Đó là câu hỏi mà Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trả lời liên quan tới công tác triển khai phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô thời gian vừa qua.
Tại cuộc họp báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng diễn ra vào chiều ngày 14/9 tại trụ sở Bộ Y tế, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến tuần 36 năm 2017, số ca sốt xuất huyết cộng dồn của toàn thành phố là 14.243 ca, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2016.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long (áo trắng) chủ trì cuộc họp |
Ghi nhận 18/24 quận, huyện, có số ca sốt xuất huyết được nhập viện tăng so với cùng kỳ; trong đó, huyện Cần Giờ tăng 154%; Quận 12 tăng 120%; huyện Hóc Môn tăng 83%; Quận Bình Tân tăng 64%. Thành phố ghi nhận 4 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh |
Diễn tiến số ca nhập viện hàng tuần tăng nhanh từ tuần thứ 19 đến tuần 26, sớm hơn những năm trước 4 tuần; tuy nhiên từ tuần 26 đến tuần 36, số ca hàng tuần không tăng, dao động ở mức từ 450 đến dưới 500 ca/tuần.
Thực hiện chế tài đối với các hành vi vi phạm chính trong lĩnh vực Y tế (Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ), cụ thể là hành vi ứ đọng nước làm phát sinh lăng quăng và muỗi có thể làm lây lan dịch bệnh (sốt xuất huyết, Zika và các dịch bệnh khác), sau khi đã cam kết thực hiện theo hướng dẫn của y tế địa phương mà vẫn không thực hiện; từ đầu năm đến hết tháng 8/2017, toàn thành phố Hồ Chí Minh có 164 quyết định xử phạt tại 13 quận, huyện. Trong đó, 3 quyết định của Quận 1; 6 quyết định của Quận 6; 1 quyết định của Quận 9; 6 quyết định của Quận 10; 13 quyết định của Quận 12; 14 quyết định của Quận Tân Bình, 7 quyết định của Quận Bình Thạnh, 9 quyết định của Quận Phú Nhuận, 13 quyết định của huyện Hóc Môn, 46 quyết định của Quận Thủ Đức, 9 quyết định của huyện Bình Chánh, 12 quyết định của Quận Tân Phú, 25 quyết định của quận Bình Tân. Riêng trong tháng 8, thành phố có 70 quyết định, trong đó có 54 quyết định nộp phạt.
Các quận, huyện của thành phố chưa triển khai xử phạt theo Nghị định 176 gồm: Quận 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 11, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ.
Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - PGS.TS. Phan Trọng Lân cũng chia sẻ thêm, ngay từ đầu năm, Thành phố đã giám sát tốt các vùng dịch nguy cơ nên công tác phòng dịch cũng như chống dịch khá chủ động. So với các địa bàn khác, sốt xuất huyết của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông đã có sự chững lại.
Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - PGS.TS. Phan Trọng Lân phát biểu tại cuộc họp |
Liên quan tới nội dung này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Nghị định 176 – về cơ bản là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức đối với phòng chống dịch. Vậy tại sao Hà Nội là không thực hiện theo Nghị định này?
Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, năm nay, Hà Nội cũng khá quyết liệt trong vấn đề xử phạt vi phạm liên quan tới phòng chống dịch. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, đã có 13 cơ sở trên địa bàn (thuộc các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông) bị xử phạt, tổng số tiền vi phạm là 16.500.000 đồng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - ông Hoàng Đức Hạnh |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, đồng ý là có xử phạt nhưng mức xử phạt chưa cao, chưa có tính răn đe. Ở đây, cần nhấn mạnh tới trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với dịch bệnh nói chung chứ không phải xem đây chỉ là trách nhiệm riêng của ngành y tế.
Theo thống kê, từ đầu năm đến ngày 13/9, cả nước ghi nhận 124.986 trường hợp mắcsốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong. Trong đó, số trường hợp nhập viện là 105.304 trường hợp, tăng 43,9% so với cùng kỳ năm 2016 (73.158/19).
Hiện tại, khu vực miền Bắc vẫn có 662 ổ dịch đang hoạt động. Đây cũng là vùng duy nhất trên cả nước lưu hành cả 4 type huyết thanh. Trong đó, Hà Nội là thành phố có số trường hợp tử vong cao nhất (7 người).
Thông tin từ ông Hoàng Đức Hạnh, ghi nhận các quận, huyện, số bệnh nhân có xu hướng giảm như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, Ba Đình, Thanh Oai, Long Biên, Tây Hồ. Một số tăng nhưng tăng không nhiều, gồm Thường Tín, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên.
Các dịch khác không có gì diễn biến đặc biệt. Riêng bệnh tay chân miệng thì tính đến ngày 14/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 172 trường hợp nhưng về cơ bản đã được xử lý, không có vấn đề gì đặc biệt nghiêm trọng.
“Hàng tuần, Hà Nội đều tổ chức giao lưu trực tuyến và chỉ đạo các xã, phường thực hiện các yêu cầu phòng dịch. Các đoàn của Hà Nội vẫn tiếp tục đi kiểm tra. Bên cạnh đó, vẫn có sự kiểm tra, giám sát của các đoàn trung ương, kiểm tra và tư vấn về phòng dịch, xử lý, đối phó với dịch trên địa bàn” – ông Hạnh cho hay.