năng "đảm bảo an ninh, sự độc lập, ổn định khi đối mặt với các thách thức từ bên ngoài".
Ông Scholz đã nhận được nhiều lời khen ngợi ở châu Âu trong cách phản ứng với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine khi cân nhăc lại chính sách ngoại giao và phòng thủ của Đức, cam kết sẽ kế thúc sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, hỗ trợ quân sự cho Ukraine và đầu tư nhiều hơn để phát triển nền quốc phòng.
Tuy nhiên sau đó, những chính trị gia đối lập lại lên tiếng chỉ trích ông Scholz vì "thiếu nhiệt tình" trong việc hỗ trợ Ukraine và thiếu tầm nhìn chiến lược đối với Đức và cả EU. Theo Financial Times, bài phát biểu ở Prague là một nỗ lực nhằm kết thúc những lời chỉ trích trên.
Trong đó, thủ tướng nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với việc mở rộng EU, nói rằng 6 quốc gia ở Tây Balkan nên gia nhập khối, cũng như Ukraine, Moldova và Gruzia. Ông nhấn mạnh tất cả các quốc gia này đều "thuộc về khối chúng tôi, thuộc về phần tự do, dân chủ của Châu Âu".
Nhưng việc mở rộng EU đòi hỏi khối này phải cân nhắc lại những quy định chung, đặc biệt là khi đưa ra quyết định chung. Scholz cũng kêu gọi thay đổi thành phần của quốc hội châu Âu và Ủy ban châu Âu nhưng không đi sâu vào chi tiết.
Đồng thời, thủ tướng Đức cũng kêu gọi một sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các quốc gia EU về vấn đề quân sự, với các cuộc họp thường kỳ của các bộ trưởng quốc phòng EU tại Brussels và hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các công ty vũ khí châu Âu trong các dự án quốc phòng chung.
Cuối cùng, ông Scholz đã đề cập tới một đề xuất hồi tháng 5 của Tổng thống Pháp Emmnuel Macron về việc thành lập một "cộng đồng" rộng lớn hơn cho các nền dân chủ châu Âu, bao gồm cả các quốc gia không phải thành viên EU. Theo đó, thủ tướng Đức nói rằng việc thành lập một diễn đàn nơi các nước EU và không EU "có thể gặp gỡ khoảng 1-2 lần trong năm" là hoàn toàn cần thiết để "trao đổi về các vấn đề trung tâm ảnh hưởng tới toàn châu lục như an ninh, năng lượng, khí hậu và sự liên kết".
Minh Hạnh (Theo Financial Times)