+Aa-
    Zalo

    Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Nới lỏng điều kiện cấp tín dụng có thể sẽ gia tăng nợ xấu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu. Do đó, thay vì nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tiền tệ hợp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp.

    Đây là nội dung mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng) về đề nghị nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng bằng văn bản.

    thong doc nhnn nguyen thi hong noi long dieu kien cap tin dung co the gia tang no xau dspl
    Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: TTXVN

    Bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng dư nợ, tăng nợ xấu.

    Thống đốc cũng nêu dẫn chứng cho điều này là cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ năm 2007, bắt nguồn từ việc trong giai đoạn 2003-2005, các ngân hàng tại Mỹ đã hạ chuẩn cho vay, mở rộng tín dụng đến những người vay không đảm bảo điều kiện vay vốn (người vay dưới chuẩn).

    Lượng nợ xấu tích tụ khi người vay dưới chuẩn không thể trả nợ sau đó đã khiến nhiều ngân hàng phá sản từ cuối năm 2006, tác động lan truyền trên toàn hệ thống và dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

    Do vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, Thống đốc cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

    Khi hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

    NHNN cũng sẽ tiếp tục điều hành tiền tệ hợp lý; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp.

    Đánh giá độ trễ của đại dịch COVID-19 tác động tới ngành ngân hàng sẽ kéo dài sang năm 2022, NHNN dự báo tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng cuối năm 2021 có thể tăng lên từ 7,1-7,7%, gấp đôi so với cuối năm 2020. Vì vậy, việc tăng nguồn lực dự phòng rủi ro của các ngân hàng lại càng trở nên cấp thiết.

    Về giải pháp hạn chế tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng- Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị, cần khoanh nợ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

    Điều này nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có cơ sở xác định được khoản nợ, công nhận là nợ xấu mà Chính phủ tạm thời khoanh lại trong một khoảng thời gian, để doanh nghiệp có khả năng phục hồi và tiếp tục xem xét cho vay mới; đồng thời không ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

    Theo NHNN, tín dụng năm nay tăng ngay từ đầu năm và tăng cao hơn so với năm 2020. Đến ngày 29/10/2021, tín dụng tăng 8,72% so với cuối năm 2020.

    Thời gian qua, ngân hàng đã tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng; đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

    Để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa; đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thong-doc-nhnn-nguyen-thi-hong-noi-long-dieu-kien-cap-tin-dung-co-the-se-gia-tang-no-xau-a518922.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan