(ĐS&PL) Vừa qua báo chí phản ánh một số KĐT được coi là kiểu mẫu, nơi đáng sống nhất Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch. Về việc này, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND thành phố Hà Nội xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Theo phản ánh, các hộ dân Ciputra kiến nghị khẩn cấp về điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số lô đất thương mại, sân, vườn và đường nội bộ nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng. Cụ thể, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch trong khu đô thị Ciputra do chủ đầu tư xây dựng, một ô đất trước quy hoạch 5 tòa nhà với chiều cao từ 5 đến 47 tầng thì nay được đề xuất điều chỉnh tăng thành 8 tòa cao từ 45 đến 68 tầng.
Cư dân Khu đô thị Ngoại giao đoàn căng băng rôn phản đối việc thay đổi quy hoạch tại khu đô thị |
Một lô đất diện tích gần 13.400 m2 có chức năng bãi đỗ xe nay xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm bãi đỗ xe và kết hợp kinh doanh thương mại. Còn tại ô đất TM-13 diện tích gần 55.000 m2, vốn quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ thì nay được đề xuất chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng với dân số gần 3.000 người.
Cư dân tại khu Đoàn Ngoại giao bức xúc suốt 2 năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, phản đối chủ đầu tư thay đổi quy hoạch, tăng tầng, tăng tòa nhà, thay đổi công năng sử dụng của một số lô đất công cộng, dịch vụ.
Nhiều khu đất ở KĐT Nam Thăng Long Ciputra được điều chỉnh vấp phải sự phản ứng của cư dân |
Khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra có quy mô 301 ha được đầu tư bởi Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long, một liên doanh giữa Tổng Công Ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Đô thị (Việt Nam) và Tập đoàn Ciputra (Indonesia). Đây là một trong những dự án đồng bộ cao cấp đầu tiên được xây dựng tại Hà Nội với đầy đủ tiện ích, dịch vụ.
Trước đó, ngày 27/2, UBND TP Hà Nội đã có thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố xem xét về việc điều chỉnh quy hoạch này. Nêu tại kết luận, Chủ tịch UBND thành phố thống nhất về nguyên tắc chủ trương điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất theo đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội. Tuy nhiên, cộng đồng dân cư tại đây cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch là vì lợi ích nhóm của nhà đầu tư không phải vì lợi ích của người dân.
Văn Phong/Sức Khỏe 365
Một trong những dự án khác, cũng đang được người dân Thủ đô và nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị quan tâm trong thời gian vừa qua là dự án “Bãi đỗ xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ tại Công viên Thủ Lệ”. Ngay khi chủ trương được UBND thành phố Hà Nội thông qua giao cho cho Chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Him LamBC, một số chuyên gia đô thị lại băn khoăn về tác dụng phụ của dự án nếu phát sinh thêm một trung tâm thương mại, dịch vụ đi kèm. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng: "Tổng phần diện tích xây dựng nếu chỉ dành gần 4.000m2 (tương ứng gần 6%) dành cho bãi đỗ xe thì khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu khi dự án đi vào hoạt động, ngay cả khi lượng xe đó chỉ vào trung tâm thương mại, dịch vụ chứ không có nhu cầu thăm quan công viên, vườn thú". Bởi theo tiêu chuẩn xây dựng hiện hành, với dự án trung tâm thương mại và dịch vụ phải dành tối thiểu từ 15 - 25% tổng diện tích xây dựng cho hạng mục bãi đỗ xe. Nếu chiếu theo quy chuẩn này thì dự án Điểm đỗ xe ngầm kết hợp thương mại, dịch vụ Thủ Lệ là chưa phù hợp. |