(ĐS&PL) - Đã gần 40 năm trôi qua, nhưng cảm xúc của người lái chiếc xe chở Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh và các thuộc cấp chính quyền Sài Gòn đến Đài Phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vẫn như còn vẹn nguyên…
35 kg vẫn quyết vào quân ngũ giết giặc
“Dường như tôi và chiếc xe Jeep mang biển số 15770 ấy có “duyên số” gì với nhau thì phải. Từ lúc nó trở thành chiến lợi phẩm của quân đội ta ở chiến dịch Đà Nẵng đến khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, tôi đều được lái nó. Ngày nay, thỉnh thoảng mọi người cũng nhắc đến tôi trong vai trò người cầm vô lăng của chuyến xe đặc biệt ấy”- ông Đào Ngọc Vân - mở đầu câu chuyện về những kỷ niệm của ngày giải phóng miền Nam 40 năm trước.
Ông Đào Ngọc Vân (SN 1950) trú tại phường Phú Sơn, thị xã Thanh Hóa) là công nhân giao thông của phòng Thị chính thị xã Thanh Hóa (giống đơn vị trực thuộc Sở Giao thông Vận tải bây giờ) từ năm 1970 đến năm 1971. Khi vừa tròn 15 tuổi, cái tuổi thanh niên bắt đầu “nhổ giò” ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng đã phải chứng kiến cảnh lầm than và máu chảy của người dân xứ Thanh dưới làn bom đạn điên cuồng của giặc. Năm 1965, ông Vân tham gia đội xe giải phóng giao thông trong trận chiến đấu dưới chân cầu Hàm Rồng của quân và dân Thanh Hóa. Chính những ngày tháng đó đã cho ông một tâm lý vững vàng và kỹ thuật lái xe điêu luyện mà không trường lớp nào có thể đào tạo.
Nhớ lại ký ức với những năm tháng khốc liệt ngày ấy, ông kể: Năm 1970, ông vừa tròn 25 tuổi, dáng người thấp bé và mặc dù đã làm mọi cách để được tham gia kháng chiến nhưng cũng chỉ được 35kg nên ông đã không được tuyển vào quân đội. Đến tháng 5/1972, ông được tuyển vào hàng ngũ quân đội. Gia nhập Tiểu đoàn 649, Trung đoàn 14, Đại đội 4, thuộc tỉnh Thanh Hóa. Sau một thời gian huấn luyện, tháng 7/1972, ông có mặt tại chiến trường Quảng Trị vừa được giải phóng, rồi được biên chế vào Đại đội 14, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 (C14, E66, F304).
Ngay trong lần thử lửa đầu tiên, chiến sĩ Vân đã được tham gia những trận đánh ác liệt tại đường 9 Nam Lào, rồi lần lượt là các chiến trường A Sầu, A Lưới, Thượng Đức, Đại Lộc… Tại chiến trường Đại Lộc, trong số những chiến lợi phẩm mà Trung đoàn E66 thu được của địch bỏ lại khi tháo chạy, có chiếc xe Jeep mang biển số 15770. Là đơn vị Cối nên ông Vân lái luôn chiếc xe Jeep chở theo vũ khí cùng các đồng đội đuổi theo địch tới tận bờ sông Hàn. Sang bán đảo Sơn Trà, quân Mỹ lên tàu rút chạy ra biển Đông. Mấy ngày sau khi sạch bóng quân thù ở đây, các tiểu đội được lệnh tập trung về Trung đoàn đồng thời mang theo chiến lợi phẩm để ban lãnh đạo phân công tiếp quản. Đơn vị ông được phân công tiếp tục sử dụng chiếc xe Jeep, giao cho chiến sĩ Đào Ngọc Vân vẫn tiếp tục cầm lái.
Ông Vân gặp lại đồng đội xưa. Ảnh Hoàng Giáp |
Giây phút đứng tim trước dinh Độc Lập
Ngày 29/3/1975, một ngày sau khi Dương Văn Minh được đưa lên làm Tổng thống của chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn. Trung đoàn của ông được lệnh tấn công vào sào huyệt của chúng tại nội đô Sài Gòn, tiến thẳng vào dinh Độc Lập, bắt sống Dương Văn Minh cùng toàn thể nội các. Đúng 3h30, Trung đoàn 66, lúc này chiếc Jeep do ông Vân điều khiển bắt đầu xuất phát từ bến cảng Sài Gòn. Tốc hành thần tốc trong niềm vui tiếp đón của nhân dân miền Nam.
Lúc này trên chiếc xe Jeep ngoài lái xe Đào Ngọc Vân, còn có 5 người khác gồm: Trung đoàn phó - Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung úy tác chiến Nguyễn Khắc Nhu, Trung úy Phùng Bá Đam, lính thông tin Bàng Nguyên Thất và đồng chí Nguyễn Huy Hoàng thuộc Ban Liên lạc.
Khi còn cách dinh Độc Lập chừng 500m, hai chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 384 của Đại đội 4, Lữ đoàn Xe tăng 203 đi trước làm nhiệm vụ phá cổng chính và cổng phụ của tòa nhà, để chiếc xe Jeep tiến thẳng vào bên trong. Sự cố xảy ra khi chiếc xe tăng phá cổng phụ bị mắc kẹt, đoàn xe phải dừng lại. “Lúc này tôi như đứng tim trong sự lo lắng đến toát mồ hôi, trước khung cảnh nhốn nháo và căng thẳng hơn bao giờ hết, nhưng may sao chiếc xe tăng thứ hai đã nhanh chóng húc đổ cổng chính tiến thẳng vào sân…”, ông Vân nhớ lại.
Quân địch bị đột kích vào tận sào huyệt cuối cùng, nên hoang mang chạy thoát thân, bỏ lại toàn bộ lực lượng nội các của chính quyền Ngụy quyền. Chiếc xe Jeep do ông Vân điều khiển đi theo sau xe tăng tiến thẳng vào trong, ông đánh xe vòng cua bên phải sảnh chính, cùng chiếc xe sau vòng cua bên trái, khép kín vòng vây lấy khu nhà.
Khi quân giải phóng tiến vào áp sát ngôi nhà do đồng chí Phạm Xuân Thệ dẫn đầu cũng chính là lúc Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu cùng nội các đang bước từ trong nhà ra: “Xin chào các anh giải phóng, chúng tôi đang đợi các anh đến để bàn giao!”. Lúc này, đồng chí Phạm Xuân Thệ quát lớn: “Không bàn giao gì cả, chúng tôi đến bắt sống các ông, các ông phải đầu hàng! Chúng tôi đến đây đưa các ông ra Đài Phát thanh kêu gọi anh em binh lính, ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn bỏ vũ khí đầu hàng vô điều kiện lực lượng giải phóng!”.
Đồng hồ điểm đúng 11h30 ngày 30/4/1975, tất cả các Đài Phát thanh ở Sài Gòn phát lời Dương Văn Minh: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí, đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn, từ Trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ Trung ương đến địa phương, trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam…!”. Tiếp đến Thủ tướng Vũ Văn Mẫu phát biểu: “Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào hãy vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Chuyên viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ dưới sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng!”. Đại diện cho lực lượng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam Chính ủy Bùi Văn Tùng đáp lời: “Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn!”.
Sau đó ông Vân nhận lệnh điều khiển chiếc xe Jeep đưa Dương Văn Minh cùng toàn thể nội các Ngụy quyền trở lại dinh Độc Lập, bàn giao cho ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định do Thượng tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch.
Trong suốt câu chuyện kể, khí thế hừng hực từ ký ức ùa về, khiến ông Vân như sống lại những ngày đã xa, đôi mắt bỗng nhiên bừng sáng và khuôn mặt rạng ngời. ông như quên đi những lo toan bộn bề của cuộc sống, mà trước mặt ông là hàng nghìn người dân trong những bộ quần áo đẹp, hoa tươi đang vẫy gọi quân giải phóng… Đó là một miền ký ức, những gì còn vang mãi trong tâm thức đầy tự hào của những cựu binh tôi từng may mắn được gặp.
Tháng 7/1977, ông Vân nhận lệnh ra quân, trở về cơ quan cũ tiếp tục công tác đến năm 2006 ông về nghỉ hưu. Đầu năm 2008, bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phục dựng chiếc xe Jeep của thời khắc lịch sử ấy, ông Đào Ngọc Vân cung cấp thêm một tư liệu rất quý đó là bức ảnh ông chụp kỷ niệm với đồng chí Phùng Bá Đam bên cạnh chiếc xe Jeep tại Sài Gòn vào tháng 8/1975. Phóng to bức ảnh, xác định được trên biển xe có một ngôi sao trắng và một dãy số 1577…, Viện Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) đã giám định và xác định được số 0 nằm ở cuối. Và chiếc xe Jeep “lùn”, kiểu M151A2 mang biển số 15770 đã được phục dựng thành công, như một chứng tích của lịch sử hào hùng của dân tộc.