+Aa-
    Zalo

    Cựu binh Mỹ và lời hứa trở lại Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Một cựu chiến binh Mỹ từng tham gia vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã thề một ngày nào đó sẽ quay lại để giúp đỡ những người nhiễm chất độc màu da cam.

    (ĐSPL) – Một cựu chiến binh Mỹ từng tham gia vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã thề một ngày nào đó sẽ quay lại để giúp đỡ những người nhiễm chất độc màu da cam.
    Chuck Palazzo là một trong nhiều người Mỹ có mặt ở Việt Nam vào cuối tuần qua khi các nhà chức trách Mỹ và Việt Nam tiến hành một bước mới trong dự án khắc phục hậu quả nhằm làm sạch đất bị ô nhiễm tại căn cứ không quân ở Đà Nẵng. Căn cứ này là nơi lưu trữ một trong những dấu tích đáng sợ của cuộc chiến tranh Việt Nam – chất độc màu da cam.
    Palazzo đã tận mắt chứng kiến những chiếc máy bay Mỹ rải loại hóa chất độc hại này xuống trong thời gian tham chiến tại Việt Nam, trong sắc phục thủy quân lực chiến. Ngồi trong quán cà phê ở trung tâm thành phố Đà Nẵng, người cựu binh 61 tuổi nhớ lại máy bay rải “một đám sương mù” xuống mặt đất và nó có “mùi giống trái cây thối”.
    Cựu binh Mỹ và lời hứa hàng thập kỷ quay về Việt Nam

    Cựu binh Mỹ Chuck Palazzo

    “Tôi đang làm nhiệm vụ thì đột nhiên, chiếc máy bay xuất hiện và bắt đầu rải chất hóa học dioxin xuống. Chúng tôi không biết đó là cái gì. Khi chúng tôi quay lại, qua những con đường mòn thì nhận thấy, sau nửa ngày hoặc một ngày, tất cả lá cây trong khu rừng đều không còn nữa. Những cây nhỏ đều héo úa và chết”, ông kể. “Tôi tự băn khoăn: điều gì sẽ xảy ra với con người, nguồn thức ăn nếu trúng những loại chất độc này?”.
    Trong khoảng những năm 1960 và 1970, Mỹ đã rải khoảng 12 triệu gallon chất độc màu da cam để phá hủy những khu rừng rậm. Đây là loại chất hóa học có thể gây ra nhiều bệnh như tiểu đường, bệnh tim và ung thư. Việt Nam thông báo ít nhất 3 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin này, 150 nghìn người trong đó là trẻ em.
    Khi mới 18 tuổi, Palazzo đến Đà Nẵng tham chiến năm 1970 trong suốt 13 tháng làm nhiệm vụ. Mặc dù gia nhập quân đội mà không biết gì về chính trị, ông sớm nhận ra mình đã phạm sai lầm.
    “Ngày nào tôi cũng nói với bản thân mình “Chúa ơi, tại sao tôi lại làm như vậy. Cuối cùng tôi đành chấp nhận, tôi không có sự lựa chọn nào khác”.
    Điều đầu tiên tác động đến người cựu binh là những đau khổ mà người dân địa phương phải hứng chịu. Ông đã tự hứa với lòng mình sẽ quay lại “để làm điều gì đó tốt đẹp giúp đỡ người dân Việt Nam”.
    Di tích của chiến tranh
    Khi về Mỹ, Palazzo tham gia phong trào chống chiến tranh và trở thành một thành viên của hội cựu chiến binh vì hòa bình. Ông hoàn thành việc học và bắt đầu làm việc trong lĩnh vực phát triển phần mềm.
    Tuy nhiên, ông sớm nhận thấy những người chiến binh khác gặp phải vấn đề sức khỏe kỳ lạ và những đứa con của họ sinh ra đều dị dạng. Đó là do hậu quả của chất độc da cam. Palazzo trở thành một người vận động cho những người bị ảnh hưởng bởi hóa chất này.

    Cựu binh Mỹ và lời hứa hàng thập kỷ quay về Việt Nam

    Trong khoảng những năm 1960 và 1970, Mỹ đã rải khoảng 12 triệu gallon chất độc màu da cam xuống những khu rừng rậm.

    Vào những năm 1980, ông là một trong hàng chục nghìn cựu chiến binh Việt Nam và người thân của họ trình đơn kiện đối với 7 nhà sản xuất chất độc da cam. Mặc dù những công ty này không thừa nhận trách nhiệm nhưng cuối cùng họ phải bồi thường 180 triệu USD. Hầu hết mọi người đều nhận được khoảng 2.000 USD, ông cho biết.
    Palazzo thường gặp ác mộng, sợ đám đông và âm thanh ồn ào – kết quả của hội chứng rối loạn căng thẳng. Đỉnh điểm là vào năm 2001 khi một người bạn từng cùng ông đến Việt Nam qua đời.
    “Tôi và người bạn thân nhất cùng tới Việt Nam. Ông ấy đã cứu mạng tôi ở đó. Ông ấy trúng đạn và bị liệt rồi được đưa về Mỹ”. Ông ấy hoàn toàn phụ thuộc vào thuốc ngủ và cuối cùng đã chết vì uống quá liều. Palazzo đã bị tác động rất lớn sau sự ra đi của người bạn.
    Lời hứa hàng thập kỷ
    Ông quyết định quay về Việt Nam. Mặc dù cảm thấy lo lắng về chuyến đi này nhưng ông nhận thấy mọi người rất thân thiện và vị tha. Ông cũng gặp một số người nhiễm chất độc da cam và con cái của họ mắc phải những vấn đề về thể chất và tinh thần nghiêm trọng.
    “Tôi luôn nghĩ sẽ quay lại để làm điều gì đó có ích, giúp đỡ những nạn nhân càng nhiều càng tốt”, Palazzo nói.
    Năm 2006, Palazzo chuyển công ty phần mềm của ông đến Việt Nam. Ông định cư tại Đà Nẵng, nơi từ một đống tro tàn đã trở thành thành phố phát triển và hiện đại. Ông không chỉ chuyển đến đây vì công ty mà vì lời hứa cách đây nhiều thập kỷ rằng ông sẽ quay lại giúp đỡ người dân Việt Nam.
    Với ý nghĩ đó, Palazzo và hai người cựu chiến binh Việt Nam khác đã thành lập một hội cựu chiến binh vì hòa bình ở Việt Nam. Tổ chức này sẽ tổ chức các chuyến du lịch cho những người chiến binh tham quan đất nước Việt Nam và giải quyết những vấn đề liên quan đến tàn dư của chiến tranh. Mỗi người tham gia sẽ đóng góp 1.000 USD và năm nay có 17 du khách tham gia tổ chức.
    Ảnh hưởng của chất độc da cam
    Chính phủ Mỹ chưa bao giờ thừa nhận việc chất độc da cam gây ra các vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, năm 2012, họ bắt đầu thực hiện việc làm sạch khu căn cứ không quân ở Đà Nẵng, khu vực được xác định là một trong 28 điểm nóng dioxin ở Việt Nam. 45 nghìn m3 đất nhiễm độc tại khu vực này sẽ được nung nóng ở nhiệt độ cao để tiêu hủy chất dioxin. Chi phí cho dự án khắc phục hậu quả đã lên tới 84 triệu USD.
    Palazzo cho rằng chính phủ Mỹ cần làm việc hơn nữa bằng cách giúp đỡ những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chất độc dioxin.
    “Đó không phải là hỗ trợ thêm 10 hay 20 đô cho họ mỗi tháng mà cần phải xây dựng nhà an dưỡng, công tác xã hội, các trung tâm phục hồi chức năng”, ông nói. 

    Xem thêm Clip: Thuyền trưởng phà Sewol tháo chạy bỏ mặc hành khách

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuu-binh-my-va-loi-hua-tro-lai-viet-nam-a31166.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan