(ĐSPL) - Bà H.T.D.H. - Chủ tịch HÐQT công ty CP đầu tư TH - là người được cho là có tin nhắn qua lại với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường để xin lại "phong bì mấy lần đưa cho" ông Trường.
Trao đổi với báo chí về quan điểm, hướng xử lý của Bộ GTVT đối với việc Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường bị cho là nhắn tin qua lại "chuyện tiền nong" với chủ doanh nghiệp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: "Bộ GTVT đã thành lập đoàn thanh tra để thanh tra việc đấu thầu vừa rồi - gói thầu RAI/CP1 thuộc dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư. Còn tin nhắn là chuyện cá nhân với cá nhân. Thứ trưởng Trường cũng báo cáo, không có chuyện đó nên Bộ không có ý kiến".
Bộ trưởng Đinh La Thăng (thứ ba từ trái sang), Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường (bìa phải) cùng lãnh đạo Hải Dương làm thủ tục phát lệnh khởi công hai cầu Tràng Thưa và Cống Neo. |
Thanh tra đột xuất
Việc thanh tra quy trình đấu thầu gói thầu RAI/CP1 nhằm làm rõ các thông tin đăng tải trên báo chí trước đó cho rằng, bút phê của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường vào đơn xin tham gia thực hiện các gói thầu thuộc dự án VRAMP do bà H.T.D.H. - Chủ tịch HÐQT công ty CP đầu tư TH - gửi ông Trường. Bà H. cũng là người được cho là có tin nhắn qua lại với ông Trường để xin lại "phong bì mấy lần đưa cho" ông Trường. Hiện thông tin về nội dung các tin nhắn và việc ông Trường có bút phê vào đơn của doanh nghiệp đã được hai tờ báo mạng đăng tải, bài viết được lưu trên mạng Internet khiến dư luận bàn tán.
Trao đổi với báo giới, ông Lê Thanh Hà - Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết: Mục đích việc quyết định thanh tra gói thầu RAI/CP1 nhằm kiểm tra việc tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật và tăng cường nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của Bộ. Ông Hà cũng cho biết thêm, thời gian thanh tra sẽ được tiến hành không quá 45 ngày theo quy định. Ngoài ra, Bộ trưởng Thăng cũng giao Chánh Thanh tra Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch thanh tra và giám sát hoạt động của đoàn thanh tra theo quy định.
Dự án VRAMP do Tổng cục Ðường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án 3 tổ chức quản lý điều hành. Tổng mức đầu tư dự án là 301,7 triệu USD, tương đương hơn 6.305 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng Thế giới tài trợ 250 triệu USD, Chính phủ Úc tài trợ không hoàn lại 1,7 triệu USD, còn lại vốn đối ứng của Việt Nam là 50 triệu USD. Dự án bao gồm bốn hợp phần gồm: Quản lý tài sản đường bộ, bảo trì tài sản đường bộ, nâng cấp tài sản đường bộ và tăng cường năng lực.
Gói thầu RAI/CP1 bị thanh tra đột xuất là gói thầu nâng cấp hai cầu Tràng Thưa và Cống Neo trên Quốc lộ 38B (địa phận huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) nhằm thay thế hai cầu cũ. Gói thầu nằm trong 15 gói thầu xây lắp của toàn bộ dự án VRAMP. Qua quá trình đấu thầu, nhà thầu trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần phát triển xây dựng & thương mại Thuận An và Công ty cổ phần Ðạt Phương.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện thì, gói thầu RAI/CP1 sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới nên phải tiến hành đấu thầu quốc tế theo quy định. Trước đây, cũng đã có đơn tố cáo nặc danh về kết quả đấu thầu dự án này và Tổng cục đã tiến hành kiểm tra. "Qua kiểm tra cho thấy, quy trình đấu thầu đúng theo các quy định; mỗi hồ sơ được chuyển cho cơ quan thuộc Ngân hàng Thế giới xét duyệt trong hai tháng. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc thanh tra để mọi việc được minh bạch", ông Huyện nói.
Về trường hợp của công ty CP đầu tư T.H của bà H., ông Huyện cho biết, doanh nghiệp này không đủ năng lực và không trực tiếp nộp đơn tham gia đấu thầu, mà chỉ là đơn vị môi giới dự án. Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, ở gói thầu RAI/CP1, bà H. nói rằng, sẽ đấu thầu bằng hồ sơ của một đơn vị có đủ năng lực, nhưng đơn vị mà bà này tham gia không trúng thầu vì bỏ giá cao.
Ngày 24/1, trao đổi với PV về quan điểm, hướng xử lý của Bộ GTVT đối với việc Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường bị cho là nhắn tin qua lại "chuyện tiền nong" với chủ doanh nghiệp, Bộ trưởng Ðinh La Thăng cho biết: "Bộ GTVT đã thành lập đoàn thanh tra để thanh tra việc đấu thầu vừa rồi - gói thầu RAI/CP1, dự án VRAMP. Còn chuyện tin nhắn là chuyện cá nhân với cá nhân, Thứ trưởng Trường cũng báo cáo không có chuyện đó nên Bộ không có ý kiến".
"Nhắn tin qua lại" không phải căn cứ xét thầu?
Bộ GTVT vừa có thông báo về việc trong tuần qua, một số báo điện tử đăng tải nội dung về bút phê của lãnh đạo Bộ này tại một số công văn đề nghị giải quyết công việc của các tổ chức, doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, theo Quy chế làm việc của Bộ GTVT, Quy chế văn thư của bộ GTVT và Quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc phân công nhiệm vụ lãnh đạo Bộ, sau khi nhận được các công văn của các tổ chức, doanh nghiệp gửi đến, Văn phòng bộ GTVT sẽ trình lãnh đạo Bộ xem xét, phê ý kiến giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị để tham mưu giải quyết. Ngoài ra, ngày 7/1/2015, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có văn bản số 239/BGTVT-CQLXD về việc quy định xử lý văn bản đề nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp theo đó quy định.
Một đại diện lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: "Bút phê của lãnh đạo Bộ chỉ là thông tin chuyển văn bản cho các cơ quan, đơn vị; tuyệt đối không phải là căn cứ để ưu tiên trong việc xét thầu, chỉ định thầu, lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn nhà thầu, đơn vị tư vấn... hoặc giải quyết các công việc liên quan khác. Thủ trưởng các đơn vị, theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải tham mưu, giải quyết công việc hết sức chặt chẽ theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về ý kiến tham mưu, quyết định của mình".
Thông tin về gói thầu nâng cấp cầu Tràng Thưa, Cống Neo Gói thầu nâng cấp cầu Tràng Thưa và cầu Cống Neo trên quốc lộ 38B thay thế cho hai cầu cũ hiện tại được xây dựng từ những năm 80 (của thế kỷ trước. Gói thầu hoàn thành sẽ giải quyết dứt điểm 2 nút thắt đang hạn chế toàn bộ năng lực khai thác trên đoạn tuyến Quốc lộ 38 nối giữa Hải Dương và Hưng Yên, qua đó kết nối đồng bộ với các tuyến quốc lộ huyết mạch phía Bắc như Quốc lộ 5, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 39 đi Thái Bình có tổng giá trị 300 tỉ đồng là một trong 16 gói thầu nằm trong dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) nhằm mục đích đầu tư, nâng cấp bảo trì cho 6 quốc lộ thuộc 13 tỉnh phía Bắc với chiều dài khoảng 400km. Tổng giá trị đầu tư của toàn dự án là 301,5 triệu USD, tương đương 6.305,5 tỉ đồng từ nguồn vay WB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án do công ty Egis International tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát là công ty SMEC International Pty Ltd, đơn vị thi công là liên danh công ty cổ phần Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An - công ty cổ phần Đạt Phương (liên danh Thuận An - Đạt Phương). Theo dự kiến, sau 18 tháng thi công, dự án sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 6/2016. |