+Aa-
    Zalo

    Thủ tướng: Dành gói tín dụng ưu đãi khoảng 20.000-30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa

    (ĐS&PL) - Thủ tướng giao các bộ, ngành tính toán dành gói tín dụng ưu đãi khoảng 20.000-30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa.

    Đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa đòi hỏi nguồn vốn lớn

    Sáng 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đây có thể coi là “hội nghị Diên Hồng” về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

    thu tuong danh goi tin dung uu dai khoang 20 000 30 000 ty dong cho nganh cong nghiep van hoa 4
    Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

    Phát biểu kết luận, Thủ tướng dành nhiều thời gian đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa.

    Thủ tướng cho rằng cần chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

    thu tuong danh goi tin dung uu dai khoang 20 000 30 000 ty dong cho nganh cong nghiep van hoa 5
    Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

    Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan.

    Trong đó có các chính sách liên quan, trong đó chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

    "Các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi, trước mắt khoảng 20 - 30 nghìn tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa", Thủ tướng nêu.

    Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung hoàn thiện, trình dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó đề cập nhiệm vụ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.

    Bên cạnh đó, xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa.

    Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa (như về thuế, đất đai, đầu tư, tiếp cận tín dụng…), nhất là cho những lĩnh vực ưu tiên (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa…) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

    Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa gắn với thực hiện chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

    Cùng đó, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa có tiềm năng xuất khẩu. 

    Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ đưa các giá trị văn hoá truyền thống, nghệ thuật, lịch sử Việt Nam vào phần mềm ứng dụng tương tác. Chuyển dịch từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công phần mềm sang sản xuất phần mềm thương hiệu Việt, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số, từ thị trường trong nước sang thị trường quốc tế, báo VTC News đưa tin.

    Doanh nghiệp kiến nghị cơ chế ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất…

    Theo báo Thanh tra, trước đó, chia sẻ tại hội nghị, TS Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nói, văn học nghệ thuật còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy đúng mức để phát triển công nghiệp văn hoá, đặc biệt trong môi trường số. 

    Theo ông Nô, môi trường số có nhiều thuận lợi. lẫn thách thức. Ông đề nghị, Nhà nước sớm hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa chính sách, thúc đẩy nguồn lực xã hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tài chính cho văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ ở mức cần thiết nhằm thúc đẩy sáng tạo.

    thu tuong danh goi tin dung uu dai khoang 20 000 30 000 ty dong cho nganh cong nghiep van hoa 2
     Bà Nguyễn Thái Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group. Ảnh: Báo Thanh tra

    Quan tâm đến vấn đề quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa, bà Nguyễn Thái Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group đề nghị, cần coi việc xây dựng và triển khai quy hoạch này là nhiệm vụ tiên quyết, là định hướng chiến lược tổng thể cho ngành Du lịch Việt Nam

    “Quy hoạch công nghiệp văn hóa không chỉ dành cho một nhóm ngành nghề, một thành phố, một tỉnh mà cần đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các loại quy hoạch khác”, bà Hoàng Anh nói.

    Theo đại diện Tập đoàn Sun Group, hầu hết các địa phương đều ủng hộ phát triển du lịch văn hóa song trong thực tế, các dự án về du lịch, văn hóa đòi hỏi các nhà đầu tư quan tâm chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, với thời gian thu hồi vốn chậm. 

    Từ đó, bà Hoàng Anh đề nghị có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, như cơ chế ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất…

    Bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Hà Nội Grapevine cho hay, không gian sáng tạo đang thực hiện các nghĩa vụ thuế giống các doanh nghiệp thông thường khác. Trong khi, các trung tâm sáng tạo giống vai trò kết nối giữa Nhà nước, tư nhân và nhiều không gian sáng tạo theo mô hình kinh doanh phi lợi nhuận. 

    “Các không gian sáng tạo phải đóng thuế như là một doanh nghiệp, thường sẽ gặp khó khăn. Cạnh đó, khi tham gia các dự án hợp tác công-tư cũng thường gặp khó khăn với mức chi rất thấp của Nhà nước”, bà Ly nói.

    Vì vậy, bà đề xuất miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trong 3 năm đầu tiên và 2 năm tiếp theo thì giảm còn 10% và miễn giảm thuế thu nhập với các dự án công - tư. Đến năm 2030, cần hoàn thiện các trung tâm và chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp, có tầm nhìn toàn cầu.

    thu tuong danh goi tin dung uu dai khoang 20 000 30 000 ty dong cho nganh cong nghiep van hoa 3
     Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: Thanh tra

    Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng những ưu đãi cho lĩnh vực văn hóa, cũng như các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. 

    Với kiến nghị của các đại biểu, ông Chi nói, đang vượt quá những chính sách, quy định hiện hành. Vì vậy, Bộ Tài chính xin được ghi nhận để nghiên cứu, tổng hợp lại trong các chương trình, kế hoạch sửa các quy định pháp luật về thuế.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-tuong-danh-goi-tin-dung-uu-dai-khoang-20-000-30-000-ty-dong-cho-nganh-cong-nghiep-van-hoa-a604513.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan