+Aa-
    Zalo

    Thư chủ tịch phường và “Cô là dân mà sao dám hỏi”?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Là dân đen mà dám hỏi tên cán bộ công chức là vượt quyền, là hỗn hào, là chưa hiểu hết quyền lợi… làm dân.

    Là dân đen mà dám hỏi tên cán bộ công chức là vượt quyền, là hỗn hào, là chưa hiểu hết quyền lợi… làm dân.

    Thư chủ tịch phường và “Cô là dân mà sao dám hỏi”?

    Lá thư thân thiện của ông Chủ tịch UBND phường Bến Nghé đang gây xôn xao dư luận.

    Người dân phường Bến Nghé đang xôn xao vì nhận được thư của chủ tịch UBND phường chúc mừng hoặc chia sẻ với việc hiếu hỷ. Trong khi đó, một công chức ở Bình Phước đã mắng mỏ người dân: “Cô là dân mà sao dám hỏi tôi câu đó?”

    Mạng xã hội hôm qua lan truyền một tin vui từ báo điện tử Infonet về bài viết “Người dân bất ngờ nhận được “Thư riêng” của Chủ tịch phường”. Bài báo kể chuyện: “Là đơn vị hành chính đầu tiên trên cả nước thực hiện mô hình thủ tục hành chính gần gũi và thân thiện với người dân, UBND phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM đã có những thể hiện rất đẹp với người dân là gửi thư chúc mừng, thư chia buồn nhân những sự kiện trọng đại của đời người.

    Ông Nguyễn Thành Phát, Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM cho biết, bằng hình thức gửi thư chúc mừng, thư chia buồn nhân những sự kiện trọng đại của đời người, chính quyền địa phương muốn tạo ra những việc làm có ý nghĩa, quan tâm tới đời sống của người dân hơn.

    Một người dân sau khi nhận Thư chúc mừng dịp khai sinh cho con đã bày tỏ cảm xúc trên mạng xã hội: "Một cử chỉ thật dễ thương của UBND phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Hành chính công Việt Nam cũng có những bước cải tiến đáng khích lệ đấy chứ!".

    Ai cũng công nhận đây là một tín hiệu tốt lành, thậm chí là chuyện… hy hữu trong lịch sử hành chính công ở Việt Nam. Cá nhân tôi đồ rằng, với một số người có trạng thái cảm xúc nhạy cảm như nhà thơ, đọc tin này họ ngay lập tức có thể khóc tu tu lên vì xúc động, vì lạ kỳ thay, người dân bỗng nhiên được tôn trọng trong một diễn biến quá bất ngờ.

    Bởi vì từ xưa đến nay, mỗi lần đến chốn cửa công, người dân cứ gọi là len lét như rắn mồng năm, như gà phải cáo, mặt mũi xanh xám, đi lại thiếu tự tin, tay chân run lẩy bẩy, tuy là người ngay nhưng cứ mặc cảm như mình là kẻ gian, chỉ sợ lỡ có gì không phải sẽ bị các công chức nạt nộ.

    Thư chủ tịch phường và “Cô là dân mà sao dám hỏi”?

    Những lá thư thân thiện của ông Chủ tịch UBND phường Bến Nghé đang gây xôn xao dư luận.

    Mà chẳng nói đâu xa, mấy hôm trước tôi đọc trên nhiều báo một câu chuyện thế này, bà Nguyễn Thị Kim Thoa (ngụ phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) cho biết đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước, phản ánh thái độ không tôn trọng dân của cán bộ Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bình Phước.

    Số là bà này khi đến Cục theo đúng thời gian ghi trong giấy mời nhưng một nhân viên nữ hỏi như nạt: “Tại sao ngày hôm qua mời mà không đến?”. Bà trả lời là đã đến đúng ngày ghi trong giấy mời thì cô này hỏi lớn: “Lần trước gọi điện thoại sao không đến?”.

    Thấy thái độ hách dịch của nữ nhân viên, bà Thoa hỏi tên của cô, tuy nhiên, cô cán bộ này nói: “Cô là dân mà sao dám hỏi tôi câu đó?”. Rồi cán bộ này bảo bà Thoa muốn biết tên cô thì ra mà hỏi cục trưởng chứ cô ấy không có nghĩa vụ trả lời!

    Nghe xong chuyện này chắc nhiều người có tâm trạng giống như tôi, thở phào nhẹ nhõm. Đấy, cách hành xử của cán bộ công chức với dân phải như thế mới… hợp tình hợp lý, mới quen thuộc tự bao đời, chứ cái chuyện chủ tịch phường gửi thư thân thiện đến chúc mừng người dân như ở trên kia, dù là chuyện tốt thật đấy, nhưng nghe sao cứ thấy… lạ kỳ!

    “Cô là dân mà sao dám hỏi tôi câu đó?” Câu nói chí lí này có thể lấy để làm “slogan” cho dịch vụ hành chính công ở ta được không thưa bạn đọc? Là dân đen mà dám hỏi tên cán bộ công chức là vượt quyền, là hỗn hào, là chưa hiểu hết quyền lợi… làm dân.  

    Trường hợp như của bà Thoa ở Bình Phước không phải là chuyện hiếm, vô vàn người dân đã đến với các cơ quan công quyền, đã bị xúc phạm, coi thường như vậy. Chỉ có điều, họ lẳng lặng ôm cục tức trong lòng, không dám nói ra, không dám làm đơn kiện mà thôi.

    Nhưng chúng ta cần nhiều hơn nữa những người như bà Thoa, dũng cảm đứng lên để bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chúng ta bình đẳng với bất cứ công chức nào trong bộ máy công quyền. Trên lý thuyết, người dân thậm chí còn là ông bà chủ của đám công chức ấy, vì dân trả tiền lương thuê họ giải quyết dịch vụ hành chính công thông qua nghĩa vụ đóng thuế của mình. Công chức nào làm không tốt, người dân có quyền lên tiếng, để thay bằng một người khác có phẩm chất tốt hơn.

    Bao giờ thì những mô hình thủ tục hành chính gần gũi và thân thiện với người dân, UBND phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM trở thành đại trà trên khắp cả nước?

    Bao giờ thì người dân không còn phải xôn xao ngỡ ngàng, xúc động đến nghẹn ngào khi nhận được lá thư thân thiện của ông chủ tịch phường?

    Bao giờ thì những nữ cán bộ lớn tiếng hỏi dân “Cô là dân mà sao dám hỏi tôi câu đó?” như trong câu chuyện của bà Thoa bị chính quyền sa thải thẳng thừng?

    Chừng đó, dân chúng tôi mới dám tin con số 80\% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công là thực chứ không phải là chuyện tô vẽ nực cười.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-chu-tich-phuong-va-co-la-dan-ma-sao-dam-hoi-a51164.html

    "Soi” cán bộ, công chức qua đường dây nóng

    Đại diện các bộ, ngành cho biết đường dây nóng không chỉ là kênh để tiếp nhận các thông tin của người dân mà đây còn là "hệ thống” cảnh báo cán bộ, công chức trong việc giao tiếp và ứng xử với người dân.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan

    "Soi” cán bộ, công chức qua đường dây nóng

    Đại diện các bộ, ngành cho biết đường dây nóng không chỉ là kênh để tiếp nhận các thông tin của người dân mà đây còn là "hệ thống” cảnh báo cán bộ, công chức trong việc giao tiếp và ứng xử với người dân.