(ĐSPL) - Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài khu vực biên giới được xác lập, thực hiện theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Trình tự thực hiện:
- Một trong hai bên kết hôn nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND cấp xã có thẩm quyền.
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ. Sau khi đã thẩm tra hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã có công văn, kèm theo bản sao 01 bộ hồ sơ (bản sao không cần chứng thực) gửi Sở Tư pháp để xin ý kiến.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của Ủy ban nhân dân cấp xã, Sở Tư pháp xem xét hồ sơ và trả lời bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trường hợp từ chối đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để thông báo cho hai bên nam, nữ, trong đó nêu rõ lý do.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến đồng ý của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện đăng ký kết hôn như đối với trường hợp đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau ở trong nước theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch, cụ thể như sau:
+ Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện UBND cấp xã yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho mỗi bên vợ, chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
+ Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của vợ, chồng.
Cách thức thực hiện: Một trong hai bên kết hôn nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND cấp xã có thẩm quyền.
Thành phần hồ sơ:
- Các giấy tờ phải xuất trình:
+ Giấy chứng minh nhân dân biên giới đối với công dân Việt Nam; trường hợp không có Giấy chứng minh nhân dân biên giới thì xuất trình giấy tờ chứng minh việc thường trú ở khu vực biên giới kèm theo giấy tờ tùy thân khác để kiểm tra;
+ Giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ khác đối với công dân nước láng giềng do cơ quan có thẩm quyền của nước đó cấp để chứng minh việc người đó thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.
- Các giấy tờ phải nộp:
+ Tờ khai đăng ký kết hôn (Mẫu TP/HT-2013-TKĐKKH);
+ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân đối với công dân Việt Nam; giấy tờ để chứng minh về tình trạng hôn nhân của công dân nước láng giềng do cơ quan có thẩm quyền của nước đó cấp. (Các giấy tờ này được cấp chưa quá 06 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó là người không có vợ hoặc không có chồng).
Đối với công dân Việt Nam đã ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc người nước ngoài đã ly hôn với công dân Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận về việc đã ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 27 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân
Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Ủy ban nhân dân cấp xã
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy chứng nhận kết hôn
Lệ phí (nếu có): Không
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
- Điều kiện kết hôn:
Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
+ Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
+ Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
+ Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
+ Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn
- Những trường hợp cấm kết hôn: Tham khảo bài “Các trường hợp cấm kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014”
Chú ý:
- Các văn bản bằng tiếng nước ngoài phải nộp bản chính, kèm bản dịch ra tiếng Việt có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.
- Văn bản được cấp từ cơ quan Đại diện ngoại giao của nước ngoài đang trú tại Việt Nam thì do Bộ Ngoại giao Việt Nam hoặc cơ quan Ngoại vụ được Bộ Ngoại giao Việt Nam ủy nhiệm hợp pháp hóa lãnh sự (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo qui định của pháp luật).
- Văn bản được cấp từ nước ngoài do cơ quan Lãnh sự Việt Nam tại nước đó hợp pháp hóa (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự).
- Trường hợp văn bản được cấp từ nước ngoài đã mang về Việt Nam nhưng chưa được hợp pháp hóa thì văn bản này phải thông qua cơ quan Ngoại giao của nước họ đang trú đóng tại Việt Nam xác nhận. Sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam hay cơ quan Ngoại vụ được Bộ Ngoại giao Việt Nam ủy nhiệm hợp pháp hóa (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại theo công văn 246-CV/NGLS ngày 31/05/2005 của Bộ Ngoại giao).
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]PCMG68bfFg[/mecloud]