Theo tờ Le Monde, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm 10/12 cho biết các cuộc đàm phán hòa bình về chấm dứt xung đột tại Ukraine có thể bắt đầu vào mùa đông năm 2024. Tuy nhiên, ông không cung cấp thông tin chi tiết về các cuộc đàm phán tiềm năng, chẳng hạn như địa điểm, thời gian hay các bên tham gia.
“Nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của chúng tôi sẽ cùng chịu trách nhiệm về bối cảnh chính trị sẽ như thế nào, có lẽ là tình hình sẽ ra sao trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình có thể bắt đầu vào mùa đông năm nay, dù hiện vẫn còn nhiều câu hỏi”, ông nói.
Newsweek đưa tin, nhiệm kỳ Chủ tịch EU sắp tới của Ba Lan trùng với thời điểm có những thay đổi đáng kể trên toàn cầu. Trong số đó có việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng, với lời hứa trong chiến dịch tranh cử là sẽ nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine, cùng cảnh báo cắt giảm viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine và xem xét lại các cam kết với NATO.
Thủ tướng Tusk cũng hé lộ về một loạt các cuộc hội đàm với các quan chức nước ngoài. Cụ thể, ông có cuộc thảo luận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong ngày 10/12 và đón tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Ba Lan vào ngày 12/12.
Trong cuộc gặp vào ngày 12/12, Tổng thống Macron dự kiến sẽ thông báo kết quả của cuộc hội đàm ba bên giữa ông, ông Zelensky và ông Trump ở Paris (Pháp) vào cuối tuần trước. Thủ tướng Tusk đánh giá cuộc hội đàm này là “ngắn nhưng quan trọng”.
Theo Thủ tướng Tusk, nhà lãnh đạo phe đối lập Đức Friedrich Merz cũng sẽ đến Ba Lan sau khi thăm Kiev. Thủ tướng Tusk cũng cho hay ông thường xuyên liên lạc với các đồng minh Scandinavia và Baltic – những quốc gia đang hy vọng Ba Lan, trong vai trò Chủ tịch EU, sẽ thúc đẩy các sáng kiến xây dựng hòa bình giữa Ukraine và Nga.
Được biết, Ba Lan là nước ủng hộ mạnh mẽ Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào đầu năm 2022. Là thành viên của cả EU và NATO, Warsaw đóng vai trò là trung tâm hậu cần quan trọng cho viện trợ quân sự của phương Tây cho Kiev.
Thừa nhận tình hình chính trị và quân sự căng thẳng, Thủ tướng Tusk nhận định giai đoạn hiện tại là “đáng chú ý” đối với châu Âu. Ông cho rằng, các cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra, bất ổn chính trị ở một số quốc gia châu Âu và quá trình chuyển đổi sang chính quyền mới ở Mỹ là những thách thức có thể ảnh hưởng tới định hướng chiến lược của EU.