+Aa-
    Zalo

    Thư của một Chủ tịch Hội đồng quản trị "đáp trả" du học sinh Nhật

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Nước Nhật tự hào về văn hóa thì nước Việt tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc. Một dân tộc anh hùng tạo nên những con người vang danh khắp năm châu.

    (ĐSPL) – Nước Nhật tự hào về văn hóa thì nước Việt tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc. Một dân tộc anh hùng tạo nên những con người vang danh khắp năm châu.

    Liên quan đến bài viết về văn hóa con người Việt Nam gây xôn xao dư luận của một bạn du học sinh Nhật, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục Think Big Group thông qua báo Đời sống và Pháp luật đã có bức tâm thư “đáp trả” rất chi tiết.

    Là một người Việt Nam, tôi cảm ơn bạn (tác giả bức “tâm thư” gây bão Facebook) về những chia sẻ chân thành và thẳng thắn. Nó như một liều thuốc đắng nhưng sẽ làm cho một bộ phận không nhỏ người Việt chúng tôi ngộ ra rằng, chúng tôi có nhiều tiềm năng và nhiều điều đáng tự hào.

    Tâm thư của một Chủ tịch Hội đồng quản trị  “đáp trả” du học sinh
    Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư giáo dụcThink Big Group.

    Ngày xưa chúng tôi có “rừng vàng, biển bạc” nhưng nay "vàng" hết, "bạc" cũng dần cạn và chúng tôi cũng không thể trông chờ vào tự nhiên để tồn tại như trước nữa. Biết vậy nên không ít người Việt đã tự thân vươn lên bằng trí tuệ, chất xám. Vì thế mới xuất hiện những nhân vật như: Ngô Bảo Châu, Lê Quang Liêm, Nguyễn Hà Đông, Phạm Nhật Vượng, Đặng Lê Nguyên Vũ...

    Nước Nhật tự hào về văn hóa thì nước Việt tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc. Một dân tộc anh hùng tạo nên những con người vang danh khắp năm châu. Cả thế giới nghiêng mình trước đất nước bị áp bức đã giành được độc lập tự do vì có một Hồ Chí Minh vĩ đại, một Võ Đại tướng huyền thoại cùng cả một thế hệ cha anh đi vào sử sách của nhân loại.

    Những người Việt trẻ bây giờ không thể chỉ “trơ mặt” ăn bám vào hào quang quá khứ của cha ông.

    Chúng tôi không đúng như những gì bạn nói: "Không có văn hóa xếp hàng" hay vô tổ chức, vô kỷ luật; đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia; manh mún và tham lam, chỉ biết vun vén cho bản thân; chuộng hình thức hơn thực chất; nói một đằng làm một nẻo… đó là loại tính cách và văn hoá của một bộ phận nhỏ hiện nay, nhưng không phải tất cả người Việt đều như vậy.

    Tôi thấy, ở Việt Nam, vẫn có những người kiên trì xếp hàng để lên xe buýt, hàng ngàn em nhỏ nhắc nhở cha mẹ dừng đèn đỏ, hàng ngàn học sinh xếp hàng ngay ngắn khi đi tham quan du lịch.

    Có thể ví ông, bà, cha, mẹ, người lớn tượng trưng cho cái gốc mà cái gốc không tự ý thức xây dựng vun đắp lại tự đầu độc và phá hủy đi những mầm non tương lai bằng những hành động manh mún tư lợi cá nhân thì cái ngọn cũng dần mục ruỗng.

    Để bắt một đứa trẻ vâng lời không khó nhưng để dạy nó văn hóa, truyền thống tốt đẹp thì người lớn phải có văn hóa và hiểu truyền thống mới dạy được. Dạy trẻ không chỉ bằng sách vở và lời nói mà trên hết là hành động.

    Theo đó, tôi nghĩ không cần dạy con cách xếp hàng, chỉ cần hàng ngày người lớn xếp hàng khi đi xe buýt, đến quầy thu ngân siêu thị giờ cao điểm, xếp hàng khi đến điểm du lịch… để làm gương cho bọn trẻ, chúng sẽ làm theo.

    Không cần dạy trẻ cách ứng xử có văn hóa nơi cộng cộng khi người lớn biết bỏ rác đúng nơi quy định, đừng ngại gói vỏ kẹo cao su vào tờ giấy nhỏ và cho vào túi đợi đến thùng rác mới bỏ vào; đừng ngại nhặt một tờ giấy, cọng rác nơi thang máy hành lang, đừng ngại nói một lời xin lỗi, cảm ơn khi có lỗi hoặc được giúp đỡ dù chỉ là việc nhỏ nhất khi tính tiền hoặc nhận một đồ vật từ cô nhân viên phục vụ.

    Không cần phải dạy trẻ phải biết “kính trên nhường dưới" khi người lớn biết nghe lời cha mẹ, biết tôn trọng và không cãi vã nhau. Không cần phải dạy đứa trẻ giữ lời hứa nếu người lớn luôn biết giữ lời hứa, dù là chuyện nhỏ nhất.

    Tôi có đứa con nhỏ mới 2 tuổi, có một lần, tôi hứa cuối tuần tôi cho cháu đi chơi nhưng do bận rộn công việc nên tôi quên mất vì trong suy nghĩ của tôi, giá trị của việc giữ lời hứa nhỏ hơn giá trị của công việc trước mắt. Tối hôm đó khi tôi về tới nhà, con tôi không còn hồ hởi ra đón như tôi như mọi khi, nó không còn hào hứng đùa nghịch với tôi như bao ngày khác. Khi đó tôi nhận ra rằng, tôi đã dạy con mình một bài học xấu, bài học về sự thất hứa. Tôi đã chọn một lợi ích tưởng rằng lớn hơn mà không hiểu rằng lợi ích lớn nhất của lời hứa là tính cách của cả một con người.

    Câu chuyện về những doanh nhân Do Thái khi nhận được một kiện hàng mà bên gửi cố ý gửi nhiều hơn như một lời tri ân vì bên gửi nghĩ rằng sẽ làm vui lòng đối tác. Nhưng thật bất ngờ là bên nhận đã kiên quyết không nhận hàng chỉ đơn giản vì không có trong thỏa thuận đã ký từ trước đó. Kiện hàng được gửi lại và bên gửi đã phải đền hợp đồng và gửi đúng số lượng như ban đầu. Nhiều người sẽ cho rằng đó là sự cứng nhắc tuy nhiên, thực tế là bởi người Do Thái luôn tôn trọng lời hứa giống như người Nhật luôn xếp hàng dù trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.

    Từ đó, người Việt cũng hiểu rằng không thay đổi thì sẽ tự tụt lại phía sau so với các dân tộc khác trên thế giới.

    Chúng tôi biết hội nhập là không hòa tan nhưng nếu không mở mắt học hỏi những cái hay của các dân tộc khác mà cứ manh mún cục bộ thì sẽ bị lùi bước trong thê thảm.

    Chúng tôi tự hào vì truyền thống lịch sử, những nhân vật xuất chúng nhưng người Việt sẽ không ngủ quên bằng hào quang chói lọi của lịch sử, không ăn bám vào những kỳ tích của cha ông. Tôi tin rằng, khi người lớn thay đổi thì những đứa trẻ cũng sẽ thay đổi và mỗi người dân sẽ tiếp tục được tự hào vì là người Việt Nam.

    Kim Linh(ghi)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-cua-mot-chu-tich-hoi-dong-quan-tri-dap-tra-du-hoc-sinh-nhat-a27110.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ngành giáo dục Việt Nam cần “gãi đúng chỗ ngứa”

    Ngành giáo dục Việt Nam cần “gãi đúng chỗ ngứa”

    (ĐSPL) - Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên ĐBQH, Nhà nước phải có chính sách thực tế hơn, tạo điều kiện cho những người đi học nước ngoài về nước phát huy được năng lực của họ thì mới tận dụng được nguồn nhân lực đáng quý này.