Ngày 29/8, Australia ghi nhận thêm 1.323 ca nhiễm mới COVID-19, mức cao kỷ lục về số ca nhiễm trong ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này vào năm ngoái.
Trong số ca nhiễm mới vừa ghi nhận có tới 1.218 ca tại New South Wales, bang đông dân nhất Australia và đang là tâm điểm của đợt dịch lần này do biến thể Delta. Trong khi đó, giới chức địa phương đang chuẩn bị nới lỏng nới lỏng một số hạn chế sau 9 tuần phong tỏa.
Lệnh phong tỏa ở bang New South Wales dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 9/2021. Bà Gladys Berejiklian, Thủ hiến của bang, khẳng định sẽ mở cửa khi 70% những người từ 16 tuổi trở lên được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
"Bất kể số ca nhiễm là bao nhiêu... 70% người dân New South Wales tiêm đủ hai mũi vaccine đồng nghĩa với việc họ được tự do", bà Berejiklian cho hay.
Victoria, bang đông dân thứ hai Australia và đang trải qua lần phong tỏa thứ 6 kể từ thời điểm dịch bùng phát, ngày 29/8 ghi nhận 92 ca mới, cao nhất trong vòng gần một năm.
Lệnh phong tỏa tại bang Victoria sẽ hết hạn vào ngày 2/9 nhưng Thủ hiến Daniel Andrews tuyên bố tình trạng sẽ được gia hạn thêm do số ca nhiễm còn cao nhưng không nêu rõ kéo dài trong bao lâu.
Với chiến lược "Zero-Covid" (Không COVID-19), 6 bang và hai vùng lãnh thổ của Australia đã kết hợp nhiều biện pháp khác nhau nhằm kiểm soát dịch bệnh. Do đó, tình hình tại nước này được xem là khả quan hơn hầu hết quốc gia phát triển khác khi ghi nhận hơn 50.100 ca nhiễm và gần 1.000 ca tử vong vì COVID-19.
Tuy nhiên, giới chức Australia nhận định chiến lược "Không COVID-19" giờ đây trở nên "không thực tế" trước đà lây lan quá nhanh của biến chủng Delta.
Hôm 23/8, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định nước này sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng ngừa COVID-19 và thúc giục bang mở trở lại biên giới khi đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% người trên 16 tuổi.
"Chúng ta phải thay đổi sách lược. Số ca sẽ không phải là vấn đề khi có 70% người đủ điều kiện tiêm chủng. Khi đó, chúng ta sẽ tập trung điều trị các ca bệnh nặng, nhập viện, nằm phòng điều trị đặc biệt, củng cố năng lực và khả năng phản ứng trong các tình huống. Đó sẽ là mục tiêu. Chúng ta sẽ sống với virus này như đã sống với các bệnh truyền nhiễm khác", ông Morrison quán triệt.
Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg cũng nhấn mạnh: "Học cách sống chung với virus là hy vọng duy nhất của chúng ta. Trì hoãn và phủ nhận thực tế này không chỉ là sai lầm mà còn vô cùng phi thực tế".
Theo bộ Y tế Australia, tính đến hết ngày 28/8, nước này đã tiêm được gần 19 triệu mũi vaccine ngừa COVID-19. Trong đó hơn 7 triệu người, tương đương với hơn 34% người tư 16 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Hoa Vũ (T/h)