Ngày 10/8, hãng tin 7 News của Australia đã thông tin về việc một nhân viên bệnh viện Bankstown-Lidcombe tại thành phố Sydney đã đóng giả làm bác sĩ thực tập trong suốt 8 tháng. Dù không xác nhận thông tin về bác sĩ giả mạo trên nhưng phát ngôn viên của bệnh viện cho biết một nhân viên đang bị điều tra.
Cụ thể, người này phát biểu: "Bệnh viện Bankstown-Lidcombe phát hiện một nhân viên không được đăng ký với Cơ quan Quản lý Hành nghề Y tế Australia (Ahpra) ngày 10/8. Người này sau đó đã bị sa thải và Bệnh viện Bankstown-Lidcombe đã chuyển vụ việc lên Cảnh sát New South Wales (NSW) để điều tra".
Được biết, nhân viên này đã làm việc tại bệnh viện trong suốt thời gian từ tháng 1 đến tháng 8/2021 dưới sự giám sát toàn diện. Sau khi phát hiện vụ việc, phía Bệnh viện Bankstown-Lidcombe hiện cũng đã tổ chức một cuộc điều tra nội bộ để làm rõ và đã báo cáo lại lên phía Ahpra.
Một phát ngôn viên của cảnh sát cho biết lực lượng chức năng đã thu thập được một giấy giới thiệu đến từ Y tế NSW có liên quan tới trường hợp nhân viên trên.
Bên cạnh việc bị cảnh sát điều tra, truy tố, nhân viên trên còn có nguy cơ bị Ahpra truy tố thêm vì tự xưng là một chuyên gia y tế khi không đăng ký trước với hội đồng có liên quan theo Đạo luật Quốc gia về Quy chế Hành nghề tại Australia.
Đạo luật này mới được sửa đổi bổ sung vào năm 2019, trong đó, nó đã tăng gấp đôi mức tiền phạt với người vi phạm. Ngoài ra, nếu một người vi phạm bị Ahpra truy tố, họ có thể phải đối diện với án tù tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tội danh.
Vào năm 2018, Raffaele Di Paolo đã bị cảnh sát truy tố và bỏ tù 10 năm vì tự cho mình là một bác sĩ và chuyên viên y tế chuyên khoa, trong khi không có giấy phép hành nghề. Trước đó, một đối tượng khác là Shyam Acharya đã bị kết tội tại tòa án địa phương NSW và bị phạt 30.000 USD vì tự xưng là bác sĩ bác sĩ Sarang Chitale đến từ Vương quốc Anh.
Minh Hạnh (Theo Guardian)