Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã trở thành tâm điểm chỉ trích sau khi giữ im lặng trong lúc Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cáo buộc Israel gây ra "50 vụ thảm sát Holocaust". Không những thế, ông còn bị những cử tri bất mãn chỉ trích là "kẻ nói dối". Và cuối tuần trước, ông đã bị triệu tập để làm chứng cho vụ án lừa đảo trong thời gian còn là thị trưởng Hamburg.
Ông Olaf Scholz từng có những ngày tháng tốt đẹp hơn khi mới bắt đầu vai trò thủ tướng Đức.
Trên truyền thông, ngày càng có nhiều bài viết chỉ trích ông Scholz. Trong đó, tạp chí Spiegel đã đăng bài bình luận chỉ trích phong cách giao tiếp do dự của Thủ tướng Đức với tiêu đề "Scholz im lặng", vì ông không phản ứng trong lúc tổng thống Palestine đưa ra cáo buộc về "50 vụ thảm sát Holocaust". Trang podcast nổi tiếng The Pioneer cũng kết luận Thủ tướng Đức đã trải qua "một tuần ác mộng".
Những chuyến đi gần đây nhất của ông Scholz là một bước khởi đầu khó khăn của ông trong vai trò thủ tướng. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 12/2021, ông đã phải vật lộn để tìm chỗ đứng của mình với tư cách là người đứng đầu nền dân chủ lớn nhất châu Âu và là người kế nhiệm của nữ thủ tướng lâu năm Angela Merkel.
Điều đáng nói, các vấn đề của ông Scholz không chỉ ở phạm vi trong nước. Với vị thế của nền kinh tế và chính trị Đức ở châu Âu, khả năng lãnh đạo của Berlin sẽ có nhiều ý nghĩa với vai trò lãnh đạo trong Liên minh châu Âu (EU), vào thời điểm mà không quốc gia nào khác có thể lấp đầy khoảng trống này.
Tại Pháp, nước láng giềng của Đức, Tổng thống Emmanuel Macron cũng đang trải qua giai đoạn chính trị nhiều biến động khi đảng của ông mất thế đa số tuyệt đối ở Quốc hội.
Bị cho là quá xa cách và thụ động trong cách giao tiếp, ông Scholz, một thành viên đảng Dân chủ Xã hội, đang dần mất đi những lá phiếu ủng hộ trong các cuộc thăm dò gần đây. Tỷ lệ tán thành của ông hiện nay thậm chí còn thấp hơn cả phó thủ tướng và ngoại trưởng đương nhiệm.
Trong khi đó, trên phạm vi quốc tế, thủ tướng Đức cũng chưa thật sự để lại dấu ấn gì sau 8 tháng tại vị.
Vào tháng 2, động thái được chú ý nhất của ông Scholz là cách đáp trả của ông với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Theo đó, thủ tướng Đức đã thực hiện kế hoạch trị giá 100 tỷ euro để tái vũ trang cho đất nước, gửi vũ khí sát thương tới Ukraine và tuyên bố kết thúc sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Đây là những sự thay đổi lớn nhất trong chính sách ngoại giao của Đức kể từ thời Chiến tranh lạnh. Ông Scholz đã gọi những chính sách này là "Zeitenwende - một sự thay đổi mang tính lịch sử". Động thái trên đã giúp ông Scholz nhận được sự tán thưởng từ cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, khi cuộc xung đột Ukraine bước sang tháng thứ 6, ông Scholz vẫn bác bỏ kế hoạch cấm vận hoàn toàn năng lượng Nga, nói rằng việc này sẽ kéo theo một cái giá quá đắt. Ngoài ra, Đức còn bị chỉ trích vì việc chậm trễ giao vũ khí cho Ukraine. Và theo một báo cáo mới của Viện Kinh tế Đức, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Cologne, Đức có thể sẽ thất bại - một lần nữa - trong việc đáp ứng mục tiêu chi 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng như thoả thuận của các thành viên NATO.
Sudha David-Wilp, phó giám đốc Quỹ Marshall Đức tại Berlin, nhận xét: "Kể từ bài phát biểu Zeitenwende là một loạt rủi ro. Rất nhiều điều đã được hứa hẹn nhưng khi bạn nhìn vào những gì đã thực sự được thực hiện, điều đó thật đáng kinh ngạc khi chúng ta chuẩn bị đánh dấu tháng thứ 6 cuộc xung đột".
Bà nói thêm: "Đã có sự thiếu kỹ năng và rất nhiều sự do dự".
Sự do dự của Đức đã bộc lộ rõ hồi tuần trước khi Thủ tướng Scholz tổ chức cuộc họp báo chung với nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas. Tại sự kiện này, tổng thống Palestin đã cáo buộc Israel liên quan tới "50 vụ thảm sát Holocaust". Lúc này, ông Scholz được cho là đã đanh mặt lắng nghe nhưng không đưa ra phản ứng trực tiếp. Ngay sau đó, ông Scholz đã bắt tay ông Abbas khi phát ngôn viên của ông kết thúc cuộc họp báo.
Động thái này càng khiến những lời chỉ trích nhằm vào ông Scholz ngày càng gia tăng.
Josef Schuster, chủ tịch Hội đồng người Do Thái ở Đức cho biết: "Những nhận xét như vậy đáng lẽ không nên được đưa ra".
Ông Friedrich Merz, nhà lãnh đạo phe đối lập bảo thủ của Đức, đã chỉ trích việc ông Scholz không phản ứng. Ông Merz hận định: "Thủ tướng lẽ ra phải bày tỏ sự phản đối rõ ràng với tổng thống Palestine và yêu cầu ông ấy rời đi".
Trong một phản ứng muộn màng sau vụ việc, ông Scholz nói với tờ Bild vào cuối buổi tối hôm đó rằng "bất kỳ sự tương đối hóa nào về Holocaust là không thể chấp nhận được". Nhưng phải đến sáng hôm sau, ông mới đăng tải một thông điệp chính thức trên trang Twitter cá nhân, lên án những nỗ lực phủ nhận tội ác của Holocaust.
Người phát ngôn của ông Scholz, Steffen Hebestreit, cũng lên tiếng nhận lỗi vì đã kết thúc cuộc họp báo quá nhanh. Nhưng ông đã không thuyết phục được truyền thông Đức, cho thấy một sự thiếu phản ứng khác của thủ tướng.
Ông Scholz cũng đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trước những cáo buộc rằng ông đã giúp một ngân hàng tư nhân trốn khoản thuế trị giá 47 triệu euro ở Hamburg vào năm 2016, khi ông còn là thị trưởng. Ban đầu, ông Scholz đã phủ nhận việc gặp riêng một trong những người đồng sở hữu Ngân hàng Warburg nhưng sau đó ông thừa nhận có các cuộc gặp khi lịch trình cá nhân của người này được công khai.
Cùng với những thách thức về lạm phát gia tăng, tăng trưởng kinh tế chậm chạp và nguy cơ thiếu khí đốt, sự tích tụ của hàng loạt các vấn đề lớn nhỏ đã giáng đòn mạnh vào nhiệm kỳ thủ tướng của ông Scholz.
Đầu tuần này, ông một lần nữa bị chỉ trích bởi cả những người biểu tình cánh tả và cánh hữu. Một số nhà quan sát chính trị đã lên tiếng cảnh báo về một mùa đông biểu tình, vì người Đức cảm thấy mệt mỏi vì chi phí sưởi ấm tăng cao.
Theo cuộc thăm dò ngày 19/8, chưa đến 20% người Đức cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội của ông Scholz. Thay vào đó, nếu một cuộc bầu cử được tổ chức vào thời điểm hiện tại, phe bảo thủ có khả năng cao sẽ đánh bại họ.
Bà David-Wilp nói về ông Scholz: "Hầu hết người Đức đều nghĩ rằng ông ấy là người chuẩn bị tốt nhất cho vị trí này nhưng có vẻ như ông ấy chưa thực sự sẵn sàng. Ông ấy có thể là một quan chức lớn và một chính trị gia có trách nhiệm nhưng ông ấy chưa thực sự thể hiện được các kỹ năng và sắc thái giao tiếp cần thiết để trở thành nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất châu Âu".
Minh Hạnh (Theo New York Times)