(ĐSPL) - Từ ngày 1/8, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường sẽ bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng.
Mới đấy, trên mạng xã hội chia sẻ một đoạn clip dài 1 phút 15 giây ghi lại hình ảnh tài xế dùng chân điều khiển xe ô tô vi vu trên đường.
Những hình ảnh từ clip cho thấy, người này điều khiển vô-lăng ô tô bằng một chân khá thuần thục với các thao tác như xoay vô lăng sang đường, xi nhan, bấm còi... dù ngoài trời đang mưa.
Xem xét trên khía cạnh pháp lý thì hành vi điều khiển ô tô bằng chân của người này sẽ bị xử lý thế nào?
[mecloud]m33FrFCuol[/mecloud]
Theo đó, những người điều khiển ô tô phải trải qua nhiều lớp về kiến thức pháp luật, sát hạch để có giấy phép lái xe. Hành vi dùng chân lái xe như “làm xiếc” trên đường là không thể chấp nhận được và đáng bị lên án.
Hành vi điều khiển xe ô tô bằng chân là hành vi nguy hiểm, đặc biệt là lái xe trên đường quốc lộ hoặc đường đô thị, những nơi có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông.
Giả sử khi tài xế điều khiển ô tô bằng chân không may xe đi vào đoạn mặt đường xấu, ổ gà sâu dẫn tới mất thăng bằng hoặc gặp chướng ngại vật trên đường… dẫn đến mất lái thì nguy cơ gây tai nạn là rất cao. Mà hậu quả tai nạn thì không thể lường trước.
Hành vi điều khiển ô tô chưa có chế tài xử phạt nhưng với hành vi tương tự, nếu là người điều khiển xe máy có thể bị xử phạt từ 5-7 triệu. Đối với trường hợp không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra của cảnh sát hoặc gây tai nạn có thể bị phạt từ 12-14 triệu đồng.
Từ ngày 1/8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thì hành vi dùng chân để điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng.
Nghị định mới cũng tăng mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Theo nghị định số 171/2013/NĐ-CP thì hành vi vi phạm này chỉ bị phạt từ 8-10 triệu đồng.
Nghị định cũng tăng mức phạt đối với nhóm người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Cụ thể, người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng (mức phạt tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP là 60.000 - 80.000 đồng).
Trường hợp người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ; chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật cũng bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.