+Aa-
    Zalo

    Thời trang Giovanni: Nhập nhèm nhãn mác, đánh lừa người tiêu dùng?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thông tin nhập nhèm, không cụ thể về nơi nhập khẩu in trên nhãn phụ tiếng Việt của thời trang Govanni dễ khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn

    Thông tin nhập nhèm, không cụ thể về nơi nhập khẩu in trên nhãn phụ tiếng Việt của thời trang Govanni dễ khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn, đồng thời có dấu hiệu không tuân thủ theo quy định về nhãn hàng hóa.

    Thời trang Giovanni “né” ghi nhãn xuất xứ Trung Quốc?

    Với cái tên rất Ý, sử dụng giao diện bằng tiếng Anh trên website trưng bày sản phẩm với tên http://www.giovanniluxury.com/,  người mẫu nam, nữ chụp hình minh họa cho sản phẩm đều là người nước ngoài, bối cảnh, địa điểm trong các hình ảnh quảng cáo mang phong cách kiến trúc, không gian châu Âu, bởi thế trong gần một thập kỷ qua, thời trang Govanni khiến đa phần người tiêu dùng nghĩ rằng đây là thương hiệu thời trang quốc tế có nguồn gốc Italia được phân phối tại Việt Nam.

    Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế của PV tại nhiều showroom, các mặt hàng trên kệ của thời trang Giovanni gồm cả hàng nhập khẩu từ nhiều nước như Italia, Trung Quốc, hàng sản xuất trong nước.

    Điều đáng nói ở chỗ, thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa được in trên nhãn phụ bằng tiếng Việt của nhiều sản phẩm nhập khẩu do Giovanni bày bán lại không thể hiện rõ ràng và theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

    Một gian hàng trưng bày của Giovanni

    Viết tắt sản phẩm nhập được khẩu từ Trung Quốc

    Cụ thể, trên nhãn phụ của các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, không hiểu vô tình hay hữu ý Giovanni ghi “Xuất xứ P.R.C” trong khi ghi đúng phải là: “Xuất xứ Trung Quốc”.

    P.R.C là cụm từ viết tắt của “People’s Republic Of China” Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).

    Tại sao thời trang Giovanni lại viết tắt cụm từ chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm trong khi theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 43/2017 về Nhãn hàng hóa thì: Phải ghi rõ ràng tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó, không được viết tắt?

    Việc viết trên nhằm mục đích gì? Tương tự, nhiều sản phẩm được thời trang Giovanni sản xuất trong nước mà theo quy định phải ghi: “Xuất xứ Việt Nam” nhưng doanh nghiệp này lại ghi “Xuất xứ: Giovanni Group”.

    Ở đây Giovanni không chỉ có dấu hiệu vi phạm quy định về nhãn hàng hóa mà quan trọng hơn việc, ghi thông tin viết tắt “P.R.C”, không rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc này dễ khiến người tiêu dùng trong nước bị hiểu nhầm, hiểu không chính xác về nơi khai sinh của sản phẩm.

    Không phải ai cũng am tường cụm P.R.C (Trung Quốc) được in trên nhãn phụ bằng tiếng Việt của nhiều sản phẩm thời trang Giovanni.

    Trong rất nhiều trường hợp, chỉ khi tỏ vẻ thắc mắc về ý nghĩa của cụm từ P.R.C thì khách hàng mới được nhân viên thời trang Giovanni giải thích đây là hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc.

    Trong cửa hàng sang trọng nghi vấn có hàng nhập nhèm nhãn mạc

    Với những khách hàng không hiểu nghĩa của cụm từ P.R.C trên nhãn phụ, nhầm tưởng đây là một nơi khác (chứ không phải Trung Quốc trên thực tế) hoặc thậm chí bỏ qua ý nghĩa của nó khi lựa chọn, so sánh với sản phẩm khác thì rõ ràng Giovanni đã đạt được mục đích khi viết tắt cụm từ “nhạy cảm” này.

    Bởi trước giờ đa phần người tiêu dùng tại Việt Nam vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm, méo mó về hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó việc “né” viết cụm từ “xuất xứ Trung Quốc” trên nhãn sản phẩm tưởng như nhỏ nhưng lại là dụng ý có chủ đích của chủ doanh nghiệp. Một sự đánh tráo cảm quan khách hàng, xóa đi ấn tượng không tốt của họ về sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.

    Sẽ có bao nhiêu khách hàng bày tỏ sự quan tâm (chưa nói đến xuống tiền mua sản phẩm) khi biết sản phẩm thời trang được quảng cáo là tiệm cận sa xỉ của Giovanni thực tế có có xuất xứ ở Trung Quốc?

    Cơ quan quản lý thị trường liệu có biết những dấu hiệu vi phạm đang tồn tại trên nhãn phụ của thời trang Giovanni để kịp thời chấn chỉnh, qua đó giúp người tiêu dùng hiểu đúng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm?

    Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về nội dung này.

    Nguồn: Khỏe 365

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thoi-trang-giovanni-nhap-nhem-nhan-mac-danh-lua-nguoi-tieu-dung-a265910.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan