Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát; số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đến nay đã khắc phục hết.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Tại Đại hội XIII diễn ra vào chiều 27/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đánh giá, trong năm 2020, thế giới chứng kiến đại dịch Covid -19 bùng phát, lan rộng và tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội ở hầu khắp quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, thận trọng và linh hoạt, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% theo đúng mục tiêu của Quốc hội đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Tình trạng đô la hóa giảm dần, niềm tin của người dân vào đồng nội tệ nâng cao; nguồn vốn ngoại tệ và vàng từng bước được chuyển hóa thành tiền, hỗ trợ vốn cho nền kinh tế.
Ngoài ra, NHNN kịp thời ban hành văn bản cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán. Cho vay tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động…
Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đưa ra giải pháp thúc đẩy kinh tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít nền kinh tế đạt tăng trưởng dương trong năm 2020. Qua đó, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Đây là những yếu tố củng cố niềm tin của nhà đầu tư, góp phần nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Về tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đã điều hành tín dụng theo phương châm mở rộng đi đôi với an toàn, hiệu quả, phù hợp với chủ trương từng bước giảm dần tỷ lệ vốn đầu tư từ tín dụng ngân hàng, hỗ trợ đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Hoạt động thanh toán đạt được những bước tiến lớn về chất lượng, sản phẩm. Đáng chú ý là thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh; phát triển ngân hàng số, công tác an toàn an ninh được đảm bảo…
Công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được thực hiện nghiêm túc, từng bước hiệu quả, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phòng chống rửa tiền để nâng cao tính minh bạch trong nền kinh tế.
“Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát; số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đến nay đã khắc phục hết”, Thống đốc NHNN khẳng định.
Công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 được quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, đạt được kết quả tích cực trên tất cả các mặt. Trong 5 năm liên tục, NHNN đứng đầu các bộ ngành Trung ương trong Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính Par-Index do Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ đánh giá.
Ngành ngân hàng đã tăng cường triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dưới hình thức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố (từ năm 2016 đến nay có khoảng 4 nghìn cuộc kết nối và 21 Hội nghị lớn) nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân vay vốn ngân hàng.
Thống đốc cho rằng, nhiệm kỳ 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, tình hình thế giới dự kiến tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều bất trắc, khó lường, dịch bệnh có khả năng kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế - xã hội của hầu hết quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân tiếp tục khó khăn, chắc chắn ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhất là quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Trong bối cảnh thương mại giữa các nước lớn vẫn gia tăng, các đối tác thương mại lớn quan tâm sâu hơn về điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và gia tăng giám sát thương mại đối với Việt Nam, đặt ra nhiều thách thức đối với NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp chuyển quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ giữa TCTD với khách hàng vay sang quan hệ mua bán ngoại tệ để tiếp tục giảm tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế; triển khai lộ trình từng bước tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam một cách thận trọng, phù hợp.
Tthực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
NHNN sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, cảnh báo rủi ro, ngăn chặn khả năng phát sinh vi phạm, tập trung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, lành mạnh...
Bạch Hiền (t/h)