Ngày ấy, không gì có thể làm chúng tôi háo hức chờ mong hơn Tết Trung Thu. Lũ trẻ con nhà nghèo đã tưởng tượng và vòi vĩnh người lớn về mâm cỗ trông trăng, chiếc đèn, cái bánh trước cả tháng trời.
“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm…”
Nghe thấy những ca từ thân quen trong bài hát “Rước đèn tháng tám” rộn ràng vang lên từ… hệ thống loa đài của một số nhà sách, siêu thị, tôi biết Tết Trung Thu đang đến rất gần. Những con người “dương lịch”, làm việc theo giờ phối hợp quốc tế (UTC) như chúng tôi, muốn tra cứu các ngày lễ tết dân gian phải mở ứng dụng chuyển đổi ngày giờ trên điện thoại.
Dẫu có nhớ ngày thì niềm vui lớn lao dành cho Tết Trung Thu đã không còn nữa. Nó chỉ sáng rỡ trong phút giây rồi len lỏi vào tim tôi như một dòng suối mát lành, như mọi ký ức tuổi thơ khác…
Ngày ấy, bố mẹ tôi mới lập nghiệp. Căn gác trọ chật chội trên thành phố và công việc bận rộn là nguyên nhân bố mẹ gửi tôi cho bà ngoại chăm nom. Thế nên, tuổi thơ của tôi gắn liền với vòm trời biếc xanh như ngọc; với cánh đồng bất tận thơm mùi lúa chín; với bốn bề bờ bụi, cây cỏ, ao hồ và với những trò nghịch dại của đám trẻ quê.
Ngày ấy, không gì có thể làm chúng tôi háo hức chờ mong hơn Tết Trung Thu. Lũ trẻ nhà nghèo đã tưởng tượng và vòi vĩnh với người lớn về mâm cỗ trông trăng, về chiếc đèn, về cái bánh trước cả tháng trời.
Tới “ngày trọng đại”, tôi nôn nao chờ bà đi chợ về để lục làn (giỏ). Nếu được thỏa lòng mong ước, tôi sẽ cười híp mí, xông xáo quét tước, nhặt rau, rửa bát giúp bà. Ngược lại, mặt tôi sẽ ỉu xìu như bánh bao nhúng nước.
Có lần, tôi đòi mua lồng đèn cá chép nhưng chẳng hiểu sao bà lại mang về cho “ông giời con” một cái lồng đèn… bươm bướm. Tôi đâm ra bực bội, bà sai gì cũng kệ, đến bữa thì trèo lên giường trùm chăn kín đầu. Bà dỗ mãi không được, tét vào mông tôi mấy cái liên tiếp: “Đừng tưởng là bố mẹ mày không có ở đây nên bà không dám đánh mày nhé!”
Bà đánh không đau, nhưng tôi cứ dựa vào đấy mà gào rống lên: “Đúng rồi! Bố mẹ cháu không nuôi cháu nên bà mới đánh cháu! Mai cháu dọn quần áo đi cho bà vừa lòng!”
Thế là hai bà cháu lại ôm nhau khóc nức nở.
Về sau, chiếc đèn ấy được “chuyển nhượng” cho con bé Hoa nhà bên cạnh (bà cháu tôi khóc to quá nên bố mẹ nó nghe thấy). Đổi lại, tôi được toàn quyền sở hữu chiếc đèn ông sao của nó. Ít nhất thì, tôi sẽ không bị bọn con trai trong xóm trêu ghẹo vì “đèn con gái”.
Chập tối, lũ trẻ đã í ới gọi nhau ra sân đình xem múa sư tử. Đám rước mỗi lúc một dài hơn, sáng hơn. Tiếng trẻ con hát hòa lẫn cùng tiếng trống tùng dinh, vang vọng cả góc trời…
Tôi muốn một Trung Thu "con nhà nghèo". Ảnh minh họa: FB Trang Trần. |
Khuya, ai về nhà nấy. Tôi ngồi bên mâm cỗ trong sân nhìn theo ánh sáng phát ra từ những chiếc đèn xanh đỏ mãi cho tới khi chúng biến thành những đốm lửa bập bùng, lẩn khuất rồi chìm nghỉm trong màn đêm đen đặc.
Năm nào cũng vậy...
Rồi tuổi thơ tôi khép lại, bàng hoàng, đau đớn trong sự ra đi đột ngột của bà tôi.
Kể từ đó, tôi bắt đầu được trải nghiệm một Trung Thu rất khác:
Tôi thấy những chiếc đèn nhựa, chạy bằng pin có hình thù kỳ dị.
Tôi thấy những cặp mắt hờ hững trước mâm cỗ trông… trần nhà UBND phường.
Tôi thấy những người lớn mưu toan giấu phong bì trong từng hộp bánh nướng, bánh dẻo…
“Trung thu nay dành cho ai?” – lúc câu hỏi này tự bật ra, tôi và nhiều đứa trẻ khác đã bước qua tuổi thiếu nhi mất rồi…
Theo Người đưa tin