+Aa-
    Zalo

    Thói quen uống rượu bia của người Việt: Không phải văn hóa mà là tệ nạn!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo các chuyên gia văn hóa và Đại biểu Quốc hội, việc không uống rượu bia khi tham gia giao thông, hay trong các cuộc giao lưu, gặp gỡ là điều hết sức cần thiết.

    Theo các chuyên gia văn hoá và Đại biểu Quốc hội, việc không uống rượu bia khi tham gia giao thông, hay trong các cuộc giao lưu, gặp gỡ là điều hết sức cần thiết.

    Chỉ vì chén rượu, cốc bia mà không ít người gây ra tai nạn thương tâm, đáng tiếc - Ảnh: Minh hoạ

    Tác hại “nhãn tiền”

    Luật Phòng chống tác hại rượu bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Căn cứ vào luật này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trong đó bổ sung các chế tài xử phạt về nồng độ cồn đối với người vi phạm. Cụ thể, người điều khiển xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. Áp dụng tương tự mức vi phạm nồng độ cồn đối với tài xế ô tô thì bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng.

    Có thể nói, những ngày qua, kể từ khi luật Phòng chống tác hại rượu bia chính thức có hiệu lực thi hành, từ quán trà đá vỉa hè hay ở các khu văn phòng công sở đều bàn tán xôn xao. Không chỉ dừng lại ở việc bàn tán, mà trên mạng xã hội cũng xuất hiện những bức ảnh chế, những câu chuyện tình huống bi hài về việc “lách luật” tránh bị xử phạt.

    Vậy, làm thế nào để luật đi vào thực tiễn? Liệu có giảm thiểu được việc uống rượu bia đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân bao năm qua? Từ những câu hỏi này, PV báo ĐS&PL đã lắng nghe ý kiến từ ĐBQH, chuyên gia văn hoá về vấn đề này.

    Bày tỏ quan điểm với PV, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho biết: “Trong thảo luận của Quốc hội, các đại biểu cũng đã cho ý kiến uống rượu bia là thói quen của người Việt từ xưa đến nay. Nhưng, hiện nay trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội, tình hình tai nạn giao thông xảy ra quá nhiều trong đó có liên quan đến rượu bia...

    Có nhiều vụ tai nạn liên quan đến sử dụng rượu bia mà chúng ta đã nhìn thấy như: Cán bộ công chức, người dân... từ trước đến nay không hề có vi phạm gì, nhưng chỉ vì uống rượu đi xe mà gây ra tai nạn, phải gánh chịu án phạt thì đó là điều đáng tiếc, chưa kể những người uống rượu bia rồi gây ra án mạng... gây tác hại lớn cho bản thân, gia đình và xã hội”.

    Từ những phân tích trên, ĐBQH Quốc Khánh bày tỏ: “Tôi cho rằng, việc ngăn chặn tình trạng uống rượu bia có thể gây tác hại cho xã hội là điều hết sức bức bách, cần thiết”.

    ĐBQH Quốc Khánh cũng chia sẻ thêm: “Nhiều người lo ngại về dịp Tết năm nay không được uống rượu bia, tôi nghĩ văn hoá này cần phải thay đổi. Vì lợi ích cho chính người uống rượu và cho toàn xã hội khi vừa vui xuân mà không có tai nạn. Đã uống rượu bia là không lái xe”.

    Theo ĐBQH Quốc Khánh, về lâu về dài, để Luật này thực sự đi vào thực tiễn thì người dân cần tự điều chỉnh hành vi, hành động sao cho phù hợp, chứ không phải uống rượu bia tràn lan. “Chúng ta nên khuyến khích, ủng hộ việc từ bỏ thói quen uống rượu bia, phát triển lối sống tích cực hơn. Đây là năm đầu tiên chúng ta bước vào thập kỷ mới, nên phải kiên quyết từ bỏ thói quen, hành vi xấu nát rượu, không nên cổ vũ cho văn hoá rượu, bởi văn hoá rượu chỉ có một số người có đủ năng lực, trình độ để cảm thụ được. Còn đây không phải là văn hoá, mà là tệ nạn rượu nên phải kiên quyết loại trừ”, ĐBQH Quốc Khánh nhấn mạnh.

    Không phải vì chén rượu mới làm được việc

    Cũng trao đổi với PV báo ĐS&PL, chuyên gia văn hoá Lương Ngọc Huỳnh cho hay uống rượu bia là truyền thống của Việt Nam từ lâu, nhưng ông ủng hộ Nghị định 100 của Chính phủ. “Nghị định 100 không phải cấm mọi người uống rượu bia, nhưng hạn chế những người đã uống rượu bia thì không được tham gia giao thông. Anh có thể uống rượu rồi đi taxi, người khác chở thì sẽ chẳng có ai phạt anh cả. Tôi cho rằng, đây là một phương pháp rất tốt, nên làm mạnh tay và làm liền mạch, để hiệu quả và đi vào cuộc sống, làm sao hạn chế tối đa tai nạn giao thông”, chuyên gia văn hoá Lương Ngọc Huỳnh nói.

    Nhiều người cho rằng uống rượu bia mới thể hiện được sự thân thiết, công việc trôi chảy hơn. Không ít người băn khoăn khó có thể từ bỏ được thói quen uống rượu bia. Nói về lo ngại này, chuyên gia văn hoá Lương Ngọc Huỳnh bày tỏ: “Tôi cho rằng, quan hệ xã hội có hay không là do trí tuệ con người, chứ không phải do chén rượu mới có quan hệ. Hoặc tình bạn quý nhau ở lời nói, hành động, tư duy chứ không phải quý nhau vì một chén rượu. Nếu cố tình lái vấn đề phải có rượu mới thể hiện được tình cảm, thể hiện được sự nhiệt tình thì không đúng”.

    Trước tình trạng nhiều lái xe gây tai nạn thương tâm do sử dụng rượu bia trước khi lái xe, vị chuyên gia văn hoá này đưa ra lời khuyên: “Với những người đã uống rượu thì không nên tham gia giao thông. Bởi, máy đo nồng độ cồn không thể kiểm tra được người này uống 1 chén hay mấy chục chén, máy đo nồng độ cồn chỉ kiểm tra được bao nhiêu miligam/1 lít khí thở... Khi tham gia giao thông đòi hỏi người điều khiển phương tiện phải luôn tỉnh táo, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và đảm bảo an toàn tính mạng cho những người xung quanh”.

    Thanh Lam

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 8

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thoi-quen-uong-ruou-bia-cua-nguoi-viet-khong-phai-van-hoa-ma-la-te-nan-a308839.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan