(ĐSPL) - Năm 2016 khép lại với nhiều thành công cho thị trường bất động sản Việt Nam. Tiếp đà phát triển ấy các chuyên gia kỳ vọng năm mới Đinh Dậu 2017 sẽ có thêm nhiều khởi sắc.
Để có một bức tranh toàn cảnh và rõ nét nhất về thị trường năm qua cũng như những dự đoán đánh giá cho năm mới, đặc biệt vấn đề nguồn vốn cho đầu tư phát triển nhà ở xã hội là chủ đề luôn nóng, PV đã có cuộc phỏng vấn Ông Đỗ Đức Duy- Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Ông Đỗ Đức Duy- Thứ trưởng Bộ Xây dựng. |
Ông đánh giá như thế nào việc các doanh nghiệp (DN) tiên phong xây dựng nhà ở xã hội cho người dân trong khi nguồn vốn cho nhà ở xã hội không còn?
Chúng tôi rất mừng vì hiện nay có nhiều DN chuyển mạnh sang xây dựng nhà ở xã hội cho người dân, điển hình như Tổng công ty veglacera, Công ty P.H, Công ty thương mại Thủ đô, Công ty đĩa ốc Hoàng Quân. Đây là xu thế đáng mừng.
Với những chính sách hỗ trợ của nhà nước như miễn giảm tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT đầu ra, cho vay tín dụng ưu đãi như thời gian vừa qua, được quy định cụ thể trong Luật nhà ở tại nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Nếu như DN có một chiến lược kinh doanh tốt thì hoàn toàn có thể thành công trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội.
Trong giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản 2011 – 2013 thì chính nhiều DN chuyển hướng sang phát triển nhà ở xã hội là một giải pháp giúp cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh và phát triển.
Cũng chính vì có sự thành công như vậy cho nên đến nay có nhiều DN tham gia phát triển nhà ở xã hội, chúng tôi đánh giá cao các dn này.
Như tôi đã nói nếu dn có một chiến lược đầu tư đúng đắn, với giải pháp về thi công, công nghệ, sử dụng các vật liệu hợp lý thì vẫn đảm bảo chất lượng. Có những giải pháp tối ưu trong thiết kế để rút ngắn thời gian thi công, tăng tiện ích sử dụng thì DN có thể hoàn toàn thành công trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội như các doanh nghiệp khác đầu tư xây dựng ở cá phân khúc khác.
Hiện tại nguồn vốn cho nhà ở xã hội đã hết, trong thời gian sắp tới sẽ huy động từ đâu?Liệu có nguồn vốn ổn định cho thị trường, thưa ông?
Hiện nay thì quy định về luật nhà ở tại nghị định 100 đã xác định rõ các loại nguồn vốn cho đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó quan trọng nhất là nguồn vốn tín dụng ưu đãi do ngân hàng chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại được ngân hàng nhà nước chỉ định tham gia cho vay ưu đãi đối với các chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội cũng như đối với người dân mua nhà ở xã hội.
Trên thực tế chính sách quy định cũng đã đầy đủ và thủ tướng chính phủ trong tháng 5/2016 cũng ban hành quyết định quy định mức lãi suất ưu đãi cho vay đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội là 4,8%/năm. Như vậy có thể nói về mặt chính sách và quy định đã đầy đủ.
Tuy nhiên thời gian vừa qua do khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công cho nên sau khi gói 30 nghìn tỷ đồng kết thúc hỗ trợ nhà ở xã hội theo nghị quyết 02 thì chúng ta sẽ triển khai tiếp các gói tín dụng ưu đãi như đã nêu trên. Mặc dù vậy thời gian vừa qua do khó khăn về nguồn vốn nên trên thực tế chưa triển khai được.
Mới đây nhất trong hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội thì thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt việc này, Bộ xây dựng với vai trò là Bộ tham mưu thiết kế chính sách, phối hợp rất tích cực với Bộ kế hoạch đầu tư, bộ tài chính, ngân hàng nhà nước để sớm nghiên cứu thu xếp nguồn vốn này để có thể triển khai từ đầu năm 2017, sau khi gói 30 nghìn tỷ kết thúc vào ngày 31/12/2016
Tôi cho rằng nếu như chúng ta triển khai được nguồn vốn này thì chắc chắn các dự án nhà ở xã hội sẽ được triển khai rộng khắp hơn nữa ở các đô thị.
Bộ xây dựng đã có nhiều văn bản kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các bộ ngành có liên quan sớm cân đối thu xếp nguồn vốn. Thủ tướng chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt, Chính phủ cũng đã có những nghị quyết qua các phiên họp thường kỳ giao nhiệm vụ này cho Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ ngành để sớm thu xếp triển khai được nguồn vốn tín dụng ưu đãi này giúp cho nhà ở xã hội .
Hiện nay đang có có sự cạnh tranh khốc liệt trong các DN xây nhà giá rẻ, đặc biệt thời gian gần đây có một số "ông lớn" cũng nhảy vào đầu tư phân khúc này, ông đánh giá như thế nào về tác động của hiện tượng này đến thị trường BĐS?
Nếu như có một thị trường cạnh tranh trong phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ thì đấy là một tín hiệu đáng mừng.
Có nghĩa là rất nhiều DN đã nhận thấy rằng việc ưu tiên phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ là một trong những lựa chọn giúp cho sự phát triển ổn định và bền vững của chính DN.
Càng có nhiều DN tham gia thì càng có sự cạnh tranh và người dân càng được hưởng lợi. Bởi chính lúc đó DN phải tìm mọi cách để nâng cao chất lượng và giảm giá thành, cùng với đó cung cấp các dịch vụ tốt nhất để cho cộng đồng dân cư được hưởng lợi.
Cuối cùng một mặt giúp thị trường phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững hơn mặt khác người nghèo, người thu nhập thấp càng được hưởng lợi từ chính sự cạnh tranh lành mạnh này của các doanh nghiệp.
Ông có nhận định, đánh giá gì về thị trường bất động sản trong năm 2017?
Năm 2017 thị trường BĐS sẽ vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định, tuy nhiên xuất hiện biểu hiện lệch pha cung cầu, trong đó đã có biểu hiện dư cung BĐS nhà ở phân khúc trung cấp và cao cấp trong khi đó nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ đang thiếu rất nhiều. Nó cũng bị tác động một phần bởi việc thiếu nguồn vốn như trong thời gian vừa qua.
Chính vì thế Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu chính phủ và Thủ tướng chính phủ cũng đã có chỉ đạo sắp tới đây Bộ xây dựng với các Bộ ngành liên quan sẽ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra và kiếm soát đối với phân khúc bất động sản trung cấp và cao cấp đồng thời đẩy mạnh hơn nữa các chính sách đòng thời hỗ trợ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ để giải quyết lệch pha cũng cầu giúp cho thị trường phát triển ổn định lành mạnh.
Xin cảm ơn ông!