Làm sao hung thủ có thể chở nạn nhân bằng xe máy đi qua được một nhánh suối rộng 20 mét đầy nước đến vườn mít để hiếp dâm? Làm sao một điều tra viên có thể tiên tri được đường đi của hung thủ trước khi hung thủ khai nhận đã đi đường nào? Những chuyện không tưởng như vậy mà lại bị xem như có thật trong vụ án vườn mít kỳ quái này.
Bị cáo Lê Bá Mai. |
Điều tra viên biết trước hướng đi của hung thủ?
Dù thời gian xảy ra vụ án đã 10 năm nhưng để dựng lại hiện trường vụ án vườn mít ở Bình Phước không khó. Chúng tôi đã thử dựng lại toàn cảnh hiện trường dựa trên cơ sở sơ đồ hiện trường do cán bộ điều tra vẽ lại, lời khai của bị cáo cũng như các nhân chứng, các lần thực nghiệm điều tra, sơ đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2004 của trang trại ông Dương Bá Tuân, nơi có vườn mít, hiện trường vụ án mạng. Một lần nữa chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi phát hiện điều tra viên đã “giúp” hung thủ đã lái xe máy chở nạn nhân bay qua nhánh con suối Lạnh rộng khoảng 20m một cách thần kỳ.
Bút lục 26 lập vào lúc 8h sáng ngày 17/11/2004 về sơ đồ hiện trường, chứng cứ cực kỳ quan trọng của vụ án, nhưng sơ đồ này có điểm sai thực tế là đã vẽ hướng đi của hung thủ đã hiếp dâm, giết chết cháu Thị Út, trong khi tất cả lời khai của các nhân chứng, cho đến sáng ngày 17/11/2004 không ai biết hướng đi của hung thủ.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đi thực địa hiện trường vụ án vườn mít lần thứ hai ngày 25/8/2014. |
Trong ngày bị tạm giữ đầu tiên 16/11/2004, Lê Bá Mai khai mình không biết gì đến vụ án mạng và không phải là hung thủ giết cháu Út. Vậy làm thế nào mà điều tra viên Nguyễn Hữu Huấn lại biết rõ hướng đi của hung thủ để nói cho kỹ thuật viên vẽ sơ đồ hiện trường “hướng xe thủ phạm đi”? Không lẽ ông Huấn có thuật tiên tri để biết được sau này Mai sẽ khai báo hướng chạy xe chở nạn nhân vô vườn mít để gây án theo hướng vẽ trong sơ đồ hiện trường này? Điều này không thể xảy ra được.
Theo sơ đồ hiện trường (bút lục 26) hung thủ chở cháu Út bằng xe máy chạy qua khỏi khu mót củ sắn, đến cầu ván bắc qua mương nước thì chạy thẳng tới khu trồng tràm, rồi chạy xe theo hướng cong về phía khu vườn mít (đối chiếu với sơ đồ hiện trạng sử dụng đất của ông Tuân thì chỗ này thuộc thửa số 4, trồng mít). Nhìn trên bút lục 26 thì đường đi trông có vẻ hợp lý. Nhưng đối chiếu với sơ đồ hiện trạng sử dụng đất của ông Tuân thì nó khác xa một trời một vực vì giữa khu trồng tràm với vườn mít thuộc thửa số 4 có một nhánh của con suối Lạnh khá lớn.
Từ bờ bên này qua tới bờ bên kia khoảng hơn 20m. Thời gian xảy ra vụ án là vào mùa mưa, trước ngày xảy ra án mạng, mưa liền mấy đêm, nước trong suối khá sâu. Muốn từ khu trồng tràm sang thửa số 4 chỉ có cách… bay cả xe và người qua mà thôi, một chuyện không tưởng và không thể nào hung thủ có thể làm được.
Nhớ chuyện bé như con kiến, nhưng quên chuyện lớn bằng… con voi
Trong các bút lục từ 85 đến 103 từ ngày 17/11/2004 – 19/11/2005, Mai có khai Mai “điều khiển xe máy chở cháu Út đi vào hướng vườn mít có trồng xen cây khoai mì cao khoảng 1,5m” chứ không nói rõ về hướng đi.
Sau khi hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ nhất bị hủy để điều tra lại, sau thời gian rất dài với nhiều bản lấy lời khai Mai kêu oan, ngày 26/11/2008, bằng bản tự khai do phạm nhân tự giác Đào Quốc Bảo bị giam cùng trại giam với Mai viết thay, Mai nhận tội. Lần này, Mai khai: “Chạy xe đến chỗ suối chảy ngang qua đường có ván bắc qua, rẽ trái chở Út về hướng vườn mít” (trích bản án sơ thẩm lần thứ hai, trang 8).
Nhánh suối Lạnh gần vườn mít, nơi phát hiện thi thể nạn nhân. |
Trong bút lục 414 ngày 8/4/2008, cơ quan điều tra đã “vẽ” lại hướng đi của hung thủ theo lối này. Đối chiếu với sơ đồ hiện trạng sử dụng đất của ông Tuân năm 2004, đường đi này hoàn toàn không vướng nhánh của suối lạnh và có thể qua được vườn mít, nhưng vườn mít này lại ở thửa số 5 chứ không phải thửa số 4, nơi xác nạn nhân được tìm thấy. Mặt khác, nếu chạy xe theo hướng này, Mai sẽ càng dễ dàng bị những nhân công đang trồng mì cạnh đường trông thấy hơn là chạy thẳng.
Vậy điều gì khiến cho Lê Bá Mai, người bị cơ quan tố tụng coi là hung thủ, không nhớ được chính xác đường đi của mình? Trong lời khai nhận tội tại các bút lục từ 85 đến 103 từ ngày 17/11/2004 đến ngày 19.11.2005, Mai khai rất rõ: “Thấy Út mặc áo thun ngắn tay màu xanh đen, quần trắng xám đã cũ dạng quần lửng, đầu đội nón vải đỏ, đi đôi dép xanh dạng dép xốp, ngón tay giữa đeo nhẫn (không nhớ tay nào), đeo bông tai hình tròn, cổ đeo vòng bạc, tay phải cầm 1 lưỡi xà bấc, tay trái cầm củ sắn” (trích bản án sơ thẩm lần thứ hai, trang 3)? Liệu một người có thể nhớ rõ gần như… kết quả khám nghiệm tử thi và khám nghiệm hiện trường như vậy có thể quên hoặc nhầm lẫn hướng chạy xe của mình vào vườn mít hay không? Liệu có hay không một sự sắp đặt, mớm cung, dụ cung để lắp ráp các sự kiện, các lời khai lại nhằm đổ hết tội cho Lê Bá Mai?.
Vì sao chỉ có một đứa trẻ thấy hung thủ chở nạn nhân đi? Toàn bộ trang trại của ông Dương Bá Tuân rộng tới 99,6 hecta gồm khu trồng mít (hai thửa số 4 và số 5), ruộng, khu trồng tràm, đất cho thuê trồng củ sắn, khoai mì… Theo bút lục 26, bên phải hướng hung thủ chạy xe máy đi qua là khu đất trồng củ sắn mới thu hoạch xong, nơi hai cháu Út và Hằng đang mót củ sắn. Phía bên kia đường đối diện khu mót củ sắn là thửa đất trống mà ông Võ Văn Dùm và ông Bạch Văn Hừng thuê của ông Dương Bá Tuân để trồng khoai mì. Bản án phúc thẩm lần thứ ba do Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại TP.HCM xử ngày 30/8/2013 xác định sự việc xảy ra như sau: Vào khoảng 6h ngày 12/11/2004, Mai cùng với Nguyễn Văn Trong (Tư Trong), Đỗ Thanh Trường (E) đi rải phân và cày đất cho anh Bạch Văn Hừng, anh Võ Văn Dùm cách chòi Mai ở khoảng 300m. Khi đi, Trường lái máy cày, còn Mai cầm thúng đi rải phân tại khu trồng mì. “Trong khi đang rải phân, Mai nhìn thấy hai cháu gái (không biết tên, vào khoảng 11-12 tuổi) đang mót củ sắn cách chỗ Mai làm khoảng 50m”, bản án viết. Nghĩa là người đứng ở khu trồng mì hoàn toàn có thể nhìn thấy khá rõ sang khu mót củ sắn.
Theo bản án phúc thẩm lần thứ ba, “đến khoảng 9 giờ, Mai và Trong rải phân xong nên mang dụng cụ rải phân trở về chòi, còn Trường ở lại tiếp tục cày đất. Khi về đến chòi, Trong nấu cơm, còn Mai lấy xe Honda Cup 86, biển số 53SB - 4457 đi đến chỗ hai cháu gái mà Mai nhìn thấy khi đi rải phân”. Sau đó, Mai dụ dỗ chở cháu Út đi, cháu Út còn bảo cháu Hằng trông xe đạp bằng tiếng dân tộc Stiêng. Nhưng trong bút lục 376, chị Trần Thị Hường làm quản công trồng khoai mì cho ông Hừng và ông Dùm, khai thường có từ 15 - 20 người trồng khoai mì mỗi ngày, người trồng mì phải làm việc từ 7h – 11h trưa mới nghỉ. Điều kỳ lạ là nếu có chuyện Lê Bá Mai chạy xe máy ngang chỗ mót củ sắn tức là cũng ngang khu đất trồng khoai mì, lại chỉ có cháu Hằng nhìn thấy Mai chở cháu Út đi mà những nhân công khác đang làm việc trên đồng phía đối diện với cháu Hằng sao không nhìn thấy? Với tiếng nổ máy xe, tiếng gọi của Mai, tiếng gọi của Út, không thể nào mười mấy người lớn ở khu trồng khoai mì lại không ai thấy, không ai nghe được, bởi vì như bản án đã viết “Trong khi đang rải phân, Mai nhìn thấy hai cháu gái (không biết tên, vào khoảng 11-12 tuổi) đang mót củ sắn cách chỗ Mai làm khoảng 50m” kia mà. |