Do áp lực trong việc xử lý các khoản nợ xấu, nhiều cán bộ ngân hàng đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác.
Theo tin tức báo Tiền Phong, vào chiều 22/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước- Lê Minh Hưng trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng" và sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án "Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng", đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cho thấy, hệ thống các tổ chức tín dụng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước- Lê Minh Hưng. Ảnh: Báo VnExpress |
Tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để. Thực tiến cho thấy rất khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp cố tình sở hữu hộ hoặc sở hữu che giấu qua nhiều chủ thể.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ông Lê Minh Hưng cho rằng, luật các tổ chức tín dụng 2010 chưa có quy định trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyền yêu cầu giải thể bắt buộc đối với tổ chức tín dụng yếu kém không có khả năng phục hồi.
Việc khuôn khổ pháp ý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém chưa hoàn thiện đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước nói chung cũng như các cán bộ xử lý trực tiếp nói riêng, khi nghiên cứu, tìm các biện pháp xử lý tồn tại, vướng mắc của các ngân hàng này.
Theo ông Hưng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cán bộ cũng như công tác chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý.
Ông Hưng cũng chỉ ra rằng, không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, bao gồm cả việc tham gia Ban kiểm soát đặc biệt.
Do vậy, để nguồn nhân sự có chất lượng tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, dự thảo Luật quy định: Cán bộ, công chức, thành viên Ban kiểm soát đặc biệt, người của tổ chức tín dụng được Ngân hàng nhà nước chỉ định tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khi việc không đạt kết quả không phải do nguyên nhân chủ quan, trừ trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Tổng hợp