+Aa-
    Zalo

    Thời xa vắng và những người mưu sinh ở phố chim trời Ngọc Mỹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khi những cánh đồng bát ngát, rợp cánh cò bay đã chỉ còn trong ký ức, sự tiếc nuối được trông thấy những loài chim gắn bó với tuổi thơ lại càng trở nên ý nghĩa.

    (ĐSPL) - Khi những cánh đồng bát ngát, rợp cánh cò bay đã chỉ còn trong ký ức của nhiều người, sự tiếc nuối được trông thấy những loài chim gắn bó với đồng cây nội cỏ, tuổi thơ lại càng trở nên ý nghĩa. Người ta tìm đến với phố chim, không chỉ để mua bán mà còn như tìm lại một phần của chính mình.

    Chim trời, cá nước…

    Phố chim nằm trên địa phận xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách nội thành chưa đến hai chục cây số, chiều dài vỏn vẹn cũng chưa đến 1km. Nói là phố nhưng chỉ lèo tèo dăm cái lán cất vội làm quán, mấy cột ô che nắng che mưa cho người và chim. Khách đỗ ven đường, xem hàng, trả giá rồi lại vội vã phóng đi.

    Giữa trưa, dù là mùa đông nhưng cái nắng vàng hanh chiếu qua gương chiếu hậu của những chiếc ô tô con vẫn khiến nhiều người thấy chói mắt. Đám chim trời nào chim ngói, chim cu, cò, diệc, sẻ, vịt trời... nhìn nhau bấn loạn, vỗ cánh, kêu loạn lên mỗi khi có chiếc xe nào đỗ xịch lại. Đó là lúc có khách, những lúc vắng, cả người, cả chim đều như chìm vào im lặng, bất chợt khiến người ta liên tưởng tới hai từ thân phận...

    Rít điếu thuốc lào thật sâu rồi nhìn đám cu gáy đang giương cặp mắt tròn, anh Liêm, một người bán hàng chỉ cho chúng tôi, phía đằng sau rặng cây ven đường, trước kia là cánh đồng ngút ngàn tầm mắt. Đó là cái ngày anh còn là đứa trẻ con theo cha đi bẫy chim ngoài đồng, bây giờ thì nhiều thứ đã khác, đồng ruộng mỗi ngày một hẹp lại, nghề bẫy chim càng ngày càng khó đi, chỉ có cuộc sống là càng ngày càng vội vã. Từ cái ngày xưa cũ, cụ thể từ lúc nào thì những người dân buôn bán ở nơi đây cũng chẳng nhớ rõ...

    Ngày ấy đồng còn rộng, còn dài, đi hết đồng này lại đến đồng khác, mùa này trôi đi lại có loài chim khác trở về, những người đi săn chim cứ việc lang thang theo đồng, theo rạch mà kiếm sống. Dụng cụ cũng chẳng có gì nhiều ngoài cái bẫy chim, tấm lưới, cái lồng, thậm chí cái bị để nhốt, thêm dăm thứ hạt để dụ chim. Những người già, có thâm niên trong nghề, thậm chí chẳng cần đến mồi. Ngày ấy, chim trời nhiều lắm, nhưng giá thành lại rẻ, thành ra nghề bẫy chim trời đi bán cũng chỉ được xem là nghề mạt, chẳng ai giàu được.

    Người ta đi bẫy chim thời đó cũng chỉ vào lúc nông nhàn, khi mới thu hoạch xong, ruộng còn nhiều lộc rơi, thóc vãi. Kỹ thuật bẫy chim cũng chẳng khó khăn lắm, ngay cả đám trẻ choai choai, chịu khó mỗi ngày cũng bẫy có khi được cả chục con. Chim bẫy được đem về, loại nào thuần phục được thì để nuôi làm cảnh, con nào quá già hoặc người chơi chê, họ đem đi chế biến thành mồi nhậu. Tối đến, bên cái đèn dầu leo lét, cút rượu nếp thơm lừng, đĩa thịt chim các ông cứ ngồi vỗ đùi đen đét, kể chuyện khắp làng trên xóm dưới, hôm nay thời sự có gì, bên trời Tây ai mới lên thay.

    Những người sành bẫy chim, thường cũng là những tay giỏi trong nghề chế biến, tay làm cứ thoăn thoắt, chế món nào ra món nấy, khi đưa lên mâm, nhìn qua cũng đủ để họ phân biệt được là thịt của loại chim nào. Thịt cò hơi tanh, thịt chim cuốc thì đen, thơm như thịt trâu, xương giòn hơn thịt chim sẻ, chim ngói... Đám trẻ trâu trong làng cũng trở thành những tay “có nghề” trong nghề luyện chim. Chỉ nhìn con ngói, chim cu nào là biết có chọn để nuôi được thành con có tiếng gáy tốt, trong, có giá trị. Thấy chúng tôi không tin, anh Liêm bảo, ngày trước, có lần nuôi được con chim gáy tốt, lông đẹp, anh còn đổi được cả một chiếc xe đạp Phượng hoàng với người trên phố.


    Chiếc xe sau đó anh còn dùng được suốt nhiều năm. “Từ cái ngày cơ chế thị trường mở cửa, con chim từ đồng lên phố, thành đặc sản, thành một mặt hàng chuyên bán để kiếm cơm, người ta đua nhau đi bắt, đi bán, nên cứ ngày một ít dần. Cũng có người làm đầu nậu thì giàu lên nhưng số đó ít lắm. Đủ để trang trải cuộc sống là may rồi”, anh Liêm cho biết.

    Làm giàu từ việc thuần phục chim trời

    Theo giá trung bình tại đây, chim ngói thường có giá từ 60-65 nghìn đồng/con, vịt trời khoảng 150-160 nghìn đồng/kg, diệc có giá khoảng 700 nghìn/con, cò thì bán với giá rẻ hơn, chừng 45-50 nghìn đồng/kg. Cũng có những người bán giá cao hơn, thấp hơn, còn phụ thuộc vào khách quen, sành hay không sành mặt hàng này. Có những khách lẻ nhưng quen, tuần nào cũng ghé qua, mua một lồng vài loại chim thì phải bán rẻ.

    Chim bán tại đây thường chỉ là để bán cho khách qua đường, chứ ít cung cấp cho các cửa hàng, quán ăn trong phố. Chị Mây - một người bán hàng cho biết, nguồn chim làm “đặc sản” phần lớn được các nhà hàng liên hệ trực tiếp, gọi điện thoại sẽ có người mang đến, chim thường phải là hàng loại ngon, một phần khác các loại chim nhỏ, số lượng nhiều như chim sẻ thường được các mối quen hỏi mua để bán cho các bà đi lễ làm chim phóng sinh. Những nguồn cầu này thì nhiều, nhưng cung nhiều khi cũng không đáp ứng được.

    Thấy chúng tôi hỏi, có ai giàu được lên từ nghề bán chim này không, chị Mây trỏ vào mấy chiếc xe máy cà tàng để chở chim đi bán của những người bán hàng: “Cô chú nghĩ là giàu được sao, của trời là lộc, đủ thôi, sao mà giàu được”. Thấy chúng tôi có vẻ tò mò, chị cười nói thêm, bảo không giàu được, nhưng cũng đủ tiền để nuôi các con ăn học, có chút tiền biếu xén bố mẹ già. So với làm ruộng, nghề bán chim đỡ vất vả hơn, thu nhập cũng khá hơn nhiều, nhưng còn tùy thuộc vào cái duyên của người bán hàng nữa. Nếu chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn chim bẫy bắt được, có lẽ phố chim không còn duy trì được đến ngày hôm nay.

    Theo những người bán hàng, cách đây mấy năm, khi số lượng chim bắt được ngày càng ít đi mà nhu cầu ngày càng nhiều, một số người dân tại Ngọc Mỹ đã tìm cách thuần phục chim và nuôi, nhân giống mở rộng. Chỉ một thời gian sau, từ một vài hộ, đã có cả chục nhà nuôi chim trời, kinh tế các hộ này cũng ngày một khấm khá hơn so với các gia đình còn lại.

    Loài đầu tiên được người dân lựa chọn để nuôi là vịt trời. Sau khi đánh bẫy được, người ta cắt bớt lông cánh để chúng không thể bay lên cao rồi quây lưới, nuôi như vịt nhà. Lũ vịt quen với đồng rộng, trời cao giờ bị nuôi nhốt suốt ngày kêu loạn lên, vỗ cánh bồm bộp, bay là là chưa lên quá được đầu người đã rơi bộp xuống, cũng thấy thương nhưng lâu dần, chúng cũng thích nghi được. So với vịt nhà, vịt trời ít bệnh hơn, khi đã nuôi quen lại thành ra nhàn.

    Giá của vịt nhà có khi chưa đến 100 ngàn đồng/ con, vịt trời có khi lên đến 200 ngàn đồng/con loại nhỏ. Hiện, có nhiều hộ cũng đang đầu tư vào loại này, nhà nuôi ít thì đôi ba trăm con, người nuôi nhiều có khi đến cả ngàn con. Thấy giống vịt trời nuôi dễ, hiệu quả kinh tế cao nhưng đang ngày một cạnh tranh, nhiều gia đình cũng nghĩ tới chuyện thuần phục các loại chim khác như cuốc, cu gáy nhưng chưa thành công do, đặc tính sinh sống của các loại này không phù hợp với việc nuôi nhốt.

    Thuận theo trời 

    Thời gian giáp Tết, nhu cầu về vịt trời tăng cao, các hộ gia đình cũng vất vả nhiều hơn để đảm bảo vịt trời khỏe mạnh, tăng cân và đặc biệt không để vịt dính các loại bệnh dịch thời tiết. Nhiều thương lái cũng đã tìm đến, thậm chí đặt sẵn tiền để khi cần là có thể đến “cất”. Vịt trời có giá cao, nhưng người dân không dám nhận hết tất cả đơn hàng, vì còn phải nghe ngóng xem tình hình nhu cầu giáp Tết thế nào, nuôi nhiều, quá mà không tiêu thụ hết, con vịt trời già đi, vừa mất công chăm sóc, lại tốn tiền cám bã. “Của trời, thuận theo trời thôi, không ham quá được”, anh Lâm, một chủ trang trại nuôi vịt trời tại xã Ngọc Mỹ cho biết.

    Đăng lại báo giấy số 156

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thoi-xa-vang-va-nhung-nguoi-muu-sinh-o-pho-chim-troi-ngoc-my-a176341.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan