Tại phiên họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các ngành, các cấp, các địa phương trong cả nước, nhất là Hà Nội, TP.HCM thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ. Đây là một thành công của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong phòng, chống dịch COVID-19. Đến giờ phút này, có thể nói, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được dịch COVID-19.
Hệ số lây nhiễm bệnh COVID-19 thuộc nhóm thấp nhất thế giới
Sau khi lắng nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cũng như các ý kiến thảo luận tại phiên họp, phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi 12 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng. Các vùng có nguy cơ cao được công bố tại cuộc họp trước đều không có ca lây nhiễm mới. Với 270 ca mắc COVID-19 trong 100 triệu dân, hệ số lây nhiễm dịch bệnh ở nước ta thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Thủ tướng cho rằng, các ngành, các cấp, các địa phương trong cả nước, nhất là Hà Nội, TP.HCM thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ. Đây là một thành công của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong phòng, chống dịch COVID-19. Đến giờ phút này, có thể nói, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được dịch COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 28/4. Ảnh: Chinhphu.vn |
Tại cuộc họp này, thêm một lần nữa Thủ tướng hoan nghênh, biểu dương các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo Quốc gia và đặc biệt là các lực lượng tham gia trực tiếp chống dịch: như các thầy thuốc, các lực lượng vũ trang, các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ... đã nỗ lực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở nước ta.
Tại cuộc họp, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm không được chủ quan trong phòng, chống dịch; phát huy hơn nữa trách nhiệm cán bộ y tế, nhất là ở tuyến đầu phòng dịch vì hiện vẫn chưa có vắc xin chữa trị, phòng dịch.
Các cơ quan chức năng và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cần tiếp tục thực hiện theo chiến lược đề ra, phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch và chữa trị hiệu quả. Người đứng đầu cơ sở, tổ chức, địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp đã đề ra theo nội dung Chỉ thị 19; tránh tập trung đông người.
Thủ tướng nhắc lại quy định tiếp tục đeo khẩu trang nơi đông người; đảm bảo an toàn cho người dân, an toàn với dịch bệnh và an toàn giao thông. Hệ thống phòng dịch vẫn tiếp tục hoạt động 100%; triển khai công tác xét nghiệm, phát hiện sớm, điều trị bệnh nhân có hiệu quả, nhất là các đối tượng nghi nhiễm phải được nhân rộng kiểm tra.
Cần quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép về đảm bảo phòng dịch và phát triển kinh tế xã hội
Thủ tướng cũng hoan nghênh các Tập đoàn, doanh nghiệp tích cực tham gia nghiên cứu tổ chức sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất thiết bị y tế.
Về đề nghị của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tạo điều kiện xuất khẩu khẩu trang y tế, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy xuất khẩu trên cơ sở đã có cơ số dự phòng trong nước và đảm bảo chất lượng. Tạm dừng mua sắm thuốc điều trị cho tình huống 10.000 người mắc...
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương và các ngành cần tập trung xem xét, có giải pháp chống lây nhiễm từ bên ngoài; đồng thời nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội. Khởi động tích cực các ngành nghề kinh tế có hệ số an toàn cao trên cơ sở có phương án phòng dịch đảm bảo.
Cần quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép về đảm bảo phòng dịch và phát triển kinh tế xã hội và dịch vụ, Thủ tướng nói và giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xem xét nới lỏng 1 số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khác ở địa phương để phát triển sản xuất kinh doanh tại địa phương.
Chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hoạt động du lịch trong nước từ ngày 30/4 nhưng không được tổ chức đoàn quá đông; duy trì đeo khẩu trang nơi đông người. Đảm bảo 1 kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 của đất nước lành mạnh, an toàn cho nhân dân.
Người đứng đầu các cấp, các ngành tăng cường quán triệt các nội dung của Chỉ thị 19, đảm bảo an toàn giao thông; phân công người trực trong thời gian nghỉ để kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến dịch bệnh.Tạo điều kiện cho phần lớn các cơ sở sản xuất được sản xuất trở lại, nhất là công trường, xí nghiệp, các đơn hàng xuất khẩu. Các khu công nghiệp, khu du lịch các đô thị đông dân cư và các siêu thị khi mở cửa cần có các biện pháp đôn đốc phòng, chống dịch.
Theo Thủ tướng: đến giờ phút này, có thể nói, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được dịch COVID-19. Ảnh:Chinhphu.vn |
Ngăn chặn có hiệu quả tiêu cực, tham nhũng trong mua sắm các trang thiết bị y tế
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương có biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo quốc gia cần xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ dịch bệnh lây lan trở lại trên diện rộng. Bộ Quốc phòng, bộ Y tế cần có biện pháp tăng cường kiểm soát tại các đường mòn, lối mở, tiến hành cách ly phù hợp theo đặc điểm của địa phương. Tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất các khu cách ly, đảm bảo an toàn; chuẩn bị cho các tình huống xấu xảy ra.
Bộ Giao thông Vận tải căn cứ diễn biến dịch và nhu cầu đi lại của nhân dân, hướng dẫn đảm bảo an toàn quyết định tần suất các chuyến bay cũng như các hình thức giao thông khác.
Tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh ổn định đời sống nhân dân, nhất là một số ngành đang tăng trưởng quá thấp, khủng hoảng nghiêm trọng như du lịch, dịch vụ và đặc biệt là hàng không. Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện phần mềm liên quan trên điện thoại di động và đề xuất các biện pháp phù hợp.
Thủ tướng lưu ý các địa phương ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong mua sắm các trang thiết bị y tế. Nếu phát hiện tiêu cực, tham nhũng phải chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm. Cùng với đó, các cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế phải chú ý đảm bảo chất lượng, gìn giữ uy tín quốc gia.