Biết em Nguyễn Đình Sinh có ý định nghỉ học đi làm thêm nuôi mẹ, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tìm mọi cách thuyết phục em tới trường.
Sau rất nhiều lần được nhà trường thuyết phục, em Nguyễn Đình Sinh đã quyết định đi học. Ảnh: Vietnamnet |
Mới đây, tại lễ nhập trường cho 6.000 tân sinh viên năm 2019, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã cấp học bổng 100% học phí 4 năm học cho 8 thí sinh thủ khoa các khối.
Trong 8 thí sinh xuất sắc này, nam sinh người Nghệ An có hoàn cảnh đặc biệt nhất và cũng dành được sự quan tâm đặc biệt nhất của nhà trường - đó là thí sinh Nguyễn Đình Sinh huyện Diễn Châu, Nghệ An có điểm xét tuyển vào trường cao nhất khối C ngành Du lịch với 26,25 điểm.
Chia sẻ với Dân Trí, ông Trần Ngọc Khánh, trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên cho biết: “Nhà trường đã liên hệ với Sinh để thông báo em là thí sinh có điểm cao nhất của trường thì Sinh trả lời: Em không có ý định đi học đại học mà sẽ tới Quảng Ninh để tìm việc làm thêm giúp đỡ mẹ và dì”.
Biết được hoàn cảnh của Sinh, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp đã quyết định ngoài việc cấp học bổng 100% học phí toàn khóa học, nhà trường thực hiện miễn phí ở Ký túc xá 4 năm học cho em. Đồng thời, bố trí việc làm thêm tại căng tin nhà trường cho Sinh có thêm thu nhập mỗi tháng.
Tuy nhiên, với điều kiện tốt nhất như vậy của nhà trường nhưng Sinh vẫn nhất quyết không đi học, bởi trước mắt em là người dì ruột độc thân đã nuôi em từ bé và người mẹ bị bệnh tiểu đường đang làm thuê tại Quảng Ninh.
Cảm phục trước tấm lòng hiếu thảo và năng lực học tốt của Sinh, lãnh đạo trường ĐH Công nghiệp quyết tâm “chinh phục” cậu nam sinh này.
“Sau nhiều ngày kiên trì thuyết phục và nhờ sự tác động của gia đình, phút cuối cùng theo quy định trong ngày nộp giấy xác nhận nhập học, Sinh mới ra bưu điện chuyển phát nhanh về trường. Lúc đó, chúng tôi vô cùng xúc động và thở phào vì không bỏ lỡ một nhân tài do điều kiện khó khăn mà không thể đi học” – ông Khánh chia sẻ.
Chia sẻ với Vietnamnet, Sinh cho biết bố mẹ ly hôn từ khi em còn nhỏ và hiện tại em ở với dì ruột. Mẹ đi làm xa ở Quảng Ninh, thu nhập hàng tháng được 3,5 triệu đồng, nhưng chi phí cho bệnh tiểu đường đã hết 2 triệu.
Chàng trai đã đến tuổi 18 không khỏi băn khoăn, nếu tiếp tục theo đuổi 4 năm đại học thì người dì và mẹ ốm đau sẽ lo lắng cho mình ra sao. Do vậy, phương án đầu tiên Sinh tính tới trước mắt là đi làm để có tiền ngay. Thi xong THPT quốc gia, Sinh đã ra ngay Quảng Ninh để làm thêm cho một nhà hàng; được trả 4 triệu đồng hàng tháng. Sinh tính toán dành 3 triệu cho mẹ và dì, còn 1 triệu chi tiêu cho cậu, tiền ăn ở thì không mất bởi đã được nhà hàng chi trả. Dù những người thân động viên đi học, nhưng cậu không thể đành lòng.
Trực tiếp nói chuyện với những người thầy đã trò chuyện và khích lệ mình đi tiếp con đường đại học tại lễ tựu trường, sau phút rụt rè bẽn lẽn ban đầu, Sinh tỏ ra vui vẻ và tự tin hơn hẳn.
Khi được hỏi sẽ khắc phục "điểm yếu" gì của bản thân để theo học một cách tốt nhất, Sinh chậm rãi nói: "Đó là ngôn ngữ. Em sẽ tập để nói rành mạch hơn, và đầu tư vào tiếng Anh". Và cũng khá giản dị, chàng trai hiếu thảo nói rằng muốn học tập thật tốt để ra trường có việc làm ổn định để nuôi 2 người phụ nữ quan trọng nhất đối với em là mẹ và dì. "Em thấy em hơn người khác là vì họ chỉ có một người mẹ còn em có tới hai người mẹ”. Sinh cũng không quên cám ơn nhà trường đã tạo điều kiện tốt nhất cho việc học của mình.
Thanh Tùng (T/h)