Mới đây, trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã gửi công văn tới các khách sạn tại Đà Nẵng để thu phí tác quyền âm nhạc từ các dịch vụ như tivi, các quán bar, nhạc sống… có sinh lợi nhuận kinh doanh. Sự việc này đã nhận được những ý kiến phản hồi trái chiều. Vậy, cụ thể việc này thế nào và người trong cuộc phản ứng gì về vấn đề này?
Việc làm áp đặt với các khách sạn?
Ngày 25/5, cục Bản quyền tác giả (bộ VH,TT&DL), trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thông tin đến báo chí về vấn đề thu phí tại các khách sạn ở Đà Nẵng có sử dụng âm nhạc, với mức phí đưa ra là 25.000 đồng/phòng/năm đối với phòng ngủ/phòng khách có sử dụng tivi.
Tại cuộc gặp gỡ này, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC chia sẻ, khách sạn nào cũng có tivi và chắc chắn có nhiều chương trình ca nhạc, sử dụng âm nhạc trên truyền hình nên việc thu tác quyền là đương nhiên. Theo đó, gần 10 năm nay, đơn vị này đã thu tiền sử dụng âm nhạc tại các khách sạn ở các địa phương như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Khánh Hòa,... VCPMC chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước bộ VH,TT&DL và với cơ quan quản lý cấp 1 là hội Nhạc sĩ Việt Nam để tiến hành việc thu tác quyền này.
Ông Phó Đức Phương – Giám đốc trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). |
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, việc thu tiền tác quyền được thực hiện theo đúng luật Sở hữu trí tuệ và Công ước Bern tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam với các khách sạn 4-5 sao. Phía VCPMC cho biết, vào năm 2016 vừa qua, văn phòng VCPMC khu vực phía Nam đã đạt gần 3 tỷ đồng. Tại Đà Nẵng, do mới thực hiện nên một số chủ cơ sở kinh doanh chưa hiểu đúng về Luật. Bởi, trong khoản thu đó, tiền thu tính theo đầu tivi/phòng tại khách sạn rất nhỏ mà chủ yếu là thu tiền tác quyền từ biểu diễn âm nhạc, quán bar, phòng karaoke,... chứ không phải là chỉ thu trên đầu tivi như báo chí đã phản ánh.
Để rộng đường dư luận, PV đã đi khảo sát một số khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng để xem người trong cuộc phản ứng thế nào về việc thu phí tác quyền trên. Ông Lưu Văn Cam (Chủ khách sạn Orange, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cho biết: “Tôi ủng hộ việc thu tác quyền âm nhạc, vì sử dụng sản phẩm của người khác kinh doanh thì phải chấp nhận trả tiền. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách thu như thế nào là hợp lý để các chủ khách sạn hoan hỉ khi nộp tiền, chứ không phải chỉ dựa vào các văn bản rồi thực hiện việc thu, trong khi những người hoạt động kinh doanh khách sạn vẫn chưa hiểu sự việc như thế nào.
Chẳng hạn, tại khách sạn Orange có rất nhiều phòng, nếu muốn thu thì phải định lượng khoảng thời gian sử dụng bao lâu để thu phí, chứ không thể đánh đồng mỗi tivi 25.000 đồng. Chẳng hạn, trong một năm, có những tivi, khách lẫn chủ khách sạn chỉ mở xem phim, hoặc các chương trình khác chứ không xem chương trình ca nhạc, nếu vẫn yêu cầu nộp tiền thì rất vô lý. Doanh nghiệp cũng có danh dự. Nếu yêu cầu nộp thì phải giải thích rõ, đưa ra cách thu hợp lý chứ không thể xem họ là con nợ và ép buộc”.
Trong khi đó, ông Phạm Việt Cương (Giám đốc khách sạn Sea Phoenix –Đà Nẵng) chia sẻ, nếu trước khi đưa ra quy định, trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có một buổi họp, gặp gỡ để đối thoại với chủ các khách sạn thì lúc đó, cả hai bên sẽ thống nhất, có tiếng nói chung về cách thu, mức giá thu sẽ tốt hơn. Hiện tại, phía khách sạn chỉ nhận được công văn yêu cầu thu phí tác quyền âm nhạc. Đây là một cách áp đặt, chắc chắn sẽ gây phản ứng của chủ các khách sạn. Bên cạnh đó, việc yêu cầu mỗi phòng ngủ, phòng khách có sử dụng tivi phải nộp 25.000 đồng là vô lý, không có cơ sở.
VCPMC cần thay đổi phương thức làm việc Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng cục Bản quyền tác giả cho biết: “Việc VCPMC thu tác quyền âm nhạc là phù hợp với quy định của luật pháp Việt Nam, luật Sở hữu trí tuệ và Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, VCPMC cần thay đổi phương thức làm việc, cần đàm phán để đạt được đồng thuận với đối tác kinh doanh sử dụng tác phẩm âm nhạc. Trong trường hợp không thỏa thuận được mới nhờ tới sự can thiệp của luật pháp”. |
“Khách sạn không nên lu loa trên báo chí”
Giám đốc VCPMC cho biết: “Tại Đà Nẵng, chúng tôi cũng thu tiền tác quyền được một vài năm nay. Tôi chưa đọc kỹ những thắc mắc của các khách sạn ở Đà Nẵng, nhưng đó là chuyện bình thường. Khi pháp luật được triển khai chúng tôi sẽ thường xuyên phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước để giải thích. Hơn nữa, khách sạn nào chưa hiểu thì phải tìm hiểu luật chứ không nên lu loa, làm ầm ĩ trên báo chí, đó là sự thiếu hiểu biết pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ”.
Bà Nguyễn Thị Hải (Giám đốc điều hành khách sạn King’s Finger – Đà Nẵng) cũng không đồng tình với việc thu mỗi tivi 25.000 đồng. Bà cho rằng: “Các khách sạn đều đã có hợp đồng, làm việc với các kênh truyền hình. Mỗi năm, các khách sạn đã mất số tiền không nhỏ để mua chương trình truyền hình. Như vậy, nếu thu phí tác quyền âm nhạc thì họ phải làm việc với đài truyền hình chứ không thể để người sử dụng phải “cõng” cùng lúc hai phí về một dịch vụ”.
Trước câu hỏi, các chương trình âm nhạc đã trả tiền bản quyền, hoặc người sử dụng đã trả tiền cho các kênh như truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số..., tại sao người xem lại phải trả tiền lần nữa, phải chăng đây là một sự chồng chéo khiến người dân bị rơi vào cảnh phí chồng phí? Ông Phó Đức Phương cho biết, phía VCPMC chỉ thu tiền bản quyền ở những khu vực kinh doanh có phát sinh lợi nhuận, chứ không phải là tivi của người dân. Những quyền thu này đều được ghi trong luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Công ước Bern, không phải là phí chồng phí, không phải là quyền này giẫm chân quyền khác.
Thu phí dựa vào sự trung thực của khách sạn, liệu có khả thi? Ông Nguyễn Hoàng Giang – Giám đốc khu vực phía Bắc của VCPMC thừa nhận, việc chia tiền cho các tác giả âm nhạc đang khó khăn và cảm tính, bởi khó bóc tách chính xác số bài hát và số lần sử dụng. Việc thu phí tác quyền 25.000 đồng/năm/tivi vẫn nhờ chủ khách sạn đưa ra danh sách bài hát sử dụng thường xuyên và khách sạn đưa ra số lượng phòng để thu, vì thế, việc thu phí này vẫn còn dựa vào sự trung thực của khách sạn. |
Bà Dương Thị Thơ (Phó Chủ tịch hội Khách sạn Đà Nẵng) chia sẻ với PV: “Cách đây vài năm, trong một cuộc họp, phía trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có nói chung chung về việc sẽ có văn bản thu phí tác quyền âm nhạc đối với khách sạn. Tuy nhiên, sau đó, không nghe ai đả động gì đến việc này. Bất ngờ, thời gian gần đây, nhiều khách sạn nhận được công văn về việc thực hiện quyền tác giả âm nhạc. Các doanh nghiệp thấy đúng thì sẽ chấp hành, nếu thấy chưa đúng họ có quyền phản ứng. Trong trường hợp, họ đã được giải thích rõ ràng, không thấy điều gì “lấn cấn” thì sẽ vui vẻ nộp tiền”.
Theo bà Thơ, nói riêng lẻ mỗi tivi 25.000 đồng thì không nhiều, nhưng xem xét trên diện rộng thì tổng số tiền thu được không phải là nhỏ. Đồng thời, thu tiền tác quyền âm nhạc thì chắc chắn, các khách sạn sẽ tăng giá để bù khoản chi này và người lưu trú sẽ phải chịu mức giá cao hơn.
Bản quyền ở Việt Nam còn rất nhiều lỗ hổng Chia sẻ với PV, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cảm thấy bất ngờ và không nắm được thông tin thu phí âm nhạc tại khách sạn, anh chia sẻ: “Tôi không nắm được thông tin sử dụng âm nhạc khi bật qua tivi phải nộp phí. Còn việc thu phí bản quyền, tôi cho rằng, bản quyền ở Việt Nam còn rất nhiều lỗ hổng, chưa giải quyết được mà lại bôi ra chuyện thu phí ở khách sạn tôi thấy hơi mông lung. Tôi băn khoăn việc thu phí này ai có thể quản lý và dùng phần mềm kỹ thuật thế nào để kiểm soát? Tôi có ký với trung tâm VCPMC, nhưng không rà soát bao giờ. Cứ hàng quý bên VCPMC chuyển khoản cho tôi, nhưng cụ thể chi tiết thế nào thì tôi không nắm được”. |