Vietnamnet đưa tin, sáng 9/7, Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm (40 Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).
Tới dự lễ khánh thành có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và nhiều lãnh đạo Bộ, ngành.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, văn hoá có vị trí đặc biệt quan trọng góp phần to lớn vào sự phát triển bền vững của đất nước.
"Trong quá trình lãnh đạo qua các thời kỳ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao vai trò của văn hóa, xác định văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Các Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc đều khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của phát triển đất nước", Thủ tướng nói.
Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng khi đến dự lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm - công trình văn hoá quan trọng, toạ lạc trong không gian đặc sắc, đầy trầm tích lịch sử, có vị trí đắc địa ở trung tâm Hà Nội.
Theo người đứng đầu Chính phủ, việc đầu tư xây dựng Nhà hát Hồ Gươm thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng ủy, Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công An, cấp ủy, chính quyền TP.Hà Nội đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước về văn hóa và cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Nhà hát có ý nghĩa rất lớn, không chỉ cho các đồng chí công an nhân dân, cho Hà Nội mà còn có ý nghĩa đối với việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, góp phần nâng cao tinh thần vật chất cho nhân dân, trong đó có văn hóa, và trong đó có lực lượng công an nhân dân", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng ghi nhận sự nỗ lực của các nhà thầu, thi công, sự quyết tâm của Bộ Công an, lãnh đạo TP.Hà Nội khi hoàn thành trước tiến độ việc xây dựng nhà hát Hồ Gươm, đặc biệt trong điều kiện xảy ra đại dịch COVID-19.
"Tôi đánh giá cao các nhà tư vấn đã trăn trở cống hiến vì nghệ thuật tìm ra giải pháp tốt nhất về mặt kiến trúc, nghệ thuật, âm thanh, ánh sáng, hòa quyện giữa tính dân tộc với tính hiện đại", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Theo báo Dân Trí, nhà hát Hồ Gươm có 6 tầng nổi, 3 tầng hầm, gồm khán phòng chính với 900 chỗ ngồi, phòng hòa nhạc nhỏ 500 chỗ và các khu vực trưng bày, triển lãm nghệ thuật và các công trình phụ trợ khác.
Điểm nhấn của nhà hát là kiến trúc châu Âu xưa nhưng vẫn tái hiện một phần lịch sử của dân tộc Việt Nam, qua những hoa văn truyền thống biểu trưng cho văn hóa Việt như: Mặt trời, chim hạc, trống đồng Đông Sơn, các nhạc cụ dân tộc...
XEM THÊM: Khép lại lễ hội Pháo hoa quốc tế DIFF 2023 với chức vô địch giành cho Pháp
Để đảm bảo tiêu chuẩn vận hành của một nhà hát đa năng, Nhà hát Hồ Gươm được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ hàng đầu trên thế giới về âm thanh, ánh sáng, bày trí sân khấu…
Nhà hát có khả năng đáp ứng đa dạng yêu cầu trình diễn của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ opera cho đến nhạc giao hưởng, nhạc kịch, bale, biểu diễn âm nhạc hiện đại, hội thảo, show truyền hình...
Việt Hương (T/h)