(ĐSPL) - Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang thụt lùi so với Hàn quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan khoảng 20 năm, Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm.
Báo cáo tại Hội thảo “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035”, Tổng cục Thống kê cho biết như trên.
Theo báo cáo của cơ quan thống kê, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá nhưng quy mô kinh tế còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) luôn duy trình tăng trưởng khá, bình quân thời kỳ 1990-2014 đạt 6,9\% đưa Việt Nam từ một quốc gia thuộc nhóm các nước nghèo nhất thế giới trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2052 USD, gấp 21 lần mức bình quân năm 1990.
Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực, mức GDP hơn 186 tỷ USD đạt được năm 2014 vẫn còn nhỏ. GDP của Indonesia gấp 4,8 lần GDP của Việt Nam, Thái Lan gấp 2 lần, Malaysia gấp 1,8 lần, Singapore gấp 1,7 lần và Philippines gấp 1,5 lần.
Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang thụt lùi so với Hàn quốc khoảng 30-35 năm. |
Mặc dù đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình nhưng khoảng cách về GDP bình quân đầu người Việt Nam so với các nước trong khu vực còn lớn và nguy cơ bị nới rộng.
Từ năm 2008, Việt Nam đã chính thức trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 1.145 USD, đến năm 2014 tăng lên 2.052 USD. Tuy nhiên, với mức bình quân này, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1988, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982.
Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index – GCI) của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia, theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Về năng suất lao động, trong giai đoạn 1994-2013, năng suất lao động của Việt Nam tăng trung bình 4,87\%, là mức tăng cao nhất trong ASEAN. Tuy nhiên, ngoại trừ Brunei và Philippines, khoảng cách tuyệt đối tính bằng chênh lệch năng suất lao động của Việt Nam với hầu hết các nước ASEAN ở trình độ phát triển cao hơn lại gia tăng trong giai đoạn trên.
Với giả sử Việt Nam và một số nước vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình như trong giai đoạn 2007-2012 vừa qua thì phải đến năm 2018 Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan.
Tiến sĩ Võ Đại Lược cho hay tình hình kinh tế đang phức tạp, có điểm sáng, có điểm tối, nếu chỉ bàn đến giải pháp kinh tế thì không thể giải quyết được, chẳng hạn như vẫn giữ doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đạo thì không thể xử lý được những vấn đề tồn động tại khu vực này.
“Ở thời điểm hiện nay, muốn giải quyết thực sự vấn đề thì chuyện không phải là kinh tế mà phải chính trị, phải có sự đổi mới về tư duy quan điểm phát triển, từ đó đổi mới thể chế”, ông Lược nói.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển khẳng định để thể chế kinh tế tốt lên, phải cải cách chính trị, từ đó xây dựng xã hội hiện đại dựa trên ba nội dung: kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh Việt Nam không thể chần chừ cải cách kinh tế. “Nếu chần chừ, nguy cơ tụt hậu sẽ xa so với các nước trong khu vực”.
Vị chuyên gia nổi tiếng này thẳng thắn nói: "Chúng ta tự hào về tăng trưởng bình quân 7\% nhưng từ 2008 trở lại đây, tăng trưởng chỉ còn hơn 5\%. Nguy cơ tụt hậu của Việt Nam rất lớn nếu không thay đổi. Nếu GDP chỉ tăng khoảng 5\% thì đến năm 2035 mới bằng 75\% của Thái Lan hiện nay. Cho nên phải đạt tăng trưởng 7\% may ra mới đuổi kịp được Thái Lan".
“Do đó phải cách cách sâu và rộng cải cách thể chế để phát triển, không thể chần chừ, không có còn đường nào khác, không có đường lùi” – ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Dù vậy, nhắc đến nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Cung không khỏi băn khoăn.
Ông Nguyễn Đình Cung nói nhiều bộ rất ì, thậm chí không chịu làm. Cho nên sức ì của cải cách là rất lớn. Trong khi đó nhu cầu cải cách, áp lực cải cách còn rất lớn.
“Rõ ràng chúng ta đang đứng trước một mâu thuẫn lớn, vì vậy ta không thể chần chừ được nếu không đất nước tụt hậu. Đất nước tụt hậu trách nhiệm thuộc về ai?”, vị chuyên gia phát biểu mạnh mẽ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho rằng tuy kinh tế Việt Nam đang phát triển, nhưng có sự thật là năng lực cạnh tranh đang kém hơn các nước, gây nên mối nguy trong quá trình hội nhập mạnh mẽ. “Hội nhập là cạnh tranh, nếu không cạnh tranh được thì chúng ta thất bại”, ông Vinh phát biểu.
Ngọc Anh(Tổng hợp)
[mecloud]xSDEJHm5e6[/mecloud]