Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn từ ngày 16 - 18/11.
Tiếp tục cập nhật....
Tại phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn của các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum); Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn); Vũ Tiến Lộc (Thái Bình); Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận); Lê Thanh Vân (Cà Mau); Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng);... chất vấn nội dung: Giải pháp ngăn chặn tình trạng chênh lệch giầu nghèo; giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng; xử lý bất cập trong các dự án BOT giao thông; thực hiện thông điệp "Chính phủ kiến tạo" mở đường cho sự phát triển; chủ trương, giải pháp thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ trong điều kiện nước này chưa trở lại với TPP; triển khai các giải pháp xây dựng đô thị thông minh; giải pháp xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; tại sao Việt Nam chưa thể phát triển đột phá so với tiềm năng lợi thế của mình; xử lý các vụ đại án tham nhũng; xử lý các vụ phá rừng, giải pháp phát triển rừng bền vững...
Về vấn đề giảm chênh lệch giầu nghèo giữa các vùng miền, Thủ tướng nhấn mạnh đây là chủ trương của Đảng, trong những năm qua cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, và thực hiện chủ trương này là vấn đề cần làm vừa lâu dài, vừa cấp bách. Trước hết để phát triển kinh tế xã hội vùng khó khăn, cần tạo điều kiện để người dân vùng khó khăn tiếp cận tín dụng ưu đãi; đào tạo nghề nghiệp; nâng cao năng suất lao động; giải quyết việc làm; hỗ trợ người yếu thế tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục; hỗ trợ người dân vùng khó khăn, vùng bị thiên tai khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống; có hình thức phân phối thu nhập hiệu quả qua thuế; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; ưu tiên vốn đầu tư hạ tầng... tạo môi trường thuận lợi để người dân sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo...
Về nội hàm của Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng nhấn mạnh trước hết cần chủ động xây dựng, hoàn thiện thể chế; tiếp đó, cần thống nhất thực hiện chủ trương nhà nước không làm thay thị trường, cái gì dân làm tốt, thì để người dân và doanh nghiệp làm; đồng thời phải đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh đổi mới giáo dục đào tạo; chính phủ kiến tạo thì nói phải đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; thay ngay những cán bộ không chịu làm việc, làm việc kém hiệu quả; đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới công khai, minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp....
Về chủ trương xây dựng đô thị thông minh, Thủ tướng nhấn mạnh đây là xu thế của thế giới. Mục tiêu của đô thị thông minh là nâng cao hiệu quả quản trị công; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; bảo vệ môi trường; xây dựng chính quyền kiến tạo vì dân, sát dân... Hiện một số địa phương đã triển khai như TPHCM, Bình Dương... Thủ tướng hoan nghênh các địa phương đã mạnh dạn đồng thời cũng cảnh báo việc xây dựng đô thị thông minh cần tiến hành bài bản, có hệ thống, phải có công nghệ, có con người... nếu không sẽ thất bại.
Về phòng chống tham nhũng, Thủ tướng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước quyết tâm phòng chống tham nhũng; chúng ta kiên quyết xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, không có vùng cấm và phải công khai kết quả xử lý các vụ án tham nhũng để nhân dân biết, giám sát, tin tưởng...
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp FDI trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam với nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp thiết thực vào nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh những tiến bộ, còn một số tồn tại, bất cập cần xử lý như: Một số doanh nghiệp FDI công nghệ còn thấp; còn có tình trạng chuyển giá, trốn thuế; một số doanh nghiệp vi phạm về một trường... Thủ tướng nhấn mạnh cần đổi mới trong thu hút, quản lý doanh nghiệp FDI, không thu hút đầu tư bằng bất cứ giá nào, xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm; kết hợp giữa FDI với doanh nghiệp trong nước để hai chủ thể này cùng phát triển có lợi...
Các nhóm vấn đề Thủ tướng trả lời chất vất
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trân trọng cảm ơn các ĐBQH đã thảo luận tâm huyết, trách nhiệm các báo cáo của Chính phủ và đã thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội năm 2018. Thủ tướng cho biết, tại kỳ họp, các ĐBQH gửi 76 phiếu chất vấn các thành viên Chính phủ, trong đó có 6 phiếu chất vấn Thủ tướng Chính phủ.... Đa số các ý kiến đều đánh giá cao kết quả đã đạt được về KT-XH trong năm 2017 với 13/13 chỉ tiêu đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
Trong báo cáo, Thủ tướng cũng làm rõ thêm các kết quả đã đạt được về KT-XH, trong đó có nhiều chỉ tiêu được quốc tế đánh giá cao. Đồng thời, Thủ tướng báo cáo về công tác ứng phó, hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2017, chỉ ra những kết quả và những bất cập, nêu các giải pháp cần thực hiện về phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới;...
Về cải cách hành chính, báo cáo cho biết Chính phủ đã ban hành 14 nghị quyết về vấn đề này, đồng thời triển khai nhiều giải pháp như: Cấp số định danh cá nhân, tiến tới bỏ sổ hộ khẩu giấy, xây dựng cổng thông tin tiếp nhận phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, người dân,... Thủ tướng cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính, nhấn mạnh giải pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới bộ máy hành chính nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử,... gắn với công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tinh giản biên chế, thay thế cán bộ kém năng lực, phẩm chất, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ... hướng tới xây dựng bộ máy hành chính hiện đại, công khai, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
Báo cáo cũng nêu những nội dung liên quan đến công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; công tác hội nhập quốc tế; bảo đảm quốc phòng, an ninh;...
Trước đó, trong hai ngày 16 - 17/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 3 thành viên Chính phủ là: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Ba ‘tư lệnh ngành” đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội các nội dung:
Công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế, thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chuyển giá); công tác quản lý trong lĩnh vực hải quan; đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.
Việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý. Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp bảo đảm an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình. Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.
Trong quá trình Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu giải trình thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn từ ngày 16 - 18/11.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tường thuật trực tiếp phiên chất vấn, phục vụ cử tri và nhân dân theo dõi.