(ĐSPL) - "Tôi chỉ sợ thanh tra lại là những người "rút dây động rừng" để đối tượng thanh tra rút hết tài sản thì đến lúc xử xong chẳng còn làm được gì nữa, cùng lắm chỉ là phạt tù".
Đây là lo ngại của bà Lê Thị Thu Ba, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương về dự thảo Thông tư hướng dẫn việc phong tỏa tài khoản (PTTK) của đối tượng thanh tra.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có những đề xuất mới trong phòng chống tham nhũng nhằm hạn chế việc đối tượng tham nhũng đánh tháo tài sản, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Tỷ lệ nghịch đáng ngại
Phong tỏa tài sản ngay khi có dấu hiệu tham nhũng là một trong những biện pháp được cho là tối ưu, nhằm thu hồi tài sản thất thoát. Thế nhưng, tỷ lệ tiền, tài sản thu hồi thường rất thấp. Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố trước dư luận nhằm lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư hướng dẫn việc phong tỏa tài khoản (PTTK) của đối tượng thanh tra trên cổng thông tin điện tử TTCP. Điều này cho thấy, Chính phủ có sự quan tâm đặc biệt tới công tác phòng chống tham nhũng nói chung và ngày càng mạnh tay để vấn đề thu hồi tài sản bị đối tượng tham nhũng chiếm đoạt đạt hiệu quả cao nhất.
Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị tuyên án tử hình về tội tham ô tài sản. |
Theo đó, điểm mới được chú ý trong dự thảo là quy định trong quá trình thanh tra, trưởng đoàn thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng PTTK của đối tượng thanh tra mở tại tổ chức tín dụng đó, khi đủ căn cứ cho rằng, đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản.
Trong quá trình thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng PTTK của đối tượng thanh tra mở tại tổ chức tín dụng đó, khi có căn cứ cho rằng, đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản của thủ trưởng cơ quan thanh tra hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước. Khi nhận được yêu cầu PTTK của người có thẩm quyền, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi đối tượng thanh tra mở tài khoản có trách nhiệm kịp thời ra ngay quyết định PTTK.
Không khó để có sự so sánh mức chênh lệch quá lớn giữa tài sản tham nhũng và tài sản thu hồi. Những con số được đưa ra công bố trong hội thảo "Thu hồi tài sản tham nhũng - Thực trạng và giải pháp" của ban Nội chính Trung ương trước đó không lâu đã khiến nhiều người phải giật mình. Tại hội thảo, ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đưa số liệu ba năm từ 2010 - 2013, tổng giá trị tài sản bị tham nhũng hoặc gây thiệt hại do tham nhũng phát hiện được khoảng 17.150 tỉ đồng. Trong khi đó, giá trị tài sản thu hồi chỉ khoảng 4.950.655 tỉ đồng, đạt 28,8\%.
Cũng theo tài liệu tại hội thảo thì "vụ án Dương Chí Dũng" mới thu hồi được 2,8 tỉ đồng tiền mặt và kê biên 4 căn nhà giá trị khoảng 30 tỉ đồng (trên tổng số gần 370 tỉ đồng gây thiệt hại cho Nhà nước). "Vụ án Nguyễn Đức Kiên" (tức "bầu Kiên"), cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ số tiền 264 tỉ đồng, kê biên ba bất động sản và yêu cầu phong tỏa, quản lý toàn bộ số cổ phiếu, cổ phần do Nguyễn Đức Kiên và người thân sở hữu tại ngân hàng ACB. Số tiền này cũng là quá nhỏ so với tổng số 1.400 tỉ đồng mà ông bầu này và đồng bọn đã gây thất thoát cho Nhà nước.
Một trong những thước đo hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng được biết đến chính là việc thu hồi tài sản tham nhũng về cho Nhà nước, cho xã hội. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương đã khẳng định: "Nếu không làm tốt việc thu hồi tài sản tham nhũng thì chống tham nhũng mới thành công được một nửa".
Phiên tòa xét xử "vụ án bầu Kiên" gây thất thoát 1.400 tỉ đồng của Nhà nước. Ảnh: T.L |
Làm gì để tránh "đánh tháo tài sản"?
Trao đổi với PV Báo Đời sống và Pháp luật, bà Lê Thị Thu Ba, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương cho rằng: Nội dung dự thảo Thông tư rất đáng được hoan nghênh, vì trước mắt, nó góp phần tăng hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng hiện nay. Trong quá trình thanh tra, PTTK sẽ giữ cho đối tượng thanh tra không có cơ hội tẩu tán tài sản.
Trên thực tế, con số thu hồi tài sản thất thoát khá khiêm tốn. Nguyên nhân là do trong quá trình điều tra, thanh tra, chúng ta chưa giữ được triệt để dẫn đến hiện tượng đánh tháo tài sản. Đến khi cơ quan chức năng xét xử xong, thành án tham nhũng gây thất thoát thì lúc này, đối tượng thanh tra đã không còn tài sản giá trị để thu hồi, hoặc là còn rất ít.
Hiện nay, vấn đề gây bất cập là khi một số đối tượng thanh tra có rất nhiều tài khoản đứng tên người khác. Bà Thu Ba cho rằng, có thể có rất nhiều biện pháp để chứng minh tài sản đứng tên người khác đó là của đối tượng thanh tra. "Tuy nhiên, điều này có làm được và làm tốt hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào sự công minh và quyết tâm của cơ quan thanh tra nói chung và người ra quyết định thanh tra nói riêng". Một khi đưa ra quyết định PTTK, nghĩa là phía cơ quan thanh tra đã có đủ bằng chứng về sai phạm của đối tượng thanh tra. Rất ít trường hợp phong tỏa nhầm tài khoản của người khác. Bày tỏ sự ủng hộ dự thảo Thông tư, bà Thu Ba khẳng định: "Đây là việc nên làm và cần thiết phải làm, nếu cơ quan thanh tra làm sai phải chịu trách nhiệm pháp lý".
Những băn khoăn về “thêm quyền”
Mục tiêu cuối cùng của chống tham nhũng là thu hồi tài sản do hành vi tham nhũng gây ra. Điều đó cũng có nghĩa là nếu làm tốt việc phong tỏa sẽ hạn chế thất thoát và ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản của đối tượng thanh tra ngay từ khi còn trong "trứng nước".
Thế nhưng trên thực tế, nhiều khi, cơ quan thanh tra chỉ mới bắt đầu vào thanh tra là đối tượng đã "ngửi được mùi" và bằng mọi cách tẩu tán tài sản, hòng giảm nhẹ tội. Nhiều người đã e ngại khi trao thêm quyền cho thanh tra sẽ dẫn đến lạm quyền. Bởi thông thường, trong quá trình thanh tra và ra kết luận thanh tra, nếu phát hiện thấy sự việc, hành vi của đối tượng thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan thanh tra sẽ phải chuyển sang cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền khác để điều tra làm rõ. Sau khi tiếp nhận nội dung từ thanh tra chuyển sang, cơ quan công an có quyền xem xét, xử lý và đưa ra những biện pháp ngăn chặn trong đó có việc PTTK. Đây là quy trình đã được thực hiện hết sức rõ ràng. Bởi thế, nếu trao thêm quyền PTTK cho cơ quan thanh tra dễ dẫn đến chồng chéo quyền hạn của các cấp quản lý.
Bà Thu Ba cho rằng, vấn đề này không đáng lo. "Nếu thanh tra làm quá mức, làm sai thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tôi chỉ sợ họ không dám làm, họ e ngại trách nhiệm, không làm đến nơi đến chốn thì quy định đó không có ý nghĩa thực tế", bà Thu Ba nói. Nhiều người lo lắng, nếu đợi kết luận thì không còn tài khoản, tài sản để phong tỏa. Vị Phó Trưởng ban thường trực ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương tỏ rõ sự e ngại: "Tôi chỉ sợ thanh tra lại là những người "rút dây động rừng" để đối tượng thanh tra rút hết tài sản thì đến lúc xử xong chẳng còn làm được gì nữa, cùng lắm chỉ là phạt tù".
Còn dùng dằng chuyển hồ sơ từ phía thanh tra "Luật quy định rõ, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cơ quan thanh tra phải chuyển hồ sơ cho cơ quan công an. Nhưng lâu nay, thanh tra hầu như không chuyển ngay mà họ để lại. Đây là thời gian để đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, cần xử lý nghiêm nếu phát hiện", luật sư Nguyễn Cẩm, Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP. Hải Phòng cho biết. Không có khó khăn từ phía ngân hàng Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu ACB: "Khi thanh tra yêu cầu thì ngân hàng cứ phong tỏa, còn việc đúng hay sai là trách nhiệm của thanh tra với nhân dân. Nếu có sai sót ảnh hưởng đến cá nhân đối tượng thanh tra nảy sinh khởi kiện thì phía ngân hàng cũng không liên quan. Vì ngân hàng chỉ làm theo lệnh của thanh tra. Nếu luật quy định thanh tra có quyền trong trường hợp nào đó thì phía ngân hàng sẽ thực hiện nghiêm theo luật". |