Thủ đoạn của nữ chủ quán cầm đồ
TAND tỉnh Phú Thọ vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị H. (SN 1977, ở Phú Thọ) về tội “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”, quy định tại khoản 2 Điều 201 BLHS năm 2015.
Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa làm rõ, do không có công việc ổn định, Nguyễn Thị H. mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ cầm đồ tại nhà; đồng thời H. còn cho người khác vay tiền với lãi suất cao.
Làm ăn phi pháp, nữ chủ quán cầm đồ nhận “trái đắng”.
Quá trình đưa vụ án ra xét xử, thủ đoạn hoạt động của H. được làm sáng rõ như sau: Khi khách vay có nhu cầu đến vay tiền thì phải tự viết thông tin cá nhân vào chỗ trống của tờ hợp đồng vay tiền (Hợp đồng này, H. lấy của anh Nguyễn Công Tuấn, SN 1973, là anh trai của H., cũng mở cửa hàng cầm đồ và có soạn sẵn giấy biên nhận vay tiền), sau đó người vay ký tên vào hợp đồng. Lãi suất trong hợp đồng vay tiền luôn ghi là 2%, hoặc không ghi gì với mục đích để đối phó với cơ quan chức năng nếu bị kiểm tra. Nhưng thực tế lãi suất mà H. áp dụng cho vay với các con nợ là 3.000đ/1 triệu/1 ngày tùy vào mối quan hệ với khách vay. Hình thức cho vay chủ yếu là tín chấp.
Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2018 đến tháng 8/2020, Nguyễn Thị H. đã 3 lần cho anh Nguyễn Ngọc A. vay tiền. Mỗi lần cho vay với số tiền 100 triệu đồng, có viết biên nhận ghi lãi suất là 2%/tháng nhưng thực chất lãi suất vay là 3.000đồng/triệu/1 ngày.
Nguyễn Ngọc A. thỏa thuận với Nguyễn Thị H. về việc vay tiền, mức lãi suất, cách thức trả tiền nợ lãi và nợ gốc bằng hình thức trả tiền mặt trực tiếp cho H. hoặc chuyển qua tài khoản cho con trai H. là Nguyễn Phi Hùng (SN 1997). Những tháng đầu anh A. đều trả lãi đầy đủ, đến tháng 8/2020 thì không còn khả năng trả lãi, nợ gốc.
Theo lời khai của Nguyễn Ngọc A. thì H. nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho anh A. yêu cầu trả tiền gốc và lãi cho H. nhưng anh A. không có tiền trả nên đã làm đơn tố cáo hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của H. đến cơ quan công an như đã nêu trên. Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Thị H. thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng truy tố.
Cơ quan điều tra xác định số tiền thu lời bất chính của H. trong vụ án này là gần 367 triệu đồng.
Bị xử phạt 200 triệu đồng
Quá trình mở tòa, HĐXX của TAND tỉnh Phú Thọ nhận định, xét tính chất vụ án là ít nghiêm trọng, tuy nhiên, hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của bị cáo đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Tình hình loại tội phạm này có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp, do vậy phải xét xử nghiêm, mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa tội phạm nói chung.
Xét về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo trong vụ án, HĐXX thấy rằng: Bị cáo có nhân thân xấu, đã có bản án của tòa án và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mặc dù đã được xóa án tích nhưng không lấy đó làm bài học mà lại hám lời nên tiếp tục phạm tội. Vì vậy, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc tương ứng với hành vi phạm tội của bị cáo.
Xong, khi lượng hình cần xem xét tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như quá trình điều tra và tại phiên tòa thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo quy định tại điểm s, khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Bị cáo phải chịu 1 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội 2 lần trở lên quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự. Do bị cáo phạm vào tội phạm ít nghiêm trọng, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng nên không nhất thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội mà chỉ cần áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính cũng đủ điều kiện giáo dục bị cáo.
Vì các lẽ trên, TAND tỉnh Phú Thọ tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị H. phạm tội “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Về hình phạt, HĐXX xử phạt bị cáo Nguyễn Thị H. 200 triệu đồng để xung quỹ nhà nước. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
T.V